Thứ năm, 7/11/2019, 20h51

Thú vị với dự án “Chuyện đời tôi”

Hc sinh lp 10/2 k li “Chuyn đi tôi”

Đó là chủ đề của dự án văn học vừa được thầy Phan Duy Khôi (giáo viên môn văn Trường Trung học Thực hành, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) triển khai cho học sinh lớp 10/2 của trường. Dự án được xây dựng dựa trên các đơn vị bài học trong chương trình Ngữ văn 10, gồm: Lập dàn ý văn tự sự; Miêu tả, biểu cảm trong văn tự sự; Tóm tắt văn bản tự sự. Tuy nhiên, thay vì chỉ dạy các kiến thức rời rạc, “Chuyện đời tôi” kết hợp việc dạy và vận dụng kiến thức để hình thành phát triển năng lực cho học sinh thông qua quá trình tạo lập sản phẩm từ những câu chuyện thực tế. “Sau khi được hướng dẫn tìm hiểu các đơn vị bài học trên, trong 1 tháng triển khai dự án, học sinh được nhập vai thành các nhà văn trẻ đi phỏng vấn những người xung quanh, sau đó lấy chất liệu từ các cuộc phỏng vấn để viết thành một truyện ngắn”, thầy Khôi cho biết.

Theo thầy Khôi, những nhân vật được học sinh chọn lựa phỏng vấn và viết truyện khá đa dạng, đó có thể là người thân trong gia đình; là người bán hàng ở đầu ngõ; là câu chuyện của cô giáo Hân dạy các bạn trẻ biết tin tưởng, nỗ lực ra sao trong tận cùng đau khổ; là chú bán kem ở Công viên Tao Đàn tần tảo nuôi con nhỏ hay một nghệ sĩ trẻ bị bệnh tim vẫn cháy hết mình với nghệ thuật… Cách trình bày dự án của học sinh cũng rất phong phú và sáng tạo, từ việc kết hợp kể chuyện với hoạt cảnh tái hiện lại cuộc đời của nhân vật đến việc thay đổi ngôi kể một cách linh hoạt, cho một cái nhìn bao quát về nội dung câu chuyện các em muốn truyền tải. “Phỏng vấn, lắng nghe, chia sẻ và chắt lọc những tình tiết có yếu tố nhân văn, xúc động nhất và dựa trên những tình tiết có thật của cuộc đời mỗi nhân vật, các em sẽ sáng tạo thành một truyện ngắn. Nội dung các truyện ngắn không nhất thiết phải đúng như nguyên mẫu đời thực, vì đây không phải tự truyện...”, thầy Khôi cho biết.

Với dự án “Chuyện đời tôi”, kỳ vọng của thầy Khôi dành cho học sinh không chỉ là kiến thức, kỹ năng làm văn mà trên hết khi được đóng vai các nhà văn trẻ, thông qua việc phỏng vấn, làm việc nhóm, sử dụng máy tính, viết bài…, các em sẽ phát triển nhiều năng lực khác như giao tiếp và hợp tác, sáng tạo…“Đích đến cuối cùng của việc làm mới tiết học không phải chỉ có kiến thức mà là học sinh “làm được gì” để phát triển năng lực, kỹ năng của bản thân. Đặc biệt với môn văn, đó còn là những giá trị của cuộc sống, biết yêu thương, cảm thông với những số phận xung quanh mình”, thầy Khôi nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Yến Hoa