Thứ bảy, 5/6/2021, 09h51

Thi tốt nghiệp THPT 2021: Sẽ thanh tra đột xuất

Sẽ thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021; dự phòng tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh; khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (người đứng) kiểm tra công tác chấm thi tại Quảng Ninh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Ảnh: Diệp An
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ (người đứng) kiểm tra công tác chấm thi tại Quảng Ninh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 Ảnh: Diệp An

Bộ GD&ĐT dự kiến điều động hơn 8.000 cán bộ, giảng viên đến từ 200 cơ sở giáo dục đại học (ĐH) tham gia công tác thanh, kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Công tác tập huấn thanh tra cũng có điểm mới để phù hợp với tình hình dịch COVID-19 hiện nay.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT, cho biết, thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 sở GD&ĐT (không trùng lặp với các đoàn của Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia); có 5 đoàn của Ban chỉ đạo cấp quốc gia do lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên Ban chỉ đạo kiểm tra tại địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi. Ông Cường cho hay, năm 2021, thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 sở GD&ĐT. Trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, cán bộ, giảng viên các cơ sở giáo dục ĐH. Mỗi đoàn có ít nhất 2 cơ sở giáo dục ĐH tham gia. Mỗi điểm thi có 1 tổ kiểm tra, mỗi tổ từ 2 người trở lên tùy theo số phòng thi tại điểm thi theo nguyên tắc như năm 2020. Năm nay, mỗi sở GD&ĐT thành lập một đoàn kiểm tra. Mỗi đoàn có 3 hoặc 4 người, kiểm tra trực tiếp tại 1 sở GD&ĐT trong suốt thời gian chấm thi.

Đối với công tác phúc khảo, ông Cường cho biết, kiểm tra lưu động tại một số sở GD&ĐT và Bộ thành lập 5 đoàn kiểm tra. “Điều đặc biệt năm 2021 là thanh tra chuẩn bị lực lượng, các điều kiện cần thiết để thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất ở tất cả khâu của kỳ thi; dự phòng cả tình huống xảy ra thiên tai, dịch bệnh; khi có thông tin phản ánh tiêu cực, sai phạm trong việc tổ chức kỳ thi hoặc theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ”, ông Cường nhấn mạnh.

Năm nay có 2 thanh tra chính phủ tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vì 1 người như năm 2020. Trong đó, 1 người tham gia Ban chỉ đạo thi quốc gia và 1 người tham gia Ban thư ký. Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thanh tra đột xuất tất cả các địa phương, những vùng, những khâu có vấn đề.

200 trường đại học tham gia thanh tra

Ông Cường cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ kế thừa và sử dụng tối đa đội ngũ cán bộ, công chức, giảng viên, cộng tác viên thanh tra giáo dục đã tham gia tập huấn, đạt yêu cầu và đã đi thanh tra, kiểm tra năm 2020, đồng thời bổ sung và nhấn những điểm mới, điểm cần chú ý của năm 2021. Những người được điều động cho công tác thanh tra, kiểm tra năm 2021 phải được kiểm tra và đạt yêu cầu, đảm bảo nắm vững nghiệp vụ công tác thanh tra thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, huy động các trường khối ngành sức khỏe, các trường công an, quân đội vào vùng thi, điểm thi có dịch, nguy cơ cao, có thí sinh diện F1 hoặc F2.

Sẽ tập huấn cho cán bộ, công chức của Bộ GD&ĐT và giảng viên cơ sở giáo dục ĐH được điều động tham gia các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi, chấm thi và phúc khảo của Bộ GD&ĐT (khoảng 250 người). Bộ GD&ĐT và địa phương sẽ xử lý, không để xảy ra khoảng trống, điểm mờ trong kiểm tra, thanh tra thi. Tất cả hội đồng thi tại các địa phương cần phân công làm rõ trách nhiệm ngay từ đầu.

Năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến tập huấn trực tuyến cho tất cả những người tham gia tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo 3 cấp. Đó là tập huấn cho lãnh đạo các sở GD&ĐT và thành viên cốt cán của Thanh tra sở GD&ĐT. Trên cơ sở đó, các sở GD&ĐT tổ chức tập huấn cho tất cả từng thành viên đoàn thanh tra, kiểm tra của sở (sở được đề nghị mời thành phần Thanh tra tỉnh). Tiếp đến, tập huấn cho cốt cán là thanh tra nội bộ và lãnh đạo cơ sở giáo dục ĐH về nội dung kiểm tra công tác coi thi. Trên cơ sở đó, các cơ sở giáo dục ĐH tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, giảng viên được cử tham gia kiểm tra công tác coi thi.

Theo ông Cường, năm nay, do số lượng thí sinh tăng (hơn 100.000), nên số lượng cán bộ, giảng viên dự kiến cần huy động là hơn 8.000 người đến từ 200 cơ sở giáo dục ĐH. Từ bài học năm trước, khi thành phố Đà Nẵng phải tổ chức thi đợt 2, cùng với đó, các trường ĐH nằm trong thành phố không thể tham gia công tác kiểm tra đợt 1, Bộ phải huy động nhân lực từ các trường ĐH không bị phong tỏa bổ sung, năm nay, Bộ đã chuẩn bị đầy đủ các phương án, không bị động. Tuy nhiên, điều ông Cường lo nhất là khi tổ chức thi, các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… không may bị phong tỏa, việc huy động nhân sự thanh tra từ các trường ĐH sẽ thực sự gặp khó khăn. Hà Nội và TPHCM tập trung số lượng lớn trường ĐH trên cả nước.

Theo Nghiêm Huê/TPO