Thứ năm, 18/3/2021, 16h40

Thỏa sức sáng tạo qua hội chợ STEM

Bóng nưc ăn đưc, máy ra tay t đng phòng chng dch, nhà tái chế, mt n chng đc… là nhng sn phm do hc sinh Trưng THPT Nguyn Du (Q.10, TP.HCM) thiết kế, góp mt trong Hi ch STEM và cuc sng.


Hc sinh gii thiu sn phm do nhóm thiết kế trong Hi ch STEM và cuc sng

Đây là hội chợ khoa học thường niên do Trường THPT Nguyễn Du tổ chức, không chỉ góp phần đẩy mạnh giáo dục STEM sâu rộng ở các bộ môn mà thông qua đó còn mở ra sân chơi học thuật, đưa kiến thức sách vở vào thực tiễn, thắp lên ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho học sinh. Quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa, nhóm của Vũ Hoàng Duy (lớp 11A5) đã mang đến hội chợ sản phẩm bóng nước. Sản phẩm này gồm 3 nguyên liệu chính là dung dịch (có thể là nước, cà phê, nước trái cây…), hợp chất tảo sodium alginate và calcium lactate, được chế ra như một trái bóng nhỏ dễ dàng mang theo bên người, uống thay nước khi khát. “Quy trình làm ra bóng nước rất đơn giản. Ban đầu cho hợp chất calcium lactate vào dung dịch nước, sau đó bỏ vào khuôn đóng đá. Kế đó, hòa hợp chất tảo vào trong nước và cho đá viên đã được pha hợp chất calcium lactate vào dung dịch này, calcium lactate khi kết hợp với hợp chất tảo sẽ tạo ra màng bọc bên ngoài, tạo thành những trái bóng nước ăn được”, Duy cho biết. Với sản phẩm bóng nước, Duy kỳ vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giúp đa dạng hơn sự lựa chọn của người tiêu dùng khi mang nước theo bên mình, từng bước thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa của người dân. “Ưu điểm của bóng nước so với đá viên là không bị tan trong điều kiện nhiệt độ thường, nhỏ, gọn, vì vậy người tiêu dùng dễ dàng sử dụng, có thể mang cùng lúc nhiều loại như nước lọc, cà phê, nước trái cây…”, Duy nói. Trong khi đó, nhóm của Đỗ Kiến Hào (lớp 11A6) lại gây ấn tượng với thiết kế mặt nạ chống độc được làm hoàn toàn từ vật liệu tái chế như chai nhựa, than hoạt tính, bông gòn, vải lọc, dây cao su…, hướng đến tính thân thiện môi trường mà vẫn giữ nguyên tính năng “chống ô nhiễm”. “Sản phẩm được thiết kế dựa trên cơ chế của các mặt nạ phòng độc bán trên thị trường, hoạt động theo cơ chế van một chiều. Vì thế, tác dụng chống ô nhiễm, lọc bụi không khí không thua bất kỳ sản phẩm nào nhưng lại có giá thành rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm trên thị trường do được thiết kế từ sản phẩm tái chế”, Hào giới thiệu. Khi được hỏi mặt nạ chống độc này có tác dụng trong phòng dịch Covid-19 không?, Hào tự tin cho biết: Sản phẩm với cấu tạo có than hoạt tính nên hoàn toàn phát huy hiệu quả trong công tác phòng dịch. “Ngoài kiến thức phổ thông đã được học, sân chơi STEM còn mở ra cơ hội để mỗi học sinh được phát huy năng lực, sở trường của bản thân trong những lĩnh vực mà mình yêu thích”, Hào nói.

Năm 2021, Hội chợ STEM và cuộc sống có sự góp mặt của trên 100 sản phẩm tham gia vòng sơ loại. Tại vòng chung kết, hội chợ có sự tranh tài của 13 sản phẩm, sáng kiến xuất sắc nhất. “Chúng tôi khá bất ngờ trước những sản phẩm, sáng kiến mà học sinh thể hiện trong hội chợ lần này. Năm nay, Hội chợ STEM và cuộc sống gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng sản phẩm, chứng tỏ được sức hút mà sân chơi mang lại. Đa phần các sản phẩm đều được học sinh thiết kế hướng tới giải quyết các vấn đề tồn tại của cuộc sống, trong đó có nhiều vấn đề đang rất nóng bỏng, thời sự như rác thải nhựa, phòng chống dịch Covid-19”, thầy Vũ Quốc Dũng (Tổ trưởng Tổ vật lý Trường THPT Nguyễn Du) chia sẻ. Theo thầy Dũng, từ sân chơi này, việc đổi mới giáo dục trong các bộ môn khoa học đã đến với học sinh một cách hiện hữu và rõ ràng nhất. Qua đó giúp học sinh nhận ra môn học gần gũi với cuộc sống, đi sâu vào cuộc sống. Việc học vì thế cũng không còn đơn thuần là ghi nhớ công thức mà được cộng hưởng từ chính thực tế cuộc sống.

Đánh giá cao các sản phẩm mà học sinh thiết kế trong hội chợ năm nay, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết dù điều kiện dịch bệnh học sinh phải học trực tuyến khá khó khăn, song các em đã rất nỗ lực để mang đến hội chợ những sản phẩm ấn tượng, giàu trí tuệ. Hội chợ STEM và cuộc sống đã mang lại cho học sinh sự tự tin, tinh thần sáng tạo, ý thức tự học, tự nghiên cứu, thúc đẩy hiệu quả của giáo dục STEM trong từng bộ môn. “Hội chợ tạo ra sân chơi để học sinh thỏa sức sáng tạo, dám đưa ra ý tưởng và mong muốn của mình một cách chuyên nghiệp nhất. Không chỉ đổi mới giáo dục, từ sân chơi này còn thắp lên trong học sinh ngọn lửa của đam mê nghiên cứu khoa học, hình thành nền tảng để các em theo đuổi việc nghiên cứu sau này”, thầy Phú nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Long Quân