Thứ sáu, 14/1/2022, 10h48

Thời trang từ màn ảnh ra đời thật

Từ lâu, phim ảnh và thời trang đã có sự kết nối mật thiết. Không ít bộ phim vừa lên sóng đã lôi cuốn khán giả nhờ… trang phục của nhân vật; thậm chí chúng tạo thành trào lưu ăn mặc, tách bạch với đời sống của bộ phim.

Trong thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh, nhu cầu giải trí tại nhà của khán giả toàn cầu tăng cao. Lượng người xem phim truyền hình, các loạt độc quyền trên các nền tảng trực tuyến cũng tăng không kém. Với những người theo dõi thị trường phim ảnh, điều này không quá bất ngờ vì đó là xu hướng chung nhưng với giới thời trang thì lại hoàn toàn khác khi một số bộ phim bất ngờ tạo nên cơn sốt mua sắm trên các sàn giao dịch điện tử.

Khách hàng lùng sục những món đồ mà diễn viên đã mặc trong phim, tìm kiếm phụ kiện và học cách phối đồ tương tự. Bởi sự ảnh hưởng giữa phim ảnh với thời trang vô cùng lớn nên từ lâu, các nhà sản xuất phim đã dành nhiều sự quan tâm đến phục trang trong phim.

Bridgerton và thuật ngữ thời trang quý tộc

Bridgerton đưa xu hướng thời trang  lấy cảm hứng từ giới hoàng gia, quý tộc trở lại
Bridgerton đưa xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ giới hoàng gia, quý tộc trở lại

Theo ứng dụng tìm kiếm thời trang Lyst, sau chưa đầy một tuần ra mắt, lượt tìm kiếm corset (áo nịt ngực) tương tự trang phục các nữ diễn viên đã mặc trong phim Bridgerton tăng 23%. Con số này liên tục tăng lên sau khi phim kết thúc mùa 1, chạm mốc 123%. Cùng với đó, thuật ngữ “regency-core” - thời trang lấy cảm hứng từ giới hoàng gia, quý tộc - cũng có hơn 100.000 lượt tìm kiếm. 

Bridgerton có bối cảnh nước Anh thế kỷ XIX. Ellen Mirojnick - nhà thiết kế trang phục của phim - cho biết bà muốn giữ phong cách trẻ trung, tươi mới và đầy khát vọng cho các diễn viên.

Ngoài ra, thông qua trang phục, bà muốn gợi nhắc trào lưu thời trang Thời kỳ Nhiếp chính (từ năm 1795 - 1837), giai đoạn ghi dấu nhiều phong cách ăn mặc mới xuất hiện tại Anh.

Gossip girl và thời trang học đường

Phong cách thời trang học đường gây sốt trở lại nhờ phim Gossip girl
Phong cách thời trang học đường gây sốt trở lại nhờ phim Gossip girl
Khi Gossip girl ra mắt, thuật ngữ preppy (phong cách thời trang học đường từng nổi lên từ nửa đầu thế kỷ XX) được chú ý trở lại. Những chiếc váy kẻ sọc, váy tennis, sơ mi cổ cao… được các diễn viên diện trên phim lập tức tạo thành xu hướng.

Tuy nhiên, trang phục được quan tâm nhiều nhất không phải là váy kẻ sọc hay sơ mi mà là chiếc áo khoác varsity (áo khoác bóng chày). Lượng tìm kiếm mẫu áo khoác này tăng 53% so với trước đó. 

Halston và những chiếc váy cổ yếm

Trong Halston, bên cạnh nội dung, yếu tố thời trang được tô đậm khá cuốn hút, ấn tượng
Trong Halston, bên cạnh nội dung, yếu tố thời trang được tô đậm khá cuốn hút, ấn tượng

Bộ phim về cuộc đời nhà tạo mốt Halston ra mắt trên Netflix đã khiến số lượng người tìm kiếm về thương hiệu Halston tăng vọt đến 550% trong vòng chưa đầy một tháng. Trong đó, rất đông khán giả tìm đến thiết kế đầm cổ yếm - một trong những mẫu trang phục làm nên đặc trưng cho thương hiệu này. 

Trên phim, cuộc đời của Halston được kể lại một cách khá chi tiết ở giai đoạn những năm 1960, khi ông tạo được tiếng vang trong ngành thiết kế và bắt đầu lối sống gắn chặt với sàn nhảy, tiệc tùng… 

The Serpent và những món đồ lặt vặt

Dù không theo phong cách cố định nào,  những món thời trang, phụ kiện của nhân vật Monique trong The Serpent vẫn thu hút  một lượng lớn khán giả yêu thời trang
Dù không theo phong cách cố định nào, những món thời trang, phụ kiện của nhân vật Monique trong The Serpent vẫn thu hút một lượng lớn khán giả yêu thời trang

Trên màn ảnh nhỏ, bất kể trang phục nào nữ diễn viên Jenna Coleman - người đóng vai Monique trong The Serpent - chọn mặc cũng được người xem tìm kiếm. Họ lùng sục các mẫu áo dây, khăn choàng tóc in họa tiết, bộ đồ màu xanh mòng két… gắn với Monique. 

Những món đồ của nhân vật Monique không cùng một dạng phong cách để người xem có thể dễ dàng gọi tên như thuật ngữ “regency-core” hay “preppy” được nhắc đến ở trên. Tuy nhiên, không cần tên gọi định hình xu hướng, những món thời trang, phụ kiện ấy cũng gây sốt không tưởng đúng như tính cách của nhân vật - ứng biến khôn lường, tươi trẻ và hài hước.

House of Gucci và cú hích làng mốt

House of Gucci mang đến  một sàn diễn thời trang đích thực
House of Gucci mang đến một sàn diễn thời trang đích thực

House of Gucci khai thác những câu chuyện hậu trường về gia tộc Gucci từ góc nhìn của người con dâu Patrizia Reggiani (Lady Gaga thủ vai) và chồng - Maurizio Gucci (Adam Driver). Ngay khi những hình ảnh đầu tiên về phim được tung ra, lập tức, lượng tìm kiếm về nhà mốt Gucci tăng 173%. Đương nhiên, bên cạnh thời trang, sự quan tâm ấy còn hướng về nội dung phim.

Tạm gác nội dung phim sang một bên, House of Gucci mang đến một sàn diễn thời trang đích thực khi các nhân vật đều khoác lên mình những bộ cánh sang trọng, chứng tỏ gu thẩm mỹ và độ giàu có. Những bộ váy chấm bi và ren của nhân vật Patrizia Reggiani được tìm kiếm nhiều nhất, tăng 100%.

Cũng nhờ hiệu ứng từ bộ phim, chiếc mắt kính phi công Maurizio Gucci mang lọt vào danh sách những món phụ kiện được săn lùng. 

Sex education và áo khoác bóng chày

Đã có tới hơn 10.000 lượt tìm kiếm  các mẫu áo khoác bóng chày mỗi ngày  trong thời gian Sex education đang chiếu
Đã có tới hơn 10.000 lượt tìm kiếm các mẫu áo khoác bóng chày mỗi ngày trong thời gian Sex education đang chiếu

Xu hướng thời trang trong Sex education có phần giống với hiệu ứng khi Gossip girl ra mắt. Ở cả hai phim, chiếc áo khoác bóng chày đều lọt vào danh mục sản phẩm được tìm kiếm nhiều nhất.

Theo thống kê, đã có tới hơn 10.000 lượt tìm kiếm áo khoác bóng chày mỗi ngày trong thời gian phim đang chiếu. Thời trang trong Sex education lấy cảm hứng từ xu hướng ăn mặc những năm 1980 nên khi xem phim, nhiều khán giả có cảm giác quen thuộc, gần gũi. Trong đó, chiếc quần jeans ống loe của nhân vật Aimee Gibbs được đông đảo khán giả nữ tích cực tìm kiếm trở lại. 

Squid game và cuộc đổ bộ thời trang thể thao

Squid game của Hàn Quốc hiện là phim ăn khách nhất trên Netflix. Phim từng tạo ra hiện tượng toàn cầu khi những trò chơi, âm nhạc và thời trang trên phim phủ sóng nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Điều Squid game làm tốt nhất có lẽ là tạo nên những màu sắc, biểu tượng đặc trưng để nhìn vào chúng, khán giả nhớ ngay đến tên bộ phim. 

Thời trang của Squid game là những bộ quần áo thể thao màu xanh có đánh số, giày thể thao, áo thun trắng, trang phục khoác màu đỏ, bộ đồ yếm màu vàng - cam… Tất cả đều tạo nên hiện tượng trên khắp các sàn thương mại điện tử. Trong đó, các mẫu giày thể thao trên phim được tìm mua nhiều nhất, tăng 145%.

Rihanna và đồ nội y rực rỡ

Dù không phải là dự án phim, show truyền hình về thời trang, âm nhạc mang tên Savage x Fenty Vol.3 của ca sĩ Rihanna cũng tạo nên xu hướng ăn mặc riêng sau khi ra mắt. Trong thời lượng 40 phút của show, nữ ca sĩ kết hợp âm nhạc với nhiều loại hình nghệ thuật nhằm giới thiệu đến khán giả những mẫu thiết kế mới thuộc thương hiệu thời trang cá nhân của mình. 

Sau show, lượt tìm kiếm những mẫu đồ lót với từ khóa “đồ lót màu sặc sỡ” và “đồ lót màu neon” tăng lên nhanh chóng. Trong vòng một tuần sau khi show được giới thiệu, lượt tìm kiếm chạm mức 116% - con số khá ấn tượng cho thương hiệu thời trang nội y non trẻ nhưng đầy tham vọng của Rihanna. 

Theo Minh Tú/PNO