Thứ bảy, 27/2/2021, 11h15

Thị trường sau Tết: Nguồn cung dồi dào, giá cả ổn định

Sau Tết, ngun hàng di dào, n đnh nên giá c không biến đng nhiu. Bên cnh các ch truyn thng, h thng siêu th thì trung tâm thương mi cũng đưc ngưi tiêu dùng la chn.


Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Big C. Ảnh: T.Ngọc

Hàng ch… cũng bình n

Từ mùng 6 Tết, các chợ truyền thống bắt đầu hoạt động nhộn nhịp, hầu hết các gian hàng đã mở cửa. Hàng hóa đa dạng nên giá không biến động nhiều, không có chuyện khan hàng.

Theo khảo sát của phóng viên tại các chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh); chợ Hiệp Bình, chợ Thủ Đức (TP.Thủ Đức)…, mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống có sức mua nhiều. Mặc dù vậy, giá cả không tăng, nhiều mặt hàng như thịt lợn, gia cầm có mức giá bình ổn như trước Tết, thậm chí “hạ nhiệt” so với những ngày cận Tết.

Mặt hàng rau xanh do khấu hao vận chuyển nên giá cả có phần nhích nhẹ, tăng khoảng vài ngàn đồng/kg. Giá rau củ dao động từ 15.000-45.000 đồng/kg. Như bắp cải, khổ qua từ 15.000-20.000 đồng/kg, cải bó xôi, súp lơ xanh hữu cơ từ 20.000-40.000 đồng/kg, bí đỏ, bí ngòi 15.000 đồng/kg.

Trái lại, trái cây sau Tết lại giảm giá ở hầu hết các mặt hàng, dao động từ vài ngàn đồng đến 20.000 đồng/kg, tùy loại, đặc biệt như cam canh, bưởi, táo, dưa hấu, mãng cầu, dừa, xoài - những loại trái cây có sức mua lớn trong Tết và giáp Tết.

Tại khu vực chợ Thủ Đức, nhiều tiểu thương cho hay, sức mua sau Tết của người dân chưa cao. Hàng hóa được cung ứng dồi dào từ các doanh nghiệp, nhà vườn, thương lái nên mặt hàng nào cũng đảm bảo, giá cả không tăng để hút sức mua. “Trước Tết, giá thịt lợn có phần biến động nhẹ, đặc biệt là vào những ngày cận Tết. Tuy nhiên, hiện nay giá cả mặt hàng này đã giảm và ổn định do nguồn cung dồi dào, sức mua của người dân không lớn”, chị Hương - tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thủ Đức - chia sẻ.

Thịt bò, hải sản tươi sống dù nhu cầu của người dân chưa lớn nhưng nguồn cung cũng chưa quá dồi dào như trước Tết nên giá nhích nhẹ, tăng khoảng 10.000 đồng/kg, tùy loại. Theo đó giá các mặt hàng như cá điêu hồng 70.000 đồng/kg, cá lóc đồng 130.000 đồng/kg, cá ngân 120.000 đồng/kg. Mặt hàng thịt heo dao động từ 90.000 đồng/kg (dựng heo) đến 180.000 đồng/kg (phi lê). Thịt bò cũng tùy loại, bò xào 280.000 đồng/kg, bắp bò 260.000 đồng/kg…

Là mặt hàng không thực sự thiết yếu nhưng hoa vẫn có sức hút đối với người tiêu dùng. Các loại hoa như cúc, ly… có giá cả ổn định như trong năm; một số loại hoa như lay ơn, cát tường giá có phần giảm so với những ngày giáp Tết đến vài chục ngàn đồng/bó 10 bông.

“Tôi vẫn có thói quen mua hoa để chưng trong nhà. Sau Tết, thấy giá các loại hoa bày bán tại chợ không tăng. So với những ngày cận Tết thì nhiều loại hoa như cúc lưới, cát tường, lay ơn đã giảm giá rất nhiều, trở về mức giá bình ổn như trước đây”, chị Tuyết Mai (ngụ Q.Bình Thạnh) chia sẻ.

Siêu th gim giá và khuyến mãi

Tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tuy không xảy ra tình trạng xếp hàng dài chờ tính tiền nhưng lượng người đến mua cũng khá đông. Một nhân viên quầy hải sản tươi sống của siêu thị Co.opmart (đường Cống Quỳnh, Q.1) thông tin, đây là thời điểm người dân từ quê quay lại TP làm việc nên nhiều người đã đi mua hàng tiêu dùng. Hơn nữa, hệ thống các siêu thị đã đi vào hoạt động bình thường so với các ngày Tết trước đó chỉ mở cửa phục vụ trong một thời gian nhất định, người dân có nhiều khung giờ đi mua hơn.

Về giá cả thì vẫn bình ổn như trước và trong Tết. Mặt hàng tươi sống như tôm, cá dao động từ 100.000 đồng đến 170.000 đồng/kg. Tôm thẻ loại lớn 145.000 đồng/kg, cá ngừ 99.000 đồng/kg, cá chim đen 169.000 đồng/kg…


Người tiêu dùng mua hàng tại siêu thị Co.opmart. Ảnh: T.Ngọc

Không chỉ bình ổn, để nâng sức mua, các siêu thị đã áp dụng chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng từ nay đến cuối tháng 2. Đơn cử siêu thị Big C (đường Tô Hiến Thành, Q.10), rau quả hữu cơ dao động từ 20.000-50.000 đồng/kg, trong đó cải thìa gần 26.000/kg, bí giống Nhật 33.000 đồng/kg, đậu bắp 22.500 đồng/kg, su hào 27.000 đồng/kg. Nhiều loại rau quả như đậu bắp, các loại cải giảm khoảng 20%... Hệ thống siêu thị Co.opmart, trứng gia cầm mua 10 quả tặng 2 quả, dầu ăn giảm khoảng 10.000 đồng/chai…

Sôi động thị trường gia cầm sống

Chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm tháng giêng. Theo quan niệm của người Việt, đây là ngày rằm lớn nhất trong năm. Vì thế sức mua của người dân trong dịp này cũng tăng cao, nhất là trái cây, hoa, đồ cúng, gà.

Trong bối cảnh dịch Covid-19, dù việc tiêu dùng của người dân có phần hạn chế song nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống nhận định, thị trường ngày rằm tháng giêng năm nay vẫn sẽ có sức mua ổn định như mọi năm; thậm chí ở một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống, sức mua sẽ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do người dân ở nhà nhiều hơn.

“Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân hạn chế đi lễ, du xuân đầu năm nên chắc chắn sức mua ngày rằm sẽ nhỉnh hơn năm ngoái”, một tiểu thương bán gia cầm tại chợ Hiệp Bình (TP.Thủ Đức) bày tỏ.

Theo thông tin của Bộ Tài chính, giá cả thị trường sau Tết không có biến động lớn, mức độ tăng thấp hơn so với Tết năm trước. Tình hình giá cả thị trường bình ổn nằm trong kế hoạch kiểm soát đã được triển khai trước đó. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2021 để bình ổn giá cả thị trường sau Tết và quý I/2021.

Đ.Lan


Gia cầm sống bày bán tại chợ Hiệp Bình, TP.Thủ Đức
 

Ảnh: Đ.Lan

Hiện tại, tiểu thương này đang nhận làm gà cúng cho ngày rằm tháng giêng với mức giá từ 110.000-140.000 đồng/kg gà sống, bao làm, tùy theo từng loại gà. Như vậy, so với mức giá những ngày cận Tết và ngày thường, mức giá này có sự ổn định. “Gà đặt cúng đa phần là từ khách quen. Năm nay, nhiều khách đặt gà cúng khá sớm, lượng khách cũng tăng hơn so với mọi năm…”, người này nói.

Bà Trần Thị Hoa tiểu thương bán gà tươi sống tại chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh) - chia sẻ, từ mùng 2 đến mùng 5 Tết chỉ bán được hơn chục ký gà sống, so với ngày thường từ 40-50kg. Nhưng từ mùng 6 Tết đến nay thì lượng người mua nhiều hơn. Bên cạnh mua gà cúng thì nhiều khách còn mua gà ăn.

Tâm lý của đa số người dân khi mua gà cúng là phải mua gà ta và gà còn sống. Tuy nhiên vấn đề đáng lo ngại là dịch cúm gia cầm đã bùng phát trở lại từ đầu tháng 1-2021. Tính đến đầu tháng 2-2021, cả nước đã ghi nhận 40 ổ dịch cúm gia cầm tại 14 tỉnh, TP. Nhằm khống chế và kiểm soát, chặn đứng sự lây lan của dịch cúm gia cầm, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 163/CĐ-TTg về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát phòng chống bệnh cúm gia cầm lây sang người. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu kiểm soát và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm, tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không nguồn gốc.

“Do lo ngại dịch bệnh, người dân đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của gia cầm. Tiểu thương bán buôn cũng không thể nhập gia cầm nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Gia cầm nhập về đều là từ trang trại đã được kiểm duyệt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Một điều dễ dàng nhận thấy là dù ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm nhưng giá gà sống lại không biến động, chỉ bằng hoặc tăng nhẹ so với ngày thường”, anh Hùng - tiểu thương bán gia cầm tại chợ Thủ Đức - cho biết.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM - nhìn nhận, thị trường hàng hóa Tết năm nay tiếp tục được quản lý tốt, đảm bảo trước Tết 1 tháng và sau Tết không tăng giá các mặt hàng bình ổn.

“Từ mùng 2 đến mùng 5 Tết, lượng hàng hóa về 3 chợ đầu mối tăng 25% so với cùng kỳ cho thấy người dân đã có điều chỉnh tiêu dùng, không tích trữ nhiều hàng hóa trong dịp Tết. Hơn nữa, do hệ thống phục vụ kéo dài thời gian nên người dân cũng yên tâm thực hiện việc mua sắm cho Tết và sau Tết bình thường”, ông Vũ nói.

Theo ông Vũ, để có được thị trường hàng hóa ổn định là nhờ sự chủ động từ rất sớm của TP. Ngay từ tháng 3-2020, UBND TP đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường năm 2020 và Tết Tân Sửu 2021. Trên cơ sở này, Sở Công thương đã phối hợp với các tỉnh, thành có nguồn hàng cung ứng lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang để nắm bắt tình trạng sản xuất hàng hóa, phối hợp với các sở ngành làm việc và triển khai công tác chuẩn bị nguồn hàng đến các doanh nghiệp bình ổn thị trường, 3 chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Sở Công thương cũng đã tham mưu UBND TP tổ chức hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.HCM với 22 tỉnh, thành khác; từ đó bổ sung nhiều nguồn hàng hóa, đặc sản của các địa phương phục vụ cho người dân sử dụng trong dịp Tết. Thường trực UBND TP cũng đã chủ trì kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa với các tỉnh, thành; Sở Công thương cũng đã tiến hành các đoàn công tác, làm việc, kiểm tra với các tỉnh trước khi Tết diễn ra.


Hải sản tươi sống bày bán tại chợ Hiệp Bình, TP.Thủ Đức. Ảnh: Đ.Lan

Với sự chủ động trong kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, các chương trình chính mà doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường năm nay chiếm 33%, 3 chợ đầu mối chiếm 58%, chưa kể thị phần của các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp đã tăng cường lượng hàng bình ổn từ 35-50% của thị trường, phát huy hệ thống 429 điểm bán hàng bình ổn và căn cứ theo nhu cầu TP.Thủ Đức, 22 quận, huyện về bổ sung các điểm bán hàng bình ổn cho thanh niên, công nhân, sinh viên.

“Tết năm nay (năm 2021) dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát cho nên bên cạnh việc tập trung chuẩn bị nguồn hàng hóa tiêu dùng như hàng năm thì TP còn chuẩn bị lượng hàng cho khoảng 800 ngàn công nhân, sinh viên ở lại TP.HCM đón Tết”, ông Vũ nói.

T.Ngọc

Do tác động của dịch Covid-19, phương thức mua sắm của người tiêu dùng dịp Tết đã có nhiều thay đổi. Không ít người đã đổi qua phương thức mua hàng trực tuyến. Nhiều dịch vụ nhận đặt gà cúng, đồ cúng cho ngày rằm tháng giêng cũng xuất hiện trên mạng xã hội với mức giá tương đương ngoài chợ dân sinh. Cạnh đó, nhiều tiểu thương cũng nhanh nhạy “tích hợp” khi có thêm dịch vụ “giao hàng online” cho khách khi có nhu cầu.

“Nhà người quen có trang trại tại Tây Ninh, vì vậy gà lấy về bán đều là gà thả vườn tại trang trại, với mức giá từ 130.000-150.000 đồng/kg, bao làm theo yêu cầu của khách. Năm nay, khách có nhu cầu đặt hàng nhiều hơn thông qua mạng xã hội và giao đến tận nhà”, chị Hồng - tiểu thương chợ Bà Chiểu - cho hay.

Đỗ Lan - Trinh Ngọc