Thứ năm, 7/3/2019, 20h31

Tạo điều kiện cho công nhân nữ mua nhà

Ngày 6-3, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) TP.Cần Thơ đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề “Vai trò của nữ công nhân khu công nghiệp, chế xuất (KCN-CX) Cần Thơ”. Bà Võ Thị Hồng Ánh - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, Trưởng ban VSTBPN TP chủ trì.

Bà Võ Th Hng Ánh - Phó Ch tch UBND TP.Cn Thơ trao kinh phí h tr trang thiết b hot đng cho các CLB n công nhân

TP.Cần Thơ có 6 KCN-CX đang hoạt động với gần 35.000 lao động, trong đó gần 24.500 lao động nữ (LĐN) - chiếm 70% tổng số lao động. Tỷ lệ LĐN trong các doanh nghiệp (DN) ngày càng tăng, được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc về tiền lương, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội. Vai trò, vị trí nữ công nhân ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng trong phát triển DN cũng như phát triển TP.

Tuy nhiên, theo bà Hồng Ánh: “Dù có nhiều tiến bộ song tỷ lệ thất nghiệp của nữ còn cao hơn nam; chất lượng việc làm chưa cao, tính ổn định và bền vững trong việc làm còn thấp; LĐN thiệt thòi hơn nam giới về cơ hội học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt”.

Cũng tại đây, ông Huỳnh Văn Vĩnh - đại diện Ban Quản lý các KCX-CN Cần Thơ - tâm tư: “Đa số LĐN ở các tỉnh khác đến làm việc không có điều kiện mua nhà ở, tiền lương chỉ đủ chi tiêu tiết kiệm cho bản thân và hỗ trợ một ít cho gia đình, không có điều kiện tích lũy vốn cho cuộc sống lâu dài. DN không có nhà tập thể cho công nhân thuê nên phần lớn LĐN ở nhà trọ tư nhân với cuộc sống nhiều khó khăn. Các KCN-CX cũng không có nhà văn hóa cho công nhân và không có nhà trẻ để công nhân gửi con”. 

Hiện nay, một số các địa phương có KCN-CX thành lập CLB nữ công nhân tại các khu nhà trọ. CLB sinh hoạt vào tối thứ bảy hoặc chủ nhật, nội dung sinh hoạt hướng dẫn về kỹ năng sống, chính sách đối với LĐN; vận động chị em thực hiện tốt các quy định của địa phương, tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao. Nữ công nhân được bảo vệ quyền lợi chính đáng, được chính quyền và ngành chức năng thăm hỏi khi đau ốm… Tuy nhiên, với đặc thù làm việc theo ca nên chị em rất căng thẳng. Về nhà còn chăm lo gia đình nên nhiều người chưa thiết tha tham gia CLB hoặc học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Từ thực tế này, bà Hồng Ánh lưu ý Ban Chủ nhiệm các CLB nữ công nhân cần quan tâm giờ làm việc khác nhau của chị em. Nội dung sinh hoạt phải thiết thực, gắn với nhu cầu và lợi ích của chị em. Có thể tạo thành từng nhóm, từng group trên mạng, trên điện thoại, giúp chị em không phải hội họp nhiều mà vẫn nắm được thông tin cần thiết cũng như chia sẻ tâm tư tình cảm, thấy được lợi ích khi tham gia CLB.

Bà Hồng Ánh đề nghị Ban VSTBPN nghiên cứu tìm giải pháp, kể cả cho vay vốn ưu đãi nhằm  giúp công nhân mua được nhà. Nghiên cứu thành lập những điểm giữ trẻ an toàn trong KCN-CX...

Bà Hồng Ánh cũng thông tin, nhiều DN đang làm thủ tục để mở rộng cơ sở sản xuất, hoặc thành lập mới công ty. Do vậy các KCN-CX sẽ mở ra cơ hội việc làm cho rất nhiều lao động ở trong và ngoài TP. Điều kiện đã có nhưng bản thân chị em cũng phải nỗ lực học tập, trau dồi chuyên môn để có trình độ đáp ứng các vị trí việc làm. Tay nghề cao sẽ có thu nhập cao, đảm bảo cuộc sống tốt cho bản thân và gia đình...

Đan Đan