Thứ hai, 27/9/2021, 09h09

Thế giới ứng phó tình trạng người dân do dự tiêm chủng vaccine ra sao?

Các nước Châu Âu đã có những biện pháp khác nhau để khuyến khích người dân chưa tiêm chủng đi tiêm trong nỗ lực đẩy nhanh tốc độ bao phủ vaccine cho phần lớn dân số.
Các quốc gia Châu Âu sử dụng các biện pháp khác nhau để thúc đẩy người dân đi tiêm chủng vaccine COVID-19.
CNN đưa tin, hầu hết các quốc gia Châu Âu có tỉ lệ chủng ngừa COVID-19 cao khiến nhiều nơi trên thế giới phải ghen tị. Tuy nhiên, tốc độ tiêm chủng ở nhiều nước bắt đầu chững lại và không đồng đều ở các địa phương khác nhau, một bộ phận người dân do dự, không tiêm vaccine. Thực trạng này khiến các chính phủ buộc phải hành động để tránh nguy cơ đình trệ nỗ lực kiểm soát lây lan virus, đặc biệt trong bối cảnh sự hiện diện của biến thể Delta dễ lây lan và mùa đông - mùa của bệnh cúm - đang đến rất gần.
Bỉ: Kêu gọi ''lương tâm'' của người chưa tiêm chủng.
Tuy 72% dân số Bỉ đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine COVID-19, nhưng tỉ lệ này lại không đồng đều ở các địa phương khác nhau.
Tại thủ đô Brussels, chỉ có 51% tổng dân số được tiêm chủng đầy đủ, theo số liệu mới nhất của cơ quan y tế nước này. Con số đó thấp hơn nhiều so với 79% ở vùng Flanders nói tiếng Hà Lan và 67% ở vùng Wallonia nói tiếng Pháp.
Các hạn chế COVID-19 đã được nới lỏng trên toàn quốc trừ thủ đô Brussels. Kể từ 1.10, chính quyền Brussels sẽ yêu cầu người dân xuất trình "Thẻ COVID-19" - chứng minh đã tiêm phòng hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính - trước khi vào các nhà hàng, quán bar hoặc câu lạc bộ thể dục. Biện pháp này nhằm mục đích thúc đẩy nhóm dân số trẻ tuổi đi tiêm.
Theo số liệu chính thức, chỉ 46% người từ 18 đến 24 tuổi ở Brussels đã tiêm ít nhất một liều vaccine, so với 86% ở nhóm cùng tuổi ở Flanders và 72% ở Wallonia.
46% người từ 18 đến 24 tuổi ở Brussels đã tiêm ít nhất một liều vaccine.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo đã lên tiếng chỉ trích, cho rằng những người không tiêm phòng phải chịu trách nhiệm cho thực trạng các hạn chế nghiêm ngặt vẫn đang phải duy trì ở một số nơi và các khu vực chăm sóc đặc biệt đang phủ kín các bệnh nhân chưa tiêm chủng.
Các nhân viên y tế và quan chức địa phương cũng kêu gọi người dân đi tiêm chủng để nhanh chóng chấm dứt khủng hoảng COVID-19.
Thủ hiến  vùng Wallonia,  Elio Di Rupo nhấn mạnh: “Đã đến lúc mọi người phải xem lại lương tâm của mình".
Pháp: Thẻ thông hành COVID-19
Các biện pháp do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất vào mùa hè này đã có tác động rõ rệt đến tình trạng do dự tiêm vaccine ở nước này.
Các cuộc thăm dò vào cuối năm 2020 cho thấy chỉ có 40% người Pháp có ý định tiêm chủng vaccine COVID-19. Nhưng tính đến 15.9, gần 64% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ và hơn 73% đã tiêm ít nhất một liều, theo dữ liệu Our World in Data.
 Một công dân Pháp cầm trên  tay thẻ thông hành COVID-19 cài trên điện thoại và vé tàu điện ngầm tại ga tàu Lyon ở Paris.
Theo quy định được Tổng thống Macron công bố ngày 12.7, người dân Pháp kể từ tháng 8 được yêu cầu phải mang theo thẻ thông hành COVID-19 để được vào quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim và nhà hát cũng như nhiều không gian công cộng ngoài trời. Thẻ thông hành chứa thông tin về việc tiêm chủng, xét nghiệm âm tính hoặc từng mắc COVID-19 của mỗi cá nhân, cũng được yêu cầu phải xuất trình khi di chuyển bằng phương tiện công cộng hoặc đến cơ sở y tế. Người lao động, bao gồm cả nhân viên y tế bắt buộc phải tiêm chủng vaccine COVID-19 trước một thời hạn nhất định do chính phủ đặt ra.
Kết quả, cách đây 1 tuần, Pháp đã vượt qua ngưỡng 50 triệu người được tiêm chủng và con số này tiếp tục tăng lên. Nhờ vào các biện pháp khuyến khích, khoảng 14 triệu người Pháp đã đi tiêm chủng kể từ ngày 12.7.
Mặc dù chiến dịch tiêm chủng có nhiều tín hiệu lạc quan song giới chức Pháp vẫn đưa ra cảnh báo thận trọng do tỉ lệ tiêm chủng giữa các vùng ở Pháp có sự chênh lệch đáng kể.
Italia: Người lao động phải có thẻ xanh COVID-19
Nhằm mục đích thuyết phục nhiều người tiêm vaccine COVID-19 hơn, chính phủ Italia ngày 16.9 ra quy định bắt buộc người lao động có thẻ xanh (Green Pass) COVID-19, có hiệu lực từ 15.10.
Các xét nghiệm COVID-19 cũng trở nên dễ dàng hơn khi hiệu thuốc được phép xét nghiệm kháng nguyên. Tuy nhiên, xét nghiệm này chỉ miễn phí với những người được miễn tiêm chủng do vấn đề y tế. Những người từ chối tiêm chủng vì các lý do khác sẽ phải trả tiền để được xét nghiệm và cuối cùng phải trả tiền xét nghiệm để có được thẻ xanh đi làm. 
Một người dân Italia xuất trình thẻ xanh COVID-19 để tham dự một buổi hòa nhạc.
Trước đó, quốc gia này đã yêu cầu tất cả các nhân viên y tế phải đi tiêm chủng. Kể từ ngày 6.8, để vào các địa điểm văn hóa như bảo tàng hoặc phòng trưng bày, địa điểm giải trí và thể thao, công viên giải trí, spa và địa điểm ăn uống trong nhà, người Italia cần có "certificazione verde" hay thẻ xanh. Quy định thẻ xanh cũng mở rộng với các chuyến bay nội địa, tàu liên vùng cũng như đi lại đường biển từ 1.9. 
Thẻ xanh COVID-19 ở Italia chứng minh chủ sở hữu đã được tiêm chủng, có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ qua, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng qua. 
Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết, biện pháp mới nhất được đưa ra nhằm "đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng".
Chỉ 2 ngày sau, vào ngày 18.9, ủy ban phụ trách chiến dịch tiêm chủng của chính phủ Italia đã ghi nhận lượng đăng ký lịch hẹn tiêm liều vaccine đầu tiên trên toàn quốc tăng từ 20% đến 40% so với tuần trước.
Theo số liệu của chính phủ, hơn 76% dân số từ 12 tuổi trở lên ở nước này được tiêm chủng đầy đủ, trong khi khoảng 82% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Italia cũng phải đối mặt với thực trạng tiêm chủng vaccine ở một số vùng vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với những nơi còn lại.
Đức: Không trợ cấp cho người lao động chưa tiêm vaccine
Ở Đức không bắt buộc phải tiêm phòng. Tuy nhiên, các nhà chức trách đã tăng cường các biện pháp khiến cuộc sống ngày càng trở nên bất tiện đối với người không chịu tiêm chủng vaccine COVID-19.
Gần đây, Bộ Y tế Đức đã công bố các quy định mới, người lao động chưa tiêm chủng sẽ không được bồi thường khoản thu nhập bị mất trong thời gian cách ly COVID-19.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết, quy định mới sẽ có hiệu lực từ 1.11 và sẽ ảnh hưởng đến những người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và những người trở về từ các quốc gia được coi là khu vực có "nguy cơ cao" với COVID-19 - hiện bao gồm: Vương quốc Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và một số vùng của Pháp.
 Điểm tiêm chủng COVID-19 tại một bãi đậu xe ở Berlin, Đức.
Bộ Y tế Đức trước đó đã thông báo rằng các xét nghiệm COVID-19 sẽ không còn được miễn phí cho người chưa tiêm chủng kể từ 11.10.
Theo Viện Robert Koch, cho đến nay, tổng cộng 63,6% dân số Đức đã được tiêm chủng vaccine COVID-19 đầy đủ.
BẢO CHÂU (theo laodong)