Thứ năm, 9/12/2021, 15h52

Sinh viên Việt Nam gặp khó khi quay lại Úc

Dù chính phủ Úc dần nới lỏng biện pháp phòng dịch Covid-19 để tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế quay trở lại nước này, nhưng nhiều sinh viên Việt Nam vẫn gặp khó khăn do việc thay đổi chính sách mở cửa và gia hạn thị thực.

Khó gia hạn thị thực

Vào ngày 22.11, Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố nới lỏng các biện pháp hạn chế biên giới để tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế quay trở lại nước này. Tuy nhiên, do sự xuất hiện đáng lo ngại của biến thể Omicron, Chính phủ Úc hôm 29.11 đã đưa ra quyết định “tạm thời nhưng cần thiết” về tạm dừng mở cửa trở lại từ ngày 1 - 15.12, theo thông tin từ Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng đến các kế hoạch quay trở lại học tập tại Úc của nhiều sinh viên Việt Nam.

Sinh viên Việt Nam gặp khó khi quay lại Úc  - ảnh 1

Du học sinh Việt Nam tại Úc

Nữ sinh viên Trần Quốc Minh Khánh ở TP.HCM là một trong số đó. Khánh đã được cấp visa vào tháng 5 và phải chờ đợi suốt 7 tháng qua nhưng vẫn chưa rõ khi nào mới có thể đến TP.Melbourne (Úc) để học.

Khi có thông tin Úc sẽ mở cửa từ ngày 1.12, Khánh đã chủ động đặt sớm vé máy bay để đi vào ngày 10.12, vì thời điểm này vé máy bay để sang Úc không dễ mua và có mức giá rất cao. Bên cạnh đó, trước chuyến đi của mình, Khánh còn phải chuẩn bị những thủ tục cần thiết theo quy định nhập cảnh của chính phủ Úc.

Tuy nhiên, mọi sự háo hức để đến Úc của Khánh đã tan biến khi quyết định mở cửa đón du học sinh đã bị hoãn tới ngày 15.12. Do đó, Khánh phải hủy vé máy bay và hủy thủ tục đăng ký trước phòng ký túc xá để chờ một quyết định rõ ràng hơn từ phía Chính phủ Úc.

“Tôi vẫn còn mơ hồ và không rõ liệu Úc đã thật sự mở cửa đón sinh viên quốc tế hay không. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều tới kế hoạch học tập trong năm học đầu tiên của tôi tại Úc. Việc thay đổi thời gian nhận sinh viên còn khiến tôi trì hoãn một số công việc cá nhân và phải đứng giữa ranh giới đi hay ở lại”, Khánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên đã và đang học tại Úc nhưng phải về nước do ảnh hưởng của đại dịch cũng không quyết định quay lại nước này để tiếp tục việc học, vì gặp một số khó khăn trong việc gia hạn visa.

Lê Thanh Thảo, sinh viên ngành truyền thông ĐH Deakin (Melbourne) muốn quay trở lại Úc để hoàn thành 2 tín chỉ cuối cùng mới có thể tốt nghiệp, tuy nhiên, theo Thảo: “Dù chính phủ Úc đã có những chính sách tạo điều kiện như gia hạn visa du học miễn phí nếu như không thể hoàn thành khóa học trong khoảng thời gian visa cũ do dịch Covid-19, nhưng khi tôi gia hạn thì phải thực hiện lại quy trình xin 1 visa mới và vẫn phải đóng phí như bình thường”. Do đó, cô đang cân nhắc về việc có nên tiếp tục quay lại Úc để tiếp tục việc học hay ở lại Việt Nam để hoàn thành khóa học dưới hình thức trực tuyến.

Đó là những khó khăn mà nhiều du học sinh Việt Nam đang phải đối mặt. Cao Thùy Linh, thành viên Ban chấp hành Hội sinh viên Việt Nam tại trường ĐH Deakin (Melbourne), cho hay: “Việc thay đổi liên tục kế hoạch mở cửa biên giới gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch du học của các bạn. Nhiều du học sinh mà tôi biết đã ngừng việc học tại Úc và chuyển về Việt Nam hoặc sang nước khác học, vì họ không muốn gián đoạn việc học hoặc tiếp tục học online”.

Úc hoanh nghênh sinh viên Việt Nam trở lại

Về vấn đề trên, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết: “Những sinh viên đã được cấp thị thực vào Úc nhưng phải học trực tuyến bên ngoài nước Úc do những hạn chế đi lại vì Covid-19 thì vẫn được duy trì visa này. Chính sách này sẽ áp dụng cho các thị thực hiện còn hiệu lực và cấp mới”.

Do đó, Đại sứ quán Úc khuyến cáo sinh viên quốc tế cần đăng ký học trực tuyến với một trường có trong Danh mục Liên bang các Trường học và Khóa học cho sinh viên nước ngoài (CRICOS). Mục đích của việc yêu cầu sinh viên quốc tế phải có thị thực sinh viên trong suốt thời gian học là để tạo sự đảm bảo cho lĩnh vực giáo dục quốc tế và cho sinh viên.

Sinh viên Việt Nam gặp khó khi quay lại Úc  - ảnh 2

Nhiều sinh viên Việt Nam đã mất hơn 1 năm để học online vì các lệnh đóng cửa biên giới của Úc. ĐẬU TIẾN ĐẠT

Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đồng thời lưu ý: “Đối với các sinh viên đã có thị thực sinh viên vào hoặc sau ngày 1.2.2020 và không thể hoàn thành khóa học của mình trong thời hạn hiệu lực của thị thực ban đầu do tác động của Covid-19, chúng tôi sẽ miễn lệ phí thị thực để cho phép các sinh viên nộp đơn xin gia hạn thị thực sinh viên.

Điều này bao gồm cả việc các sinh viên đã hoãn việc học vì không thể nhập cảnh vào Úc do các hạn chế đi lại; buộc phải giảm tải thành học bán thời gian; không thể hoàn thành việc đào tạo tại công sở hoặc thực tập của họ.

Việc miễn lệ phí thị thực sinh viên này không áp dụng với những sinh viên đang nộp đơn xin thị thực du học mới vì những lý do thông thường (bao gồm cả việc họ bị trượt một khóa học hoặc một môn học, hoãn lại vì lý do cá nhân hoặc tự nguyện giảm tải khối lượng học tập)”.

Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cảm ơn các sinh viên đã kiên nhẫn trong khoảng thời gian khó khăn này, và bày tỏ: “Việc đi lại đến Úc là ưu tiên của những sinh viên đã nhập học tại các cơ sở giáo dục, song việc học bị gián đoạn nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, và chúng tôi mong được chào đón các sinh viên quay trở lại”.

Đại sứ quán Úc thông tin, giấy chứng nhận tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam không cần phải được xác nhận hoặc công chứng bởi các cơ quan ngoại giao Úc tại Việt Nam.

Những hạn chế về việc đi lại đến Úc vẫn được áp dụng đối với những sinh viên chưa được tiêm chủng, ngoại trừ một số trường hợp được miễn trừ. Những người có thị thực sinh viên chưa được tiêm chủng và những người có thị thực sinh viên đã tiêm loại vắc xin không được Úc công nhận phải xin miễn trừ hạn chế đi lại để được nhập cảnh, theo Đại sứ quán Úc.

Hiện tại, Úc công nhận 8 loại vắc xin Covid-19 cho mục đích đi lại đến Australia, gồm: Vaxzevria (AstraZeneca), Comirnaty (Pfizer), Spikevax (Moderna), Janssen-Cilag (Johnson & Johnson), Coronavac (Sinovac), Covishield (AstraZeneca /Viện huyết thanh của Ấn Độ), Covaxin (Bharat Biotech) và BBIBP-CorV (Sinopharm).

Theo Đậu Tiến Đạt/TNO