Thứ năm, 30/7/2020, 10h19

Thế giới vật lộn với sự trỗi dậy của dịch COVID-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, COVID-19 là đại dịch lớn và virus SARS-COV-2 gây đại dịch này không bùng phát theo mùa. Trong bối cảnh diễn biến đáng ngại của đại dịch, nhiều quốc gia tái thắt chặt các biện pháp hạn chế trong nỗ lực giảm nhiệt cho các điểm nóng virus. 
Nhân viên y tế ở Melbourne, Australia, vận chuyển một bệnh nhân khi thành phố đối mặt với đợt bùng phát COVID-19 mới.
Không phải bệnh theo mùa
“Mùa dường như không ảnh hưởng đến việc truyền virus này” - AFP dẫn chia sẻ với báo giới của phát ngôn viên của WHO Margaret Harrisi. Hiện đang là mùa hè ở Mỹ - quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của đại dịch - với gần 4,5 triệu ca COVID-19 và hơn 152.000 ca tử vong tính tới chiều 29.7, giờ Việt Nam. Tại Brazil, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 2 sau Mỹ, hiện đang là mùa đông, cho tới nay ghi nhận gần 89.000 ca tử vong với 2,5 triệu ca mắc COVID-19.
“Điều mà tất cả chúng ta cần phải hiểu rõ là đây là một loại virus mới và là virus đường hô hấp. Dù các virus đường hô hấp khác trước đây thường có xu hướng gây các đợt dịch bệnh theo các mùa khác nhau nhưng loại virus này hoạt động khác hẳn” - phát ngôn viên  Margaret Harris nói. 
Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc cho biết, lĩnh vực du lịch mất khoảng 320 tỉ USD doanh thu trên toàn cầu trong suốt 5 tháng đầu năm 2020, đe dọa hàng triệu sinh kế. Đây là “tổn thất nhiều hơn 3 lần cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009”, cơ quan có trụ sở tại Madrid cho biết. Trong khi đó, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cảnh báo, giao thông hàng không toàn cầu sẽ không thể trở lại như mức bình thường trước đại dịch COVID-19 cho tới ít nhất năm 2024. 
Tây Ban Nha, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch, đang ứng phó với 361 cụm dịch hoạt động và hơn 4.000 ca mới, theo AFP. Việc phong tỏa chặt chẽ ở Tây Ban Nha khiến hơn 1 triệu việc làm bị mất trong quý 2 của năm nay, theo Viện thống kê quốc gia (INE) công bố hôm 28.7, chủ yếu là trong lĩnh vực du lịch. Đức - nước ghi nhận trung bình 557 ca COVID-19 mới mỗi ngày trong tuần qua - đã điều chỉnh quy định yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở ngoài trời ở bất cứ nơi nào để đảm bảo giãn cách xã hội. 
Trong khi đó, Iran trải qua ngày tồi tệ nhất của đại dịch, với 235 ca tử vong ngày 28.7, con số kỷ lục một ngày tại quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Trung Đông.
Ở Trung Quốc, các quan chức đang chuyển sang khả năng chống lại làn sóng COVID-19 thứ 2 sau khi ổ dịch mới được hình thành ở thành phố cảng Đại Liên lây lan sang 9 thành phố ở 5 vùng khác. Hôm 28.7, Trung Quốc ghi nhận 101 ca COVID-19 mới, với 98 ca lây nhiễm địa phương, theo dữ liệu được Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc công bố hôm 29.7, đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp Trung Quốc ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng mới hàng ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3, theo CNN.
Tín hiệu tích cực về vaccine 
Trong khi đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine COVID-19 do công ty công nghệ sinh học Moderna và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, trực thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), phát triển đã bắt đầu ở Mỹ hôm 27.7. Thử nghiệm được tại gần 100 địa điểm tại Mỹ với khoảng 30.000 tình nguyện viên. Theo công bố trên tạp chí y khoa New England, vaccine của hãng đã cho thấy hiệu quả tốt ở khỉ, ngăn chặn virus phân tách trong mũi và phổi của chúng.
Ngay sau Moderna, nhà sản xuất dược phẩm Pfizer của Mỹ và Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức, đã trở thành đơn vị mới nhất đưa vaccine COVID-19 vào giai đoạn thử nghiệm cuối ở người, Indian Express đưa tin ngày 29.7. Theo đó, Pfizer tuyên bố, vaccine ứng viên của hãng được đặt tên tạm thời là BNT162b2 đã tiến tới thử nghiệm giai đoạn II/III.
Diễn tiến mới nhất có nghĩa là Pfizer sẽ tiến hành 2 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng liền mạch - cách tiếp cận nhằm rút ngắn thời gian thử nghiệm. Theo các giao thức mà hãng công bố, vaccine sẽ được thử nghiệm trên 30.000 tình nguyện viên ở độ tuổi từ 18 đến 85 tại 39 bang của Mỹ và 120 địa điểm trên toàn cầu, trong đó có các nước như Argentina, Brazil, Đức. Trước đó, Pfizer-BioNTech đã thử nghiệm giai đoạn I/II ở Mỹ và Đức. 
Nếu các giai đoạn thử nghiệm cuối thành công, vaccine của Pfizer và BioNTech sẽ xin phê chuẩn từ các nhà quản lý dược ở Mỹ sớm nhất là tháng 11 năm nay. Nếu thuận lợi, hãng có kế hoạch cung cấp khoảng 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2020 và khoảng 1,3 tỉ liều vaccine vào cuối năm 2021. 
Hôm 29.7, CNN dẫn lời các quan chức Nga cho biết, Nga đang hướng tới phê chuẩn vaccine COVID-19 do Trung tâm quốc gia Nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học mang tên Viện sĩ N.F Gamalei có trụ sở tại Mátxcơva phát triển trước ngày 10.8 hoặc sớm hơn. Theo Tass, Bộ Y tế Nga công bố hôm 27.7 rằng, giai đoạn thứ hai thử nghiệm lâm sàng vaccine COVID-19 do Trung tâm quốc gia Nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học mang tên Viện sĩ N.F Gamaleiphát triển đang gần hoàn tất. Việc đăng ký vaccine sẽ được công bố sau khi kết thúc thử nghiệm.
Trong diễn biến liên quan khác, Anh ký thỏa thuận đảm bảo 60 triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng do hãng dược phẩm Sanofi và GlaxoSmithKline (GSK) phát triển. Thỏa thuận mới nhất này có thể cho phép các nhóm ưu tiên được tiêm chủng sớm nhất là vào mùa hè năm 2021, nếu vaccine ngừa COVID-19 do Sanofi và GSK sản xuất chứng minh hiệu quả. Cho tới nay, Anh hiện đã ký thỏa thuận đảm bảo quyền tiếp cận 4 loại vaccine COVID-19 tiềm năng đang được phát triển, với tổng cộng 250 triệu liều. 
THANH HÀ (theo laodong)