Thứ sáu, 22/1/2021, 11h01

Thí sinh cần tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh năm 2021

Hiện nay các trường ĐH, CĐ có nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau, do đó thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký xét tuyển để tránh xảy ra những sự việc không như mong muốn.


Chuyên gia đang tư vấn cho các em học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi
 

Đây là lời khuyên của các chuyên gia trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề - Sáng tương lai” lần thứ 13 năm 2021 vừa diễn ra tại Trường THPT Nguyễn Trãi (Q.4). Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Bộ GD-ĐT, ĐH Quốc gia TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM cùng nhiều trường ĐH, CĐ trên địa bàn TP tổ chức.

Trong chương trình, các chuyên gia cho biết hiện các trường ĐH đã công bố phương thức tuyển sinh năm 2021 để học sinh lớp 12 có thể tham khảo, lựa chọn trước khi đăng ký xét tuyển. Theo đó, ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, dựa vào tổ hợp môn, xét tuyển học bạ, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG thì nhiều trường còn có kỳ thi riêng với nhiều chính sách hỗ trợ thí sinh. Cũng như mọi năm, kỳ tuyển sinh năm nay vẫn không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng học sinh nên đăng ký tối đa 5 hoặc 6 nguyện vọng để dễ kiểm soát cũng như đăng ký trường nào chắc trường đó, tránh trường hợp tưởng đậu nhưng hóa ra lại trượt. Trước khi đăng ký tuyển sinh, học sinh cần tìm hiểu kỹ các phương thức xét tuyển, dù mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển và các em đăng ký bằng phương thức nào đi nữa thì sau khi trúng tuyển vẫn được đối xử như nhau, không có sự phân biệt.


Học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Trước những thông tin trên, một học sinh nữ bày tỏ mong muốn được học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô nhưng lại lo sợ sẽ gặp khó khăn khi tìm kiếm việc làm. Giải tỏa sự bất an cho các em học sinh trong trường, ThS. Nguyễn Thới (Phó Giám đốc Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho biết nhà trường đào tạo đa ngành nghề, trong đó ngành công nghệ kỹ thuật ô tô được rất nhiều học sinh lựa chọn và học tập với hệ đại trà, hệ chất lượng cao và chương trình liên kết quốc tế. Hiện tại theo học ngành này, số lượng sinh viên nam nhiều hơn nữ. Do đó, sinh viên nữ rất được nhà trường ưu tiên thông qua việc miễn 50% học phí từ học kỳ đầu, trong quá trình thực tập, kiến tập… đảm bảo sau khi ra trường nữ vẫn có thể xin được việc như các bạn nam.

Phân biệt sự khác nhau giữa bậc CĐ và ĐH, ThS. Đường Anh Tân (Giám đốc Trung tâm thực hành Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn) cho biết so với việc học CĐ, học ĐH mất nhiều thời gian hơn. Cụ thể, khi học CĐ thì thời gian từ 2 đến 2,5 năm sinh viên có thể tốt nghiệp xin việc làm, còn học ĐH mất từ 4 năm, một số ngành kéo dài lâu hơn. Về chương trình đào tạo, ở bậc ĐH, nhà trường đào tạo sâu vào việc nghiên cứu, còn bậc CĐ chú trọng thực hành giúp sinh viên vững chắc tay nghề. “Dù học CĐ hay ĐH thì cơ hội xin việc làm vẫn như nhau. Quan trọng là chúng ta phải thật sự giỏi, vững chuyên môn, thuần thục tay nghề, kỹ năng, có ngoại ngữ. Mức lương giữa ĐH và CĐ chênh lệch không nhiều nên các em không phải quá lo lắng về việc lựa chọn bậc học”, ThS. Tân chia sẻ.


Chuyên gia tư vấn riêng cho học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi

Trả lời câu hỏi của một số học sinh về ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, ông Lương Đình Thành (nguyên Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) cho hay, đây là ngành “hot” đang được nhà trường đào tạo; sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ nhận bằng cử nhân, và sau khi học thêm 30 tín chỉ nữa sinh viên sẽ nhận bằng kỹ sư. Với ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, nhà trường đào tạo kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp để phân tích, đánh giá, thiết kế, vận hành và cải tiến các hệ thống Logistics và chuỗi cung ứng…

Bài, ảnh: Hồ Trinh