Thứ bảy, 3/6/2023, 16h08

Thời cơ "vàng" bứt tốc du lịch

Cùng với những lợi thế được đánh giá "chưa bao giờ tốt hơn", chính sách thị thực cởi mở, thông thoáng đang được trông chờ là hạng mục cuối cùng hoàn thiện "đường băng" đưa ngành du lịch Việt Nam bứt tốc.

Visa càng mở, du lịch càng nhanh phục hồi

Trên nghị trường, hầu hết các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ Công an về việc cấp bách cần thay đổi chính sách thị thực, kéo dài thời hạn cấp chứng nhận tạm trú và thị thực điện tử cho khách quốc tế.

Thời cơ vàng bứt tốc du lịch  - Ảnh 1.

Khách du lịch quốc tế đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa). THẾ QUANG

Trong công văn vừa gửi Bộ Ngoại giao, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) khẳng định đây mới chính là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Theo TAB, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế, nhưng tốc độ phục hồi du lịch quốc tế lại chậm hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như Thái Lan, Malaysia và Singapore. Trong đó, nguyên nhân rất lớn đến từ những bất cập trong chính sách visa.

Tổ chức Du lịch thế giới ước tính chính sách thị thực nhập cảnh thông thoáng có thể làm tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế từ 5 - 25% mỗi năm. Việt Nam cũng đã chứng kiến điều này khi lần đầu miễn thị thực nhập cảnh cho 5 nước Tây Âu. Nhiều nước trong khu vực ASEAN đã sử dụng chính sách tạo thuận lợi về thị thực để thu hút khách quốc tế như Thái Lan miễn thị thực du lịch cho công dân của 64 quốc gia và vùng lãnh thổ, Indonesia là 70 quốc gia, Philippines 157 quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương. Hiện nay, chính sách thị thực của Thái Lan, Malaysia và Singapore thậm chí còn cởi mở hơn nhiều so với Việt Nam từ trước dịch Covid-19 và họ còn đang tiếp tục thực hiện nhiều chính sách linh hoạt để thu hút khách đến nhiều hơn, lưu trú dài ngày hơn.

TAB đề xuất Bộ Ngoại giao bên cạnh việc tiếp tục triển khai áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho nhóm 13 quốc gia đã được miễn thị thực đơn phương, bổ sung thêm 33 quốc gia được miễn thị thực đơn phương, trong đó có 20 nước còn lại thuộc Liên minh Châu Âu (trùng với đề xuất của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch trước đó). Theo nghiên cứu của TAB về tác động của việc miễn thị thực cho 5 nước Bắc Âu, số lượt khách quốc tế trung bình từ các quốc gia Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Ý tăng gần 20%.

Danh sách các nước TAB đề xuất miễn visa

- 20 nước còn lại thuộc EU: Áo, Bỉ, Bulgaria, Croatia, Síp, CH Czech, Estonia, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Latvia, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Rumania, Slovakia, Slovenia.

- 5 nước khác: Mỹ, Úc, New Zealand, Canada, Thụy Sĩ.

- 8 nước được miễn thị thực đơn phương: Israel, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina, Ả Rập Xê Út, Kuwait, UAE.

- Ngoài ra, TAB kiến nghị Chính phủ cân nhắc xem xét 4 quốc gia và vùng lãnh thổ là những thị trường du lịch có tiềm năng phát triển mạnh, gồm: Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Ấn Độ.

"So với các nước ASEAN khác, tác động của việc miễn thị thực nhập cảnh đơn phương của Việt Nam là tích cực hơn, làm tăng số khách du lịch quốc tế đến, doanh thu từ du lịch gia tăng cao hơn nhiều lần sự giảm thu do miễn phí visa", TAB nhấn mạnh.

TS Lương Hoài Nam, thành viên của TAB, khẳng định đề xuất của các bộ về việc mở rộng áp dụng visa điện tử (eVisa) và kéo dài hiệu lực của eVisa từ 30 ngày lên 90 ngày, mở rộng danh sách các nước được miễn visa đơn phương, kéo dài thời gian lưu trú của khách được miễn visa từ 15 ngày lên 45 ngày là rất kịp thời và cần thiết. Không những vậy, cần xem xét hoàn thiện chính sách visa của nước ta theo một số hướng khác để tăng thêm độ mở về visa. 

Đơn cử, công dân Việt Nam đã và đang được cấp visa dài hạn vào nhiều nước, ví dụ visa 1 năm của Mỹ, visa 2 - 5 năm của khối Schengen, visa 3 năm của Úc, visa 5 năm của Hàn Quốc, visa 10 năm của Canada... hoàn toàn trên cơ sở đơn phương. Việt Nam cũng nên cấp những loại visa dài hạn tương tự cho công dân của một số nước, không phải đại trà, mà theo từng hồ sơ xin cấp visa. Tương tự, người Việt Nam mua bất động sản ở nhiều nước được cấp thẻ định cư (cũng chính là visa dài hạn) cho cả gia đình. Chúng ta cũng cần có chính sách tương tự để khuyến khích người nước ngoài mua bất động sản ở Việt Nam, mỗi năm đến Việt Nam nhiều lần.

Bên cạnh đó, khách vào Việt Nam tham gia các sự kiện MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác…), giải golf... nên được miễn visa. Vì thông thường sự kiện sẽ có người tham gia đến từ rất nhiều nước và các đơn vị tổ chức ở nước ngoài thường chọn tổ chức ở những nước có chính sách visa thoáng nhất để đỡ vất vả khâu xin visa cho các đối tượng tham gia sự kiện…

"Thủ tục cấp visa tại cửa khẩu (Visa On Arrival) nên tiếp tục được cải tiến theo hướng không cần xin phê duyệt trước, mà du khách có thể đến cửa khẩu xin và được cấp trực tiếp, với mức lệ phí có thể cao hơn so với các loại visa khác. Cuối cùng, công tác truyền thông chính sách visa của nước ta cần được làm tốt hơn, mạnh hơn, qua nhiều kênh, đặc biệt là thông qua các cơ quan ngoại giao của nước ta ở nước ngoài", TS Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Thời cơ vàng bứt tốc du lịch  - Ảnh 3.

Khách du lịch ở khu ẩm thực chợ đêm Hà Nội. ĐÀO NGỌC THẠCH

Độ mở của Việt Nam thu hút người tiêu dùng giàu có

"Chưa bao giờ, cái tên Việt Nam đến gần với du khách thế giới như bây giờ. Gần như tuần nào chúng ta cũng có 1 điểm đến, 1 khách sạn, 1 công trình, 1 doanh nghiệp hoặc 1 món ăn nằm trong top đầu các danh sách tầm châu lục và thế giới, do các hãng thông tấn uy tín quốc tế bình chọn. Chúng ta đang là điểm đến được 2 thị trường lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc ưa chuộng. Người dân các nước thị trường xa như châu Âu, Mỹ sau khi đến Việt Nam đều giữ được ấn tượng tốt và bỏ phiếu cho chúng ta trong các cuộc bình chọn. Ngành du lịch đang rất trông chờ được Chính phủ cùng các bộ, ngành chung tay tạo điều kiện thông thoáng, liên kết quảng bá, hình thành thêm nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn. Nếu làm được như vậy, du lịch Việt Nam giai đoạn tới chắc chắn sẽ bật dậy rất nhanh", một lãnh đạo Tổng cục Du lịch nhìn nhận.

Kéo du thuyền mang "khách sộp" tới Việt Nam

Khách tàu biển có đặc thù đi theo đoàn lớn. Nếu như 1 đoàn khách đi đường hàng không, thuê trọn gói 1 chuyến bay cũng chỉ được tối đa khoảng 200 khách thì một con tàu có thể chở 2.500 - 3.000 khách. Cộng với thủy thủ, thuyền viên, mỗi con tàu cập bến có thể đóng góp vào danh sách khách quốc tế đến Việt Nam thêm 5.000 - 6.000 lượt người. Với hàng ngàn du khách đẳng cấp cao, sẵn sàng chi trả tới 250.000 USD cho 1 chuyến du ngoạn vài tháng trên biển, mỗi con tàu cập bến là cơ hội để các điểm đến tăng nguồn thu, vực dậy ngành du lịch. Tuy nhiên, thực tế năng lực đón khách tàu biển của Việt Nam còn rất hạn chế, đầu tiên do vấn đề visa. Cũng bởi đặc thù số lượng khách theo mỗi tàu rất lớn nên việc xin duyệt visa rất khó khăn. Gỡ được rào cản visa sẽ là cơ hội rất lớn để Việt Nam tăng cường đón khách tàu biển.

Ông Võ Việt Hòa (Giám đốc khối inbound Công ty dịch vụ Lữ hành Saigontourist)

Cần chính sách visa đặc biệt cho giới "siêu giàu"

Chúng ta cũng nên cấp visa dài hạn một cách dễ dàng cho các đối tượng người già đến Việt Nam dưỡng lão, các đối tượng làm việc từ xa trong lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, Việt Nam đang sở hữu rất nhiều lợi thế phát triển các loại hình du lịch cao cấp như du lịch golf, du thuyền hạng sang… Để thật sự khai phá được những mảng này, du khách vào Việt Nam bằng máy bay tư nhân, máy bay thương gia của Việt Nam và nước ngoài cũng cần được miễn visa (theo danh sách hành khách của chuyến bay). Họ thường là triệu phú, tỉ phú, cần khuyến khích họ đến đây du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

TS Lương Hoài Nam (thành viên TAB)

Nhiều năm gần đây, báo chí nước ngoài liên tục dành những lời tôn vinh cho ngành du lịch Việt Nam trên mọi phương diện. Chúng ta có những hãng hàng không vào danh sách tốt nhất thế giới; "giật giải" điểm đến hàng đầu châu Á; có hàng loạt điểm đến cùng gần 30 khách sạn, resort và rất nhiều công ty du lịch, lữ hành giành hạng nhất các hạng mục trong "Giải Oscar ngành du lịch" - World Travel Awards (WTA) khu vực châu Á - châu Đại Dương…

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), phân tích không chỉ sở hữu tiềm năng danh lam thắng cảnh, Việt Nam còn đang ngày càng hấp dẫn những người tiêu thụ hàng xa xỉ toàn cầu. "Trang tin thời trang uy tín Fashion United thậm chí còn so sánh Việt Nam với Mỹ khi cho rằng dù Mỹ hiện đang dẫn đầu về doanh thu hàng xa xỉ với doanh thu hằng năm lên tới

75 tỉ USD. Nhưng sự mở rộng của Việt Nam đang thu hút người tiêu dùng giàu có và nổi lên như một trung tâm đầy tiềm năng cho các thương hiệu xa xỉ nổi tiếng", ông Hạnh dẫn chứng.

Gọi đây là "thời cơ vàng" chưa từng có ở Việt Nam, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng suốt nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam phải đối mặt với tình trạng khách đến nhiều nhưng ở ngắn ngày, chi tiêu không bao nhiêu là do không chú trọng thương mại dịch vụ, không có chỗ cho du khách tiêu tiền. IPPG đã đàm phán được với các nhà cung cấp để đạt được mức giá bán bằng giá tại Pháp, tại Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc; Các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, "giới nhà giàu" trên thế giới cũng đã ngày càng chú ý tới Việt Nam.

Hàng không cũng chờ visa để "cất cánh"

Được ví như 1 trong 2 cánh của chiếc máy bay, ngành hàng không cũng đang chờ du lịch tháo được nút thắt visa để cùng cất cánh. Nếu như năm 2019 là cao điểm, ngành du lịch đón 18 triệu khách thì ngành hàng không cũng vận chuyển khoảng 40 triệu hành khách quốc tế, trong đó, lượng khách du lịch chiếm khoảng 70%.

Cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực

Trong phiên họp Quốc hội chiều 2.6, góp ý dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chia sẻ: "Là người làm việc trong lĩnh vực đối ngoại, trong xúc tiến thương mại đầu tư, điều day dứt của chúng tôi trong suốt thời gian qua là tại cuộc họp nào với cộng đồng doanh nghiệp ngoài nước cũng có các ý kiến về vấn đề visa, thủ tục visa của Việt Nam".

Theo ông, Việt Nam đang là quốc gia có tiềm năng lớn về du lịch, là địa điểm hàng đầu về thu hút đầu tư quốc tế nhưng thực tế lại "đi trước, về sau trong mở cửa lại du lịch", một phần vì chính sách visa chưa được cởi mở. Kỳ vọng 2 dự luật xuất, nhập cảnh với những quy định mới, cởi mở hơn… sẽ thúc đẩy xúc tiến thương mại đầu tư, thúc đẩy du lịch, ông Lộc cho rằng "đây có lẽ là món quà hàng đầu và là thông điệp rất quan trọng với tiến trình hội nhập, mở cửa để chào mời, thu hút người nước ngoài đến với Việt Nam".

Song ĐB Lộc cũng cho rằng quy định về nâng thời hạn cấp chứng nhận thị thực tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực là từ 15 - 45 ngày "vẫn chưa đủ". Lý do, mức 45 ngày là mức bình quân các nước trong khu vực đang áp dụng. Việt Nam đặt tiêu chuẩn vươn tới top đầu ASEAN trong mọi lĩnh vực nên phải nâng lên 60 ngày để đạt mức tiên tiến trong ASEAN.

ĐB Nguyễn Hải Anh (đoàn Đồng Tháp) dẫn chứng năm 2015, Indonesia miễn thị thực cho 169 nước trong 30 ngày, đã tăng lượng khách quốc tế đến quốc gia này lên hơn 24%, tạo hơn 400.000 việc làm. Ông đề nghị Chính phủ mở rộng danh sách công dân các nước được đơn phương miễn thị thực để tạo điều kiện thu hút khách du lịch và vẫn đảm bảo an ninh quốc phòng.

Theo ĐB Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), số lượng quốc gia được Việt Nam miễn thị thực chỉ bằng 5 - 15% các nước ASEAN. Việc sửa thời gian tạm trú của người nước ngoài tại Việt Nam cũng chưa tăng nhiều như các nước trong khu vực. Vì thế, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc tăng thời gian miễn thị thực, gia hạn tạm trú với người nước ngoài.

Mai Hà - Lê Hiệp

Đại diện Cục Hàng không cho biết năm 2023, hàng không đặt mục tiêu phục vụ 34 triệu lượt khách quốc tế, bằng khoảng 80% so với năm 2019. Đến hết tháng 4, tổng lượng khách quốc tế đã đạt 9,7 triệu khách, tương đương trên 70% cùng kỳ 2019. Dự kiến đến cuối quý 3, tỷ lệ phục hồi đạt khoảng 90%. "Tuy nhiên, đây là những con số kỳ vọng, còn đạt được hay không còn phụ thuộc lớn vào lượng khách quốc tế vào Việt Nam và việc mở visa là gỡ nút thắt quan trọng", đại diện Cục Hàng không nhận định.

Phó tổng giám đốc thương mại Vietnam Airlines Trịnh Ngọc Thành khẳng định mục tiêu phục hồi của ngành hàng không phụ thuộc rất lớn vào độ mở của chính sách visa. "Những nước miễn visa, có đường hàng không bay thẳng thì trong vòng 3 năm, lượng hành khách tăng gấp đôi, chứ không phải tăng mức độ trung bình 5 - 10%. Bên cạnh đó, Việt Nam cần chương trình quảng bá du lịch mang tầm quốc gia với những chương trình thúc đẩy xúc tiến, quảng bá du lịch liên tục trong thời gian tới", ông Thành kiến nghị.

Theo Hà Mai/TNO