Thứ ba, 6/6/2017, 22h39

Thi THPT quốc gia môn GDCD: Loại bỏ khái niệm “học tủ”

Hơn 2 tuần nữa là đến kỳ thi THPT quốc gia 2017. Đây là năm đầu tiên, Bộ GD-ĐT đưa môn giáo dục công dân (GDCD) vào thi, ít nhiều làm cho cả giáo viên và học sinh vừa háo hức vừa xen lẫn lo lắng.

Đối với môn GDCD, các thí sinh nên loại bỏ khái niệm “học tủ” ra khỏi suy nghĩ của mình (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Chú ý các thuật ngữ mới

Ngoài những phần giảm tải trong một số bài và toàn bộ bài 10 trong chương trình GDCD lớp 12, còn lại 9 bài các em học sinh không nên bỏ bài nào. Với dự kiến mỗi học sinh sẽ có 1 mã đề khác nhau, số lượng các câu lặp lại chỉ chiếm khoảng 15-20% thì hầu hết kiến thức cơ bản trong 9 bài sẽ được sử dụng, do đó, khái niệm “học tủ” các em nên loại bỏ khỏi suy nghĩ của mình. Khối lượng kiến thức không quá nhiều nhưng nhiều thuật ngữ mới, khó hiểu đối với học sinh như “quy phạm”, “năng lực trách nhiệm pháp lý”, “quan hệ nhân thân”… làm các em không khỏi lo lắng. Bên cạnh đó, một số khái niệm có thể làm các em bị bối rối khi phân biệt trong các tình huống cụ thể như: thế nào là thi hành pháp luật, áp dụng pháp luật… hay, một hành vi được coi là vi phạm pháp luật phải có những dấu hiệu nào... Để nhớ được các khái niệm pháp luật, nếu các em chỉ biết học thuộc khái niệm sẽ rất khó nhớ và không hiệu quả. Cách học dễ nhớ nhất là lấy một ví dụ trong thực tiễn rồi vận dụng lý thuyết để giải thích. Chẳng hạn: Chị Mai tốt nghiệp ĐH Kinh tế, chị quyết định xin giấy phép kinh doanh mặt hàng quần áo thời trang tại địa chỉ ABC, như vậy chị Mai đã sử dụng pháp luật; hàng tháng, chị kê khai và đóng thuế đầy đủ, vậy là chị đã thi hành pháp luật; chị chỉ kinh doanh đúng mặt hàng đăng ký trong giấy phép, không kinh doanh các mặt hàng bị cấm, các mặt hàng trái phép, đó là chị đã tuân thủ pháp luật. Sau ví dụ này, các em sẽ tự thuộc khái niệm theo hình thức hiểu chứ không phải “học vẹt”, các khái niệm đã được nhớ ở đây là sử dụng pháp luật (các cá nhân, tổ chức sử dụng đúng đắn các quyền của mình, được phép làm những gì mà pháp luật cho phép làm); thi hành pháp luật (các cá nhân, tổ chức thực hiện đầy đủ những nghĩa vụ, chủ động làm những gì mà pháp luật quy định phải làm)…

Tránh căng thẳng khi làm bài

Học kỹ rồi nhưng khi làm bài thi rất nhiều em điểm chưa cao do các em lo lắng, tinh thần không ổn định dẫn đến trí nhớ giảm, lẫn lộn giữa các đáp án nhiễu (na ná đáp án đúng) hoặc khi làm thì đánh câu A nhưng tô trắc nghiệm lại tô câu B. Để hạn chế tình trạng này, trước ngày thi các em cần dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để giảm căng thẳng. Trong quá trình làm bài, các em có thể làm xong toàn bộ trên đề rồi mới tô đáp án khi còn khoảng 10 phút cuối. Tô xong, các em dò lại một lượt trước khi nộp. Đọc đề theo thứ tự từ trên xuống, câu nào dễ thì đánh đáp án ngay, câu nào quá khó, đọc hai lần vẫn không hiểu đề hoặc quá nhiều đáp án gần đúng thì có thể bỏ qua sau đó quay lại để không bị mất thời gian cho những câu sau. Với 40 câu làm trong 50 phút, bình quân mỗi câu không quá một phút (10 phút cuối tô trắc nghiệm và so dò). Các câu dễ có thể không hết một phút nhưng một số câu ở dạng vận dụng cao có thể mất rất nhiều thời gian, do đó, không dừng lại ở các câu phần Nhận biết và Thông hiểu quá lâu.

Phiếu trả lời trắc nghiệm và đề tách rời nhau nên quá trình làm bài các em có thể đánh dấu vào đề. Để nhanh chóng tìm ra đáp án chính xác nhất, các em nên gạch các từ chìa khóa trong đề để từ đó suy luận câu đúng trong đáp án và tránh nhầm lẫn. Chẳng hạn đề: Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là: A. Từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; B. Từ 14 tuổi đến đủ 16 tuổi; C. Từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; D. Từ 16 tuổi đến đủ 18 tuổi

Khi đọc đề này các em sẽ dễ có sự nhầm lẫn giữa các độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Do đó, các em cần gạch chân các từ quan trọng để chốt dữ liệu đó là hình sự, rất nghiêm trọng do cố ý và đặc biệt nghiêm trọng. Ba thông tin này cho biết độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự là từ đủ 14 đến dưới 16. Các em cũng lưu ý, từ đủ 14 là độ tuổi thấp nhất phải chịu trách nhiệm hình sự, do đó, ở độ tuổi này người vi phạm phải phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì mới áp dụng. Việc xử lý người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) phạm tội được áp dụng theo nguyên tắc lấy giáo dục là chủ yếu nhằm giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Làm nhiều đề thi thử để quen với các dạng câu hỏi

Trong cấu trúc đề thi có các câu như: Nhận định nào sai; nhận định nào không đúng; nhận định nào không phải là…; ở loại câu này, các từ hoặc cụm từ phủ định được tô đậm, tuy nhiên, một số em chủ quan, đọc lướt đề thấy dễ đến lúc đánh đáp án thấy nhiều đáp án đúng nên phải đọc lại đề, như vậy sẽ mất thời gian. Do đó, khi đọc đề các em cần gạch chân ngay vào các từ, cụm từ “chìa khóa” để biết trọng tâm đề và loại trừ đáp án một cách nhanh nhất, chính xác nhất.

Đối với câu vận dụng cao, chẳng hạn câu 120 đề minh họa lần 3 của bộ: Chị Y đã nhờ anh K sửa giúp máy tính. Phát hiện trong hòm thư điện tử của chị Y có nhiều mẫu thiết kế mới, anh K đã vội vã sao chép. Sau đó K tâm sự và nhờ X làm môi giới để bán những mẫu đó cho công ty thời trang Z. Vì mẫu đẹp, K và X đã được trả một khoản tiền lớn. Trong trường hợp này, ai đã vi phạm quyền được pháp luật bảo đảm an toàn, bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín của công dân?

A. Anh K và công ty Z; B. Anh K; C. Anh K, X và công ty Z; D. Anh K và anh X.

Với câu hỏi này, nếu không biết gạch chân trọng tâm câu hỏi, các em dễ bị phân tâm khi băn khoăn về việc vi phạm của K, X, công ty Z. Nhưng câu hỏi là: Trong trường hợp này, ai đã vi phạm quyền được pháp luật bảo đảm an toàn, bí mật về thư tín, điện thoại, điện tín của công dân? Với câu hỏi này thì rõ ràng chỉ có K vi phạm còn anh X và công ty Z không mở thư chị Y.

Để làm được bài thi môn GDCD đạt điểm 5 không quá khó nếu các em lên lớp lắng nghe thầy cô giảng bài, hoàn thành các bài tập vận dụng cuối mỗi bài; nhưng để đạt điểm 8 trở lên ngoài việc nhớ, hiểu các em cần phải làm nhiều bài tập, nhiều đề thi thử để quen với các dạng câu hỏi, giải quyết nhiều tình huống để khi gặp bài tương tự các em có thể nhận diện và phân tích nhanh chóng. Ngoài ra, các em cũng có thể sử dụng sơ đồ tư duy để tổng hợp lại kiến thức của từng bài trước khi làm bài tập trắc nghiệm. Với một phương pháp học tập khoa học, một tinh thần học tập tích cực, một chiến thuật làm bài hợp lý và một sức khỏe tốt, chắc chắn các em sẽ hoàn thành tốt các bài thi quan trọng sắp tới.

Lê Lý
(Trường THPT Trần Khai Nguyên, TP.HCM)