Thứ năm, 12/3/2020, 19h52

Tái hiện một thời mũ rơm mũ cối

Tác gi cun hi ký Chúng tôi - Mt thi mũ rơm mũ ci đang ký tng sách

Thuộc thế hệ 9X, sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước yên bình, nên tuổi thơ của tôi không phải sống trong bom đạn ác liệt như thời của ông bà, cha chú… Dù vậy, nhưng tôi cũng hiểu được thế nào là chiến tranh, là mất mát và cảnh những đứa trẻ thời đó phải đi theo cha mẹ sơ tán khắp nơi, phải chịu cảnh thiếu thốn đủ thứ. Và tôi càng hiểu hơn khi được người trong cuộc kể lại qua cuốn hồi ký Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối - của nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề báo). Với độ dày hơn 300 trang, cuốn sách như là thước phim quay ngược về cái thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước với những ký ức không thể nào quên của mỗi người Hà Nội và cả nước, nhất là những đứa trẻ sống dưới mái nhà khu tập thể và tòa soạn Báo Nhân dân. Trong cuộc sống ấy, Huỳnh Dũng Nhân là cậu bé được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm báo với ba là nhà báo Huỳnh Hùng Lý, mẹ và anh hai cũng làm báo. Chính vì vậy, khi cha mẹ từ miền Nam tập kết ra Bắc, Huỳnh Dũng Nhân cũng được đi theo và sống trong những tháng ngày khó khăn, vất vả nhưng rất hồn nhiên với nhiều tài lẻ - đó cũng là yếu tố hình thành nên cây bút phóng sự sau này với những tác phẩm: Ba hồi chuông, Ăn Tết trong rừng chó sói, Tôi đi bán tôi, Kính thưa ôsin…

Dù khoảnh khắc đó đã đi qua hơn nửa thế kỷ nhưng đối với nhà văn, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, đó là những ký ức đẹp không thể nào quên, từ câu chuyện mỗi lần được gặp Bác Hồ, chuyện sinh hoạt của các gia đình, cô chú, anh chị là những nhà văn, nhà báo nổi tiếng cùng làm việc và ở cạnh nhau trong khu tập thể ngõ Lý Thường Kiệt một thuở đến những chuyện đậm dấu ấn cuộc sống người Hà Nội thời chiến tranh với những chuyến sơ tán bằng xe bò, xe đạp về miền quê tránh bom Mỹ B52, chuyện các cậu bé thiếu sinh quân, anh bộ đội, bạn hàng xóm, hay những niềm vui từ phong trào viết thư giao lưu quốc tế quên cả nỗi đau của những cái chết bom đạn, bệnh tật vì thời gian… Đặc biệt, tác giả còn nhớ như in từng địa danh như Vân Đình, Tuy Lai, Thống Nhất… những nơi từng chở che những đứa trẻ của Báo Nhân dân trong mỗi lần sơ tán tránh bom đạn. Và có lẽ vì được sống trong môi trường đó, những đứa trẻ ở trại sơ tán năm xưa nay đã lớn lên và đều thành công trên con đường riêng của mình, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của thế hệ cha ông, của những người làm Báo Nhân dân.

Đọc Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối, chúng ta còn thấy được bài ca về tình yêu cuộc sống, tình yêu của những người cha, người mẹ, của người hàng xóm trong cách giáo dục con, cháu bằng thiện lương, bằng chia sẻ giúp một thế hệ đứng lên, vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt, khẳng định chính mình. Cuốn sách sẽ là nguồn tư liệu đắt giá để thế hệ mai sau biết được một thời oanh liệt để từ đó biết trân trọng những gì mà mình đang có.

Thúy Kiu