Thứ năm, 19/5/2022, 16h38

Thiết bị dạy học với môn ngữ văn

1. Chương trình ngữ văn 2018 yêu cầu: “Thiết bị dạy học tối thiểu của môn ngữ văn là tủ sách tham khảo, có đủ các loại văn bản (VB) lớn là VB văn học, VB nghị luận, VB thông tin; có đủ các hình thức sách truyện, sách truyện tranh. Trong mỗi loại VB lớn có đủ các tiểu loại: VB văn học gồm truyện, thơ, ký, kịch; VB nghị luận gồm nghị luận văn học và nghị luận xã hội; VB thông tin gồm văn bản thuyết minh và văn bản nhật dụng. Một số tranh ảnh như chân dung các nhà văn lớn có trong chương trình; tranh ảnh minh họa cho nội dung, nghệ thuật của một số tác phẩm lớn... Ngoài ra, chương trình cũng lưu ý thêm: “Những trường có điều kiện cần nối mạng internet, có máy tính, màn hình và máy chiếu; trang bị thêm một số phần mềm dạy học tiếng Việt; các CD, video clip…; một số bộ phim hoạt hình, phim truyện được chuyển thể từ các tác phẩm văn học hoặc các CD, video clip ghi một số vở diễn từ các kịch bản văn học; các băng đĩa CD ghi bản nhạc được phổ từ các bài thơ đã chọn làm ngữ liệu dạy học hay một số văn bản đọc mở rộng, các cuộc giao lưu, nói chuyện chuyên đề của các nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình; các bộ sách giáo khoa ngữ văn, sách văn học và các tài liệu giáo dục văn học dạng điện tử”. Trong bối cảnh xã hội thông tin hiện đại, việc dạy học môn ngữ văn không thể không chú ý vận dụng một cách phù hợp và có hiệu quả các phương tiện, thiết bị hiện đại. Sách giáo khoa ngữ văn mới phải góp phần giúp cho giáo viên thực hiện định hướng ấy.


Hc sinh sân khu hóa mt tác phm văn hc có s h tr ca thiết b công ngh (nh minh ha). Ảnh: N.Q

2. Sự vận dụng trong dạy học môn ngữ văn. Thứ nhất, trong mỗi bài học, sách ngữ văn (như bộ Cánh diều) đều yêu cầu học sinh và giáo viên sử dụng CNTT và mạng internet để hỗ trợ chuẩn bị bài học. Ví dụ, để đọc hiểu trong mục “Chuẩn bị” thường có yêu cầu: Tìm hiểu thêm về tác giả và tác phẩm từ nhiều nguồn khác nhau. Mọi người đều biết, internet có vô vàn các thông tin về đủ mọi thứ trên đời. Với các tác giả, tác phẩm văn học, hầu như chỉ cần click chuột máy tính là sẽ có đủ và thừa những gì cần tìm. Vì thế, mục tác giả trong sách ngữ văn chỉ cung cấp vài thông tin tối thiểu gồm: Tên tác giả; năm sinh, năm mất; quê quán. Trong trường hợp học sinh không có điều kiện tra cứu trên mạng thì cũng chỉ cần biết mấy thông tin cơ bản đó. Còn lại các thông tin khác, học sinh tự tìm hiểu. Giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh cách thu thập và lựa chọn các thông tin và tư liệu quan trọng hữu ích, giúp cho việc hiểu VB đang học. Chẳng hạn, chân dung nhà văn, sách giáo khoa không thể đưa hết tất cả, trong khi chỉ cần gõ tên nhà văn ấy, các em sẽ có rất nhiều ảnh chân dung khác nhau của một tác giả. Rất nhiều thông tin khác về nhà văn và tác phẩm đang học cũng tương tự như vậy. Thứ hai, CNTT và thiết bị rất cần thiết cho việc dạy các VB thông tin trong sách ngữ văn mới. Vì các VB thông tin thường trình bày theo dạng VB đa phương thức (kết hợp kênh chữ + hình). Các VB này lại lấy từ các trang web có nguồn dẫn ghi ở cuối VB, vì thế khi dạy và học, giáo viên và học sinh có thể trực tiếp truy cập vào địa chỉ ấy để tìm lại bản nguyên văn cũng như tham khảo thêm các tư liệu tương tự…, nhất là để hiểu VB đa phương thức. Thứ ba, do chỉ dạy một số VB tiêu biểu nhằm hình thành cách đọc nên có thể dùng các clip, youtube ghi giọng đọc (ngâm thơ, bài hát) của các nghệ sĩ để minh họa cho đọc diễn cảm và gợi cảm xúc, không khí cho giờ học. Cũng có thể sử dụng CNTT để hướng dẫn học sinh đọc thêm các văn bản tương tự. Sách ngữ văn 6 cuối mỗi bài học có hướng dẫn đọc mở rộng; nhiều bài hướng dẫn học sinh cách truy cập mạng; đọc thêm tác phẩm theo các đường link có sẵn… Thứ tư, ngoài các bài học trên lớp, giáo viên cần hướng dẫn học sinh sử dụng CNTT để giải quyết các bài tập lớn, các dự án học tập; các bài nghiên cứu, thuyết trình, ngoại khóa… Những nội dung cần đến thiết bị trình chiếu, tranh ảnh, video clip, âm nhạc… để minh họa cho nội dung và việc trình bày trở nên sinh động có hiệu quả hơn. Thứ năm, với giáo viên, việc ứng dụng CNTT và sử dụng thiết bị dạy học đã được hướng dẫn cụ thể trong sách dành cho giáo viên. Việc ứng dụng CNTT cần được hiểu không chỉ là một phương tiện dạy học mà còn là công cụ quan trọng để tự học, tự nâng cao trình độ và năng lực của người giáo viên trong bối cảnh mới, đáp ứng những yêu cầu dạy học mới.

Vận dụng CNTT là cần thiết, nhưng giáo viên luôn chú ý mục tiêu và yêu cầu dạy học môn ngữ văn. Ví dụ, với giờ đọc hiểu, không nên lạm dụng CNTT để thu hút học sinh bằng hình ảnh và kỹ thuật vi tính. Vì điều quan trọng trong đọc hiểu là học sinh cần được tiếp xúc trực tiếp với văn bản, quan sát hình thức; lắng nghe câu chữ…, từ đó mà hình dung, tưởng tưởng, suy luận và khám phá ý nghĩa của VB; không có công nghệ nào thay được điều đó. Như thế, chỉ cần thiết bị tối thiểu cũng có thể dạy môn ngữ văn đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

PGS.TS Đ Ngc Thng