Thứ năm, 9/1/2020, 11h14

Thanh toán bằng Mobile Money

Mobile Money là dịch vụ sử dụng tài khoản di động để thanh toán, hình thức thanh toán này càng khả thi khi hiện nay 90% người dân đều sở hữu điện thoại di động. Đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã đề xuất Chính phủ sớm có chính sách cho doanh nghiệp viễn thông tham gia vào thanh toán điện tử Mobile Money.

Sự vượt trội mới mẻ

Mobile Money có ưu thế khá rõ ràng. Nếu như sử dụng ví điện tử hiện nay như Momo, Zalopay, ViettelPay… người dùng khi muốn thanh toán dịch vụ phải chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng qua ví, rồi từ ví đó thanh toán dịch vụ, nhưng với Mobile Money, người dùng chỉ cần tài khoản di động là có thể sử dụng trả tiền ngay cho mọi dịch vụ giá trị nhỏ nhanh chóng, thuận tiện mà không cần qua trung gian thanh toán này, tức không cần thông qua tài khoản ngân hàng. 

Theo thống kê, hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện, qua đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. 

Nhà mạng VNPT đã có VNPT Pay, sẵn sàng cho Mobile Money

Ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết Mobile Money sẽ giúp thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển tài chính toàn diện đến những khu vực vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những khu vực mà hệ thống tài chính, ngân hàng chưa phát triển. Các doanh nghiệp viễn thông sẽ tận dụng mạng lưới viễn thông, các điểm giao dịch rộng khắp cả nước để phát triển và đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm, dịch vụ, đối tượng khách hàng ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống.

Khi dùng Mobile Money, khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch… Ban đầu sẽ là những giao dịch mua sắm giá trị thấp, song bù lại, với số lượng người dùng cao sẽ tạo nên chuyển biến lớn trong thanh toán không tiền mặt. 

Các nhà mạng cho rằng, với cơ sở hạ tầng hiện nay, khi các doanh nghiệp viễn thông được Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho cung cấp dịch vụ Mobile Money thì chỉ sau một đêm, 100% các thuê bao di động của Việt Nam có thể tham gia thanh toán điện tử một cách thuận lợi theo phương thức mới này.

Chờ hành lang pháp lý

Dịch vụ Mobile Money đang phát triển với tốc độ nhanh chóng trên thế giới. Có 90 quốc gia, vùng lãnh thổ chấp nhận dịch vụ Mobile Money với gần 900 triệu người sử dụng, doanh số giao dịch mỗi ngày bình quân 1,3 tỷ USD. Tại nhiều quốc gia, tỷ lệ người dân sử dụng Mobile Money chiếm tới trên 50% tổng số dân. 

Với Việt Nam, đây là một dịch vụ thanh toán tương đối mới. Tính đến hết tháng 6-2019, tổng số máy điện thoại di động của Việt Nam đã là 134,5 triệu thuê bao. Các tổ chức viễn thông trên thế giới đánh giá, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng người sử dụng điện thoại di động và mạng Internet vào loại nhanh nhất trên thế giới trong 5 năm gần đây, là tiềm năng lớn để phát triển Mobile Money. 

Dưới góc độ là nhà mạng, Viettel cho hay đã sẵn sàng triển khai vì đã có kinh nghiệm 8 năm qua cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán; đồng thời cũng làm chủ công nghệ, xác thực 2 lớp, mã hóa trên đường truyền… Nhà mạng sẽ có chương trình cho khách hàng trải nghiệm dịch vụ Mobile Money với những ứng dụng cơ bản để tạo thói quen cho người dùng, sau đó đưa thêm các trải nghiệm khó hơn khi khách hàng đã quen với thanh toán điện tử.

Ông Phạm Trung Kiên, Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, cho rằng nếu Chính phủ cho sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ hàng hóa có mệnh giá nhỏ, sẽ thúc đẩy các ngân hàng phát triển mạnh hơn.

Vấn đề hiện nay là hành lang pháp lý cho Mobile Money. Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), hiện có rất nhiều báo cáo đánh giá, đặc biệt là báo cáo đánh giá gần đây của Ngân hàng Nhà nước, phân tích về tất cả rủi ro cũng như hiện thực hóa việc thanh toán qua tài khoản viễn thông. Bộ Công thương đã nhận được góp ý cho Nghị định 101, trong đó cũng có những điều khoản là tiền đề cho việc thanh toán qua tài khoản viễn thông.

“Tôi cho rằng với tất cả những sự chuẩn bị như vậy, chúng ta sẽ sớm có một hành lang pháp lý tốt để có thể thực hiện việc thanh toán qua tài khoản viễn thông”, ông Hải khẳng định.

Mobile Money cho phép các thuê bao không cần có tài khoản ngân hàng mà vẫn sử dụng được dịch vụ này. Thuê bao có thể nạp tiền vào tài khoản Mobile Money ở các ngân hàng và điểm đại lý của doanh nghiệp viễn thông để sử dụng dịch vụ cho mình, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ quản lý tài khoản tổng của các doanh nghiệp viễn thông để tránh rủi ro trong thanh toán. Những thuê bao muốn được cung cấp dịch vụ Mobile Money phải có thông tin thuê bao chính xác để định danh, nên các doanh nghiệp viễn thông đang ráo riết hoàn thiện việc chuẩn hóa thông tin thuê bao của khách hàng. 

Theo Bá Tân/SGGPO