Thứ sáu, 21/10/2022, 10h30

Thông tin về học phí, thí sinh tìm hoài mới thấy!

Tại sao lúc đăng ký nguyện vọng, thí sinh lại không chú ý hoặc không biết mức học phí của trường mình chọn? Phải chăng thí sinh khó tiếp cận thông tin này hoặc tìm mà không thấy?

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022 có 620.477 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung. Số trúng tuyển chính thức đợt 1 là 567.018 (trong đó 3.580 thí sinh trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt tỷ lệ 91,4% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.Tính đến 17 giờ ngày 30.9 có 463.440 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỷ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển nhưng có đến 103.578 thí sinh đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học trên hệ thống.

Thông tin về học phí, thí sinh tìm hoài mới thấy! - ảnh 1

Thí sinh trúng tuyển đóng học phí khi xác nhận nhập học. ĐÀO NGỌC THẠCH

Trúng tuyển mà không nhập học, có lý do từ học phí?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học trong đó có nguyên nhân: thí sinh khi chọn trường đã không chú ý hoặc không biết nên lúc trúng tuyển mới phát hiện mức học phí vượt quá khả năng của gia đình. Vậy tại sao lúc đăng ký nguyện vọng thí sinh lại không chú ý hoặc không biết mức học phí của trường mình chọn? Phải chăng thông tin này thí sinh khó tiếp cận hoặc tìm mà không thấy?

Tất cả các trường đại học hiện đều đã có website và mọi người đều có thể truy cập, tìm kiếm các thông tin cần thiết. Tuy nhiên, nếu một người lạ không phải là cán bộ, sinh viên của trường thì không dễ dàng gì tìm thấy thông tin mà mình cần, trong đó có quy định về học phí. Thí sinh chỉ có thể tìm được thông tin về học phí dự kiến trong đề án tuyển sinh của các trường.

Thông tin về học phí thường khó hiểu

Tuy nhiên, đề án tuyển sinh thường khá dài, từ vài chục đến gần 100 trang và đôi khi hơi khó hiểu, kể cả với giáo viên.

Có thể dẫn ra đây một số đề án tuyển sinh năm 2022 như sau: Đề án tuyển sinh Trường ĐH Ngoại thương dài 81 trang, Trường ĐH Kinh tế quốc dân 31 trang, học phí dự kiến của 2 trường này đều tính theo năm học. Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Tây Nguyên gồm 65 trang, học phí dự kiến được tính theo tháng. Đề án tuyển sinh của Trường ĐH FPT gần 100 trang, trong đó phần học phí dự kiến có nội dung gồm: học phí kỳ định hướng, học phí tiếng Anh chuẩn bị, học phí chuyên ngành (gồm 9 kỳ học chuyên ngành). Học phí của tất cả các trường đều có ghi mức tăng từng năm theo quy định, không quá 10%.

Trong thực tế, học phí của sinh viên đại học được tính căn cứ vào số lượng tín chỉ cho nên học phí dự kiến tính theo năm, học kỳ, tháng là dựa vào số lượng tín chỉ mà sinh viên sẽ học trong một kỳ/năm học. Ví dụ: mức học phí của ngành y đa khoa năm học 2022-2023 của Trường ĐH Tây Nguyên là 680.000 đồng/tín chỉ. Dự kiến một năm học, sinh viên sẽ học khoảng 36 tín chỉ, nên học phí một năm (10 tháng) sẽ là 680.000đ x36 = 24.480.000đ, chia trung bình ra mỗi tháng là 2.448.000đ. Tuy nhiên, chỉ có số tiền học phí của mỗi tín chỉ là cố định theo năm học còn tổng số học phí/học kỳ hay học phí/năm học của các trường chỉ là ước tính.

Thông tin về học phí, thí sinh tìm hoài mới thấy! - ảnh 2

Thí sinh trúng tuyển làm thủ tục đăng ký nhập học. ĐÀO NGỌC THẠCH

Cùng 1 lớp học nhưng số tiền học phí mà mỗi sinh viên cần đóng trong 1 học kỳ không hề giống nhau vì tùy thuộc vào kết quả học của sinh viên. Nếu sinh viên có học lực yếu sẽ bị giới hạn số lượng tín chỉ trong một học kỳ, chỉ được học ít tín chỉ hơn so với các sinh viên xếp loại khá. Số học phí ước tính đó cũng chỉ dành cho các sinh viên không bị nợ môn phải học lại. Quy định về học lại của các trường cũng không hề giống nhau. Có trường chỉ cho phép học 1 lần thi 1 lần, nếu rớt phải học lại trong khi trường khác lại cho phép học 1 lần thi 2 lần, nếu vẫn rớt mới phải học lại.

Cũng là học lại để trả nợ môn nhưng không phải số tiền sinh viên A và sinh viên B phải nộp đều giống nhau bởi lẽ nếu không may sinh viên A bị nợ môn học mà các khóa sau không còn học nữa (do thay đổi chương trình đào tạo) thì A phải mở lớp nhu cầu và đóng tiền cho 20 sinh viên mới được mở lớp. Trong khi đó, nếu sinh viên B nợ môn nhưng B học môn học đó chung với lớp khóa sau thì số tiền phải đóng ít hơn 19 lần so với A. Vậy nên mới có chuyện sinh viên mải mê đi làm thêm rồi bao nhiêu tiền kiếm được lại chỉ đủ đóng học phí trả nợ môn trong khi bạn bè cùng khóa đã tốt nghiệp từ khi nào.

Để tránh trường hợp trúng tuyển nhưng không thể nhập học, thiết nghĩ các trường đại học cần đăng tải thông tin về học phí sao cho thí sinh dễ dàng tiếp cận nhất, thay vì tìm hoài mới thấy như hiện nay.

Theo Như Bình/TNO