Chủ nhật, 20/12/2020, 15h03

Sau THCS, học sinh có nhiều hướng đi

Ngày 19-12, tại Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.10, TP.HCM) Báo Giáo dục TP.HCM đã khai mạc chương trình tư vấn “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần thứ 6 năm học 2020-2021.


TS. Nguyễn Thanh Tùng (chuyên gia tâm lý) đang tư vấn riêng cho phụ huynh và học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương

Chương trình đã mang đến cho học sinh nhiều thông tin hữu ích về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, cách chuẩn bị tâm lý mùa thi, các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS, qua đó giúp các em có sự lựa chọn phù hợp.

Cân nhắc khi đăng ký nguyện vọng

Trong chương trình, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM diễn ra vào ngày 15, 16 và 17-7. Năm 2021 vẫn chưa có lịch thi chính thức nhưng các em có hai cột mốc để thi: Nếu không có gì thay đổi, các em sẽ thi vào ngày 1, 2 và 3-6 hoặc thi vào ngày 15, 16 và 17-7. Theo đó, ngày đầu tiên (khoảng 9 giờ 30 phút sáng ngày 1-6 hoặc 15-7) thí sinh đến địa điểm thi làm thủ tục, kiểm tra lại thông tin, phòng thi, giải đáp thắc mắc để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ thi. Các em sẽ thi 3 môn: buổi sáng thi ngữ văn (120 phút), buổi chiều thi ngoại ngữ (60 phút). Ngày hôm sau, buổi sáng thi toán (120 phút), buổi chiều thi môn chuyên hoặc tích hợp (150 phút) dành cho thí sinh có đăng ký.


Một học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương đang nhờ ban tư vấn giải đáp thắc mắc về kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2021

Đối với kỳ thi vào lớp 10 công lập trường thường, học sinh sẽ có 3 nguyện vọng. Cách xét tuyển từ trên xuống, trúng tuyển nguyện vọng nào bắt buộc phải học nguyện vọng đó, không được thay đổi. Điểm thi được tính: Toán, ngữ văn nhân 2 cộng với điểm ngoại ngữ và điểm ưu tiên (nếu có). Điều kiện trúng tuyển: Thí sinh phải tham dự đầy đủ 3 môn thi và không có môn nào bị 0 điểm. Đối với trường chuyên, thí sinh được đăng ký 4 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 và 2 dành cho lớp chuyên trường chuyên, còn nguyện vọng 3 và 4 dành cho lớp thường trường chuyên. Khác với trường thường, thi vào trường chuyên ngoài 3 môn ngữ văn, toán và ngoại ngữ, thí sinh sẽ thi thêm môn chuyên. Cách tính điểm như sau: Tổng điểm môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ cộng môn chuyên (nhân 2) và điểm các bài thi phải lớn hơn 2 mới đủ điều kiện xét tuyển. Tuy nhiên, điều kiện thi vào trường chuyên thí sinh phải có học lực và hạnh kiểm lớp 6, 7, 8 phải từ khá trở lên, điểm tốt nghiệp THCS phải đạt loại giỏi. “Phụ huynh và các em học sinh lưu ý, khi đăng ký hồ sơ thi tuyển sinh lớp 10 phải kiểm tra thông tin chính xác, nếu có vấn đề gì cần liên hệ nhà trường hoặc Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Sở GD-ĐT để được hướng dẫn chỉnh sửa. Đặc biệt, khi đăng ký nguyện vọng cần cân nhắc chọn trường phù hợp với năng lực, điều kiện gia đình. Không nên chọn ngôi trường quá xa để rồi khi trúng tuyển lại không đi học được thì rất đáng tiếc”, ông Khoa lưu ý.

Học sinh có nhiều lựa chọn

Theo ThS. Trần Thị Quỳnh Như (Trưởng phòng Đào tạo và Khảo thí, Trường TC Việt Giao), sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có nhiều hướng đi. Trong đó, việc chọn học TC được Nhà nước đặc biệt quan tâm, hỗ trợ học phí. Tại Trường TC Việt Giao, các em sẽ học văn hóa song song với học nghề, ra trường nhận 2 văn bằng: Bằng TC kèm theo giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT. Con đường học tập này không chỉ giảm được áp lực, tiết kiệm thời gian mà còn giảm gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp TC, các em còn có thể liên thông lên bậc học cao hơn để thăng tiến trong công việc. “Trường TC Việt Giao đào tạo nhiều ngành nghề: Quản trị bếp và ẩm thực, hướng dẫn viên du lịch, quản trị khách sạn, quản trị mạng máy tính, kế toán doanh nghiệp, quản trị dịch vụ giải trí và tổ chức sự kiện… với thời gian học từ 2 đến 3 năm. Trong quá trình học, ngoài kiến thức, học sinh còn được đào tạo kỹ năng, ra trường nếu chưa tìm được việc thì nhà trường sẽ hỗ trợ”, ThS. Quỳnh Như cho biết.


Phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương tham dự chương trình tư vấn

Trả lời câu hỏi của một phụ huynh về vấn đề làm sao để giúp con xác định được hướng đi phù hợp sau THCS? ThS. Quỳnh Như cho biết, đối với nghề bác sĩ, kỹ sư hay giáo viên… thì các em nên học tiếp lên phổ thông, sau đó học ĐH để có nền tảng kiến thức vững chắc, được hướng dẫn học tập, nghiên cứu chuyên sâu để sau này đóng góp cho xã hội. Nhưng đối với các nghề như hướng dẫn viên du lịch, đầu bếp… chủ yếu đòi hỏi về kỹ năng thực hành thì sau khi tốt nghiệp THCS, các em có thể học TC để có môi trường đào tạo phù hợp, sớm bước ra thị trường lao động. “Muốn biết con mình thích hợp với hướng đi nào, phụ huynh cần giúp các em định hướng được nghề nghiệp sau này, mục tiêu của bản thân là gì, điều kiện gia đình ra sao…, từ đó chọn ngành nghề, bậc học phù hợp”, ThS. Quỳnh Như nói.

Những năm qua, chương trình tư vấn “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của Sở GD-ĐT TP.HCM và các trường TC, CĐ trên địa bàn TP đã thật sự trở thành kênh cung cấp thông tin quan trọng, kịp thời đến học sinh, giúp các em lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp. Chương trình đã góp phần thực hiện Đề án giáo dục, hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, giai đoạn 2018-2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại chương trình, em Kim Ngân (học lớp 9/5) thắc mắc: “Làm sao để khi bước vào phòng thi không bị run và học tốt những môn mình không thích?”. Giải đáp câu hỏi này, TS. Nguyễn Thanh Tùng (chuyên gia tâm lý) cho hay, để có được tâm lý vững vàng, không bị run khi vào phòng thi, thí sinh cần học bài và chuẩn bị bài kỹ. Trong quá trình học tập, nếu thấy kiến thức nào chưa vững nên hỏi lại thầy cô và làm nhiều bài tập để tự tin hơn. Nếu lỡ bị run, các em nên hít thở sâu, uống nước để lấy lại bình tĩnh. Đối với những môn không thích học, các em cũng phải cố gắng học tốt vì có những môn chúng ta tưởng chừng không quan trọng như địa lý, lịch sử, giáo dục công dân nhưng thật ra sau này nó cũng sẽ giúp mình gặt hái được thành công. Để học hiệu quả những môn không thích, mỗi ngày các em nên ưu tiên học những môn mình… ghét trước, sau đó quay lại học môn mình thích, như vậy sẽ tạo cho mình tâm lý thoải mái và học tập hiệu quả hơn. “Mỗi ngày các em nên ngồi vào bàn học khoảng 60 phút. Sau đó chúng ta có thể đứng dậy thư giãn, hít thở sâu, làm những việc lặt vặt phụ gia đình để khi quay lại bàn học, chúng ta có được nguồn năng lượng tích cực hơn”, TS. Thanh Tùng gợi ý.

Bài, ảnh: T.Kiều