Thứ năm, 23/9/2021, 15h16

Tập đoàn Pháp đòi Úc bồi thường thiệt hại vì hủy hợp đồng tàu ngầm

Tập đoàn Hải quân của Pháp ngày 22.9 cho biết trong những tuần tới, họ sẽ gửi Úc yêu cầu bồi thường vì Canberra đã hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm của nhà thầu này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đứng trên boong tàu HMAS Waller, tàu ngầm lớp Collins do Hải quân Hoàng gia Úc chế tạo và vận hành, vào ngày 2.5.2018 /// AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đứng trên boong tàu HMAS Waller, tàu ngầm lớp Collins do Hải quân Hoàng gia Úc chế tạo và vận hành, vào ngày 2.5.2018. AFP

Tờ Le Figaro của Pháp ngày 22.9 dẫn lời Giám đốc điều hành Tập đoàn Hải quân, ông Pierre Eric Pommellet, cho biết tập đoàn này sẽ gửi hóa đơn yêu cầu bồi thường tới Úc "trong vài tuần".

“Úc tự ý chấm dứt hợp đồng. Điều này nghĩa là chúng tôi không có lỗi. Trường hợp này đã được quy định trong hợp đồng. Chúng tôi sẽ yêu cầu bồi thường các chi phí đã phát sinh và sẽ được chi trong thời gian tới liên quan đến việc tháo gỡ cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin cũng như tái điều động nhân lực", ông Pommellet nói thêm.

"Chúng tôi sẽ đòi quyền lợi của mình", giám đốc Tập đoàn Hải quân cho biết.

Động thái này diễn ra sau khi Úc hủy thỏa thuận tàu ngầm với tập đoàn Pháp và thay bằng các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và Anh. Việc Pháp bị gạt ra ngoài trong các cuộc trao đổi về việc thành lập liên minh Aukus của Mỹ, Anh, Úc và thỏa thuận tàu ngầm bị hủy bỏ khiến Paris tức giận, dẫn đến căng thẳng ngoại giao.

Ông Pommellet cũng cho biết Úc đã hủy thỏa thuận mà không báo trước với Pháp, hành động bị Paris xem là “cú đâm sau lưng” từ đồng minh. Theo Bộ Quốc phòng Pháp, Tập đoàn Hải quân đã bắt đầu đàm phán thỏa thuận tài chính với Canberra.

Năm 2016, Úc đã đồng ý mua 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do Tập đoàn Hải quân, một phần thuộc sở hữu nhà nước Pháp, chế tạo. Hai bên đã ký kết "hợp đồng thế kỷ" trị giá 40 tỉ USD.

Trước khi hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm, Úc đã phàn nàn với Tập đoàn Hải quân rằng việc thực thi thỏa thuận đã chậm hơn nhiều năm và vượt quá ngân sách so với kế hoạch.

Theo Bộ Quốc phòng Pháp, Tập đoàn Hải quân đã hoàn thành khối lượng công việc trị giá khoảng 1 tỉ USD. Khoản tiền này đã được Úc thanh toán nên Tập đoàn Hải quân không phải chịu thiệt hại.

Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố do Úc có "hành động phản bội", các bên sẽ đàm phán về các khoản “bồi thường” mà Canberra phải chịu.

Theo Đông A/TNO