Thứ tư, 25/11/2020, 19h36

Sứ mệnh người thầy - Giáo dục bằng tình yêu thương”

“Sứ mệnh người thầy- Giáo dục bằng tình yêu thương” là chuyên đề vừa được Phòng GD-ĐT Q.3 tổ chức cho cán bộ, giáo viên tại các đơn vị trường học trên địa bàn quận, với mong muốn “tiếp lửa” đổi mới cho các thầy cô giáo, trao cho thầy cô các phương pháp daỵ học tích cực, hướng đến giáo dục toàn diện học sinh, thích ứng với những đòi hỏi của đổi mới giáo dục.


Giáo viên tham gia hoạt động trong chuyên đề
 

Tham gia vào chuyên đề, các thầy cô giáo đã được lắng nghe những chia sẻ từ TS. Trần Khánh Ngọc (Nguyên giảng viên ĐH Sư Phạm Hà Nội, sáng lập Chương trình Dạy học tích cực) trong việc xây dựng, thiết kế những giờ học tích cực, đổi mới, đến gần hơn với học sinh và phụ huynh.

Theo TS. Trần Khánh Ngọc, trong thời đại 4.0, kiến thức có ở khắp nơi, người giáo viên đã không còn là “kho kiến thức”, không phải là người truyền thụ kiến thức, độc quyền kiến thức đơn thuần nữa mà phải là người khơi dậy tình yêu học hỏi, niềm ham thích học hỏi và khơi lên trong học sinh những hạt giống tốt, những hạt giống về tình yêu thương, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, nhà trường và xã hội.

“Trong bối cảnh 4.0 hiện nay, sứ mệnh người thầy nặng nề hơn ngày trước rất nhiều. Đặc biệt, bị cạnh tranh rất nhiều bởi các công cụ khác. Do đó, khi người thầy không xác định được rõ sứ mệnh của mình thì sẽ dễ dàng bị lẫn đi, bị nhạt nhòa, bởi rõ ràng các công cụ còn làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức tốt hơn cả người thầy với những khóa học online, AI. Thầy cô mà không thay đổi, thầy cô sẽ bị từ chối”, TS. Ngọc nhấn mạnh.

Tuy nhiên, TS. Ngọc cho rằng, cái quan trọng nhất mà người thầy khác với máy móc, với công nghệ đó là cảm xúc. Thầy cô là người trực tiếp có thể thấu hiểu được người học, có thể tác động được người học, chạm được vào người học. Người thầy đóng vai trò thay đổi cuộc đời người học chứ không phải chỉ là truyền cho người học một “vốn” kiến thức. Kiến thức ở đâu người học cũng có thể học được, nhất là trong bối cảnh 4.0. Nhưng, sự xuất hiện của thầy cô sẽ làm học trò thay đổi, đang từ một học sinh chán đời, thù ghét thế giới, nhưng khi được thầy cô yêu thương, tưới tắm cho những hạt giống yêu thương trong lòng thì chắc chắn sẽ giúp học sinh lấy lại được sự tự tin, yêu đời, có được tương lai tốt đẹp.

“Sứ mệnh của người thầy là giúp học sinh định hướng và thay đổi. Giáo dục bằng tình yêu thương đòi hỏi người thầy phải có đủ sự yêu thương trong lòng mình thì mới có thể “ôm” được học sinh mình vào lòng. Khi thầy cô chạm được đến học sinh, làm cho học sinh yêu thương mình thì chính là lúc thầy cô giáo thay đổi học sinh mình, từng ngày từng ngày một”, TS. Ngọc chỉ ra.  

Với sứ mệnh đó, theo TS. Ngọc, thầy cô có thể thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động, tạo ra những tiết học giá trị thay vì chỉ nói đến thành tích, tận dụng tất cả các hoạt động để học sinh được kết nối, được thể hiện, được hiểu chính mình và bạn bè xung quanh. Đây là những hoạt động “tưới nước”, tạo ra môi trường giúp nảy nở những hạt giống tốt trong lòng học sinh. “Tương tự như học sinh, phụ huynh cũng cần phải “tưới nước”. Thầy cô làm với học sinh như thế nào thì hãy làm như thế với phụ huynh, để phụ huynh hiểu hơn về thầy cô, từ đó tìm ra tiếng nói chung, thông cảm, ủng hộ. Thầy cô phải quan điểm rằng, phụ huynh và mình là cùng một con thuyền, cùng là những người tạo ra môi trường để học sinh phát triển để có sự phối hợp. Đừng gạt phụ huynh sang một bên, phụ huyh là một phần rất quan trọng để hình thành, tưới tắm những hạt giống tốt trong học sinh nảy nở…”, TS. Ngọc nhấn mạnh.

Tin, ảnh: Yến Hoa