Thứ sáu, 19/8/2022, 10h03

Thi nhau khoe điểm

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, mạng xã hội rộ lên trào lưu khoe điểm, khoe thành tích, ngập tràn các danh hiệu thủ khoa, á khoa, điểm cao nhất tỉnh… Giáo viên tỏ ra rất vui mừng và tự hào vì điểm thi tốt nghiệp của học sinh cao đến mức ngạc nhiên. Nhiều giáo viên môn lịch sử, giáo dục công dân có dịp khoe điểm tốt nghiệp của học sinh, tự hào về thành tích bản thân khi ở kỳ thi vừa qua, cả 2 môn này đều có hiện tượng “mưa điểm 10”. Cụ thể, môn lịch sử năm nay tăng vọt lên 1.779 điểm 10, trong khi năm trước chỉ có 226 điểm 10. Môn giáo dục công dân có số điểm 10 cao nhất, lên tới 2.836 điểm 10. Môn ngữ văn tuy chỉ có 5 điểm 10, nhưng có đến 52.307 điểm 8; 15.556 điểm 9; 2.325 điểm 9,5; 172 điểm 9,75. Sau trào lưu khoe điểm là các con số thống kê, tỷ lệ phần trăm, phổ điểm... được công bố. Có nhiều địa phương dựa vào điểm thi tốt nghiệp để xếp hạng thứ tự các trường, lớp... Đơn vị được xếp thứ hạng cao thì vui vẻ, còn đơn vị bị “đội sổ” thì cảm thấy xấu hổ, lo lắng.

Về góc độ tâm lý thì ai đi dạy, đi học cũng thích đạt được điểm cao, điểm số cũng là một tiêu chí, phương diện để đánh giá kết quả giáo dục. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều người, nhiều đơn vị cho rằng điểm số là tiêu chí số 1, quan trọng nhất của kết quả giáo dục, thể hiện chất lượng giáo dục và là mục tiêu của giáo dục. Vì thế dẫn đến trào lưu chạy theo điểm số, tìm mọi cách để có điểm cao, lấy điểm số là mục tiêu chứ không phải kiến thức, kỹ năng của người học. Một số giáo viên dạy cho học sinh “mẹo” để thi trắc nghiệm đạt kết quả cao. Cùng với quan niệm nói trên là các biểu hiện của bệnh thành tích, hình thức, chạy theo các con số thống kê điểm số, các danh hiệu... chứ không chú trọng thực chất, phát huy năng lực thực tế của người học.

Điểm số chỉ có ý nghĩa trong trường hợp đánh giá đúng năng lực của người học. Trường hợp đề thi quá dễ và người chấm “nới tay”, điểm số sẽ không phản ánh đúng thực chất và sẽ tạo ra ảo tưởng, tâm lý thỏa mãn cho cả người dạy, người học và nhà quản lý. Trường hợp này sẽ tác động rất xấu đến giáo dục về nhiều mặt, triệt tiêu động lực phấn đấu và làm thui chột xu hướng giáo dục thực chất, thực nghiệp. Nhiều học sinh, sinh viên đạt thành tích cao trong học tập đã bị sốc trước thực tế công việc sau khi ra trường, với những yêu cầu hoàn toàn xa lạ với kiến thức sách vở và những con điểm “đẹp” trong hồ sơ không giúp gì cho công việc. Phát triển năng lực của người học, giúp người học hòa nhập thuận lợi và thành công trong cuộc sống, đó mới là mục tiêu đích thực của giáo dục.

Trn Quang Đ(Nghệ An)