Thứ ba, 7/4/2020, 09h15

Sinh viên trường y xung kích chống dịch

“Tuổi nhỏ làm việc nhỏ - Tùy theo sức của mình” là khẩu hiệu mà sinh viên 2 trường Đại học Y Dược TPHCM và Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch mang theo khi lên đường tham gia phòng chống dịch Covid-19. Hơn lúc nào hết, tinh thần tình nguyện, xung kích của thế hệ trẻ ngành y lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tham gia buổi huấn luyện, hướng dẫn kỹ năng phòng dịch

Đến với cộng đồng

Những ngày qua, một nhóm sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM đã đi đến các điểm lưu trú công nhân trên địa bàn quận Thủ Đức tuyên truyền hướng dẫn người dân cách phòng dịch Covid-19. Tại đây, cùng với hướng dẫn công nhân cách giữ vệ sinh không gian sống, vệ sinh tay, các sinh viên y khoa còn tổ chức nhiều trò chơi cho trẻ em, trong đó có lồng ghép kiến thức về cách rửa tay đúng, đeo khẩu trang đúng và giữ gìn vệ sinh cá nhân trong thời gian nghỉ học. Cùng thời điểm đó, đội hình sinh viên tình nguyện của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng có mặt tại một khu dân cư trên địa bàn quận Thủ Đức để hướng dẫn người dân cách phòng dịch hiệu quả. Đây là 2 trong các nhóm đội hình thầy thuốc trẻ và sinh viên ngành y tình nguyện chống dịch do Thành đoàn TPHCM phát động. 

Chị Phan Thị Thanh Phương, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM, cho biết, đội hình thầy thuốc trẻ và sinh viên ngành y tình nguyện chống dịch đã nhận được sự tham gia của 200 tình nguyện viên đến từ các bác sĩ của Hội Thầy thuốc trẻ, nhân viên y tế các phòng khám, bệnh viện trực thuộc các trường đại học y dược trên địa bàn và sinh viên y khoa. Mục tiêu của đội hình là xây dựng môi trường học tập an toàn cho học sinh, đồng thời phát huy chuyên môn, tinh thần xung kích của sinh viên ngành y nói riêng và tuổi trẻ TP nói chung tham gia hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19. Công việc chính của đội hình thầy thuốc trẻ và sinh viên tình nguyện là tập huấn, tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên, giáo viên, phụ huynh tại các trường học, khu lưu trú công nhân, khu dân cư tại các địa phương như quận 6, 8 và Thủ Đức. Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng thực hiện phun thuốc diệt khuẩn, hướng dẫn cách phòng dịch tại các mái ấm, nhà mở, khu lưu trú công nhân, tham gia hỗ trợ nhập thông tin phiếu khai báo y tế tại các trung tâm cách ly tập trung của TP… Dự kiến, các đội hình tình nguyện sẽ làm việc đến khi công bố hết dịch. 

Sẵn sàng ra tuyến đầu

Cuối tháng 3-2020, khi tất cả học sinh, sinh viên trên cả nước vẫn đang tiếp tục nghỉ học thì Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, sinh viên năm 6 ngành y đa khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn đến trường. Cùng với các bạn trong đội hình sinh viên tình nguyện chống dịch của trường, Thanh tham gia các lớp tập huấn cung cấp kiến thức kỹ năng chống dịch để sẵn sàng ra tuyến đầu. Thanh là một trong 10 sinh viên đầu tiên đăng ký tình nguyện tham gia chống dịch khi Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch phát động lời kêu gọi. “Em nghĩ rằng, đây không chỉ là trách nhiệm của một người thầy thuốc tương lai mà còn là một trải nghiệm đáng quý để sau này chúng em làm tốt hơn nữa vai trò của một bác sĩ”, Thanh bộc bạch. 

Theo thạc sĩ - bác sĩ Hà Thanh Đạt, Bí thư Đoàn trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, trong bối cảnh ngành y tế TP đang phải tiếp nhận số lượng lớn người cách ly tập trung quá nhiều, phát sinh nhiều ca bệnh mới trong cộng đồng thì công việc của các nhân viên y tế gần như quá tải. Hưởng ứng chủ trương của UBND TPHCM, sinh viên Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã sẵn sàng. “Đây là thời điểm các sinh viên y khoa phải vào cuộc, tuổi nhỏ làm việc nhỏ, sinh viên y khoa có thể tham gia vào các công tác phụ giúp điều tra dịch tễ, theo dõi sức khỏe cho những người thuộc diện được cách ly trong các khu cách ly và nhiều công việc khác”, bác sĩ Hà Thanh Đạt cho hay. Tuy nhiên, theo bác sĩ Hà Thanh Đạt, nhằm đảm bảo sự an toàn cho sinh viên cũng như để các bạn không trở nên “vướng tay vướng chân” nhân viên y tế thì công tác tập huấn, huấn luyện phải được chuẩn bị kỹ càng. Ngoài kiến thức, kỹ năng chuyên môn, vấn đề bảo hộ an toàn, phòng chống lây nhiễm cho sinh viên trước khi “ra chiến trường” là điều cần thiết. Anh Đạt chia sẻ: “Với sinh viên năm cuối, các bạn đã có nhiều kinh nghiệm thực tập ở các bệnh viện, thậm chí có bạn còn từng thực tập ở các khoa bệnh truyền nhiễm, do đó chúng tôi khá yên tâm. Chỉ cần trang bị thêm cho các bạn kiến thức và cách phòng tránh Covid-19 nữa là có thể xung trận”.

Dù trước đó có hơi lo lắng về nguy cơ sẽ bị lây nhiễm bệnh nếu tham gia phòng chống dịch, nhưng sau khi được tập huấn các kỹ năng cần thiết, em Lê Vĩnh Nghi, sinh viên năm cuối ngành y đa khoa, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hoàn toàn tự tin: “Ngoài việc được thầy cô huấn luyện kiến thức chuyên môn thì em cũng tự trang bị cho mình các kỹ năng cần thiết cũng như tự nâng cao sức khỏe của bản thân như rèn luyện thể lực, ăn ngủ đúng giờ. Tất cả đã sẵn sàng để lên đường”. Tinh thần xung kích của các sinh viên đang lan tỏa mạnh mẽ trong các trường đại học y dược TPHCM và xã hội, với mục tiêu cùng chung tay đẩy lùi dịch Covid-19.

Theo Thành An/SGGPO