Thứ bảy, 22/2/2020, 22h03

Thẻ diệt virus - lợi dụng dịch bệnh để lừa bịp

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, không ít người đã thu gom, nâng giá khẩu trang, nước rửa tay. Nghiêm trọng hơn, nhiều người lợi dụng sự lo lắng của cộng đồng để lừa bịp, quảng cáo, rao bán tràn lan loại thẻ đeo kháng khuẩn, diệt virus Corona. 

Rao bán tràn lan

Mới đây, Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) phối hợp với lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra một đối tượng có biểu hiện nghi vấn đang chào bán hàng tại khu vực Trung tâm Dược phẩm Hapulico (chợ thuốc lớn nhất miền Bắc).

Qua kiểm tra, lực lượng liên ngành đã phát hiện gần 300 thẻ đeo diệt virus do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có kiểm định chất lượng. Đây cũng là sản phẩm đã được nhiều người công khai chào bán trên mạng là có tác dụng phòng chống virus Corona.

Sau khi bị tạm giữ, chủ lô hàng nêu trên là Phạm Tiến Mạnh (23 tuổi, ở Thái Nguyên) khai toàn bộ số thẻ chống virus này được nhập lậu vào thị trường Việt Nam. Sau đó, Mạnh đã rao bán trên mạng xã hội số thẻ trên với quảng cáo có thể làm sạch không khí xung quanh, ngăn chặn vi khuẩn, virus có hại như virus Corona. Mỗi chiếc thẻ được chào bán giá 200.000 - 300.000 đồng/sản phẩm, tùy loại.

Lực lượng chức năng thu giữ và tiêu hủy thẻ kháng khuẩn không rõ nguồn gốc

Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội cũng tràn ngập nhiều thông tin, hình ảnh quảng cáo các loại thẻ đeo kháng khuẩn có tác dụng chống virus. Chỉ cần lên Google, gõ cụm từ “thẻ diệt khuẩn”, “thẻ chống virus Corona” là chưa đầy 1 giây đã có hàng ngàn kết quả khác nhau. Hàng loạt loại thẻ có giá cả dao động từ vài trăm ngàn đến cả triệu đồng được quảng cáo không khác gì “thần dược”, hay một loại “vũ khí” đặc hiệu chống virus.

“Người Nhật vốn rất sợ bệnh và họ luôn nghĩ ra mọi cách để chăm sóc, bảo vệ sức khỏe gia đình mình, nhất là trẻ con. Vì điều này mà những nhà sản xuất sản phẩm sức khỏe rất chú trọng đến vấn đề phòng tránh bệnh ngay từ khi bước ra đường. Biện pháp đeo thẻ chống vi khuẩn và virus có thể ngăn chặn ngay từ đầu sự hình thành vi khuẩn, virus, nấm mốc, khử mùi cơ thể...”, một nội dung quảng cáo về thẻ diệt khuẩn trên mạng xã hội.

Trong khi đó, tại một trang bán hàng online khá tiếng tăm lại quảng cáo: “Cơ chế của việc khử khuẩn là thẻ có phát ra khí ClO2 và HClO3 với hàm lượng an toàn để tiêu diệt virus, vi khuẩn, nấm mốc gây bệnh trong không khí. Người dùng chỉ cần đeo tấm thẻ “CARD CHỐNG VIRUS CLODE WASH” này ở trước bụng và khi đeo thẻ kháng khuẩn này trên người, có thể ngăn chặn các loại vi khuẩn, ngăn chặn không cho vi khuẩn lại gần người đeo sản phẩm”.

Chưa quốc gia nào khuyên người dân sử dụng

Không ít gia đình, nhất là những nhà có trẻ nhỏ, người già, người có bệnh mãn tính đã không ngần ngại bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để mua loại thẻ diệt vi khuẩn, chống virus xem như “tấm bùa” hộ mệnh, với mong muốn tránh được dịch Covid-19 trong thời điểm này. Tuy nhiên, đại diện Vụ Trang thiết bị y tế khẳng định, hiện nay, bộ chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ loại thẻ nào có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus như quảng cáo rao bán trên mạng xã hội.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết các thông tin dạng trên được đưa ra mang tính lừa đảo để bán hàng. Vì acid cloric (HClO3) là một acid mạnh, nếu tiếp xúc với bông vải sợi hay da thịt, nó có thể đốt cháy luôn, nên không thể thấm vào thẻ đeo an toàn với da thịt. Còn carbon dioxide chính là khí carbonnic (CO2). Không thể có dạng kết hợp nào giữa natri cloric acid với carbon dioxide mà có tác dụng diệt vi khuẩn, virus, phấn hoa trong không gian, càng không thể đeo thẻ trước cổ để tạo được hàng rào vô hình như quảng cáo. Do đó, người dân cần phải cảnh giác trước các quảng cáo về thẻ diệt virus để không “tiền mất, tật mang”.

Là một chuyên gia dịch tễ đầu ngành, PGS-TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), cho biết hiện nay, các cơ quan chức năng của Bộ Y tế chưa nhận được thông tin chính thức nào từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch bệnh. Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ này. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng loại sản phẩm như trên để phòng ngừa Covid-19.

Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1: Cần thận trọng

Thẻ đeo diệt khuẩn được quảng cáo chứa chất chlorine dioxide (ClO2) dạng rắn và sẽ từ từ phát tán ra môi trường, bán kính 1m giúp diệt khuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế virus Corona không bay lơ lửng, mà theo các giọt bắn bám vào mặt khi người bị bệnh ho hay hắt hơi, từ đó đi vào trong phổi.

Bên cạnh đó, nếu thẻ đeo diệt khuẩn có hiệu quả ngăn chặn virus thì Chính phủ Nhật đã sử dụng để phát cho tất cả người dân và nhất là du khách trên tàu Diamond Princess, không cần phải thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát như những ngày qua.

ClO2 là một chất oxy hóa mạnh, được sử dụng để xử lý nguồn nước và tẩy trắng, khi sử dụng phải tính toán nồng độ rất rõ ràng, sử dụng lượng nhiều rất nguy hiểm. Chất này đã được nén lại thành dạng tinh thể ở nhiệt độ -56oC để phóng thích ra từ từ trong chiếc thẻ diệt khuẩn. Với bản tính tò mò, khi đeo thẻ, trẻ rất dễ táy máy mở ra và hít vào rất nguy hiểm.

Ngoài ra, cơ quan FDA (Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ) cũng đã có nhiều cảnh báo về việc sử dụng chất ClO2 để chữa bệnh.

Thành An

Theo Minh Khang/SGGPO