Thứ tư, 8/7/2020, 18h45

Thư viện tiên tiến, hiện đại: Xây dựng dựa trên “nguồn lực” của nhà trường

UBND TP.HCM vừa thông qua Tờ trình số 454/TTr-GDDT-VP của Sở GD-ĐT TP về chủ trương thực hiện Dự án xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại cho các trường học trên địa bàn TP theo hình thức kích cầu.

Cô, trò Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) trong một hoạt động thư viện
Theo đó, Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 tập trung khảo sát và xây dựng đối với khối trường THPT công lập trên địa bàn TP; Giai đoạn 2 mở rộng đầu tư với các cấp, bậc học khác trên địa bàn toàn TP. Tổng nguồn vốn đầu tư của dự án lên đến 14 tỷ đồng/dự án bao gồm đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng thư viện, đầu tư thiết bị, phần mềm. Đây được xem là tín hiệu vui nhằm tạo điều kiện cho các trường học tiến tới trường học thông minh, nhất là phát huy tối đa vai trò của thư viện, phát triển văn hóa đọc trong học sinh TP, thể hiện sự quan tâm sát sao của TP đối với giáo dục. 
Song, để Dự án thực hiện một cách hiệu quả, tận dụng tối đa nguồn vốn vay theo Chương trình kích cầu đầu tư của TP, nhiều nhà trường cho rằng ngoài việc thực hiện theo giai đoạn, trước hết việc đội ngũ giáo viên, nhân viên thư viện của mỗi nhà trường cần được quan tâm, tiếp cận, làm quen với thư viện tiên tiến hiện đại.
Cần “nâng chuẩn” nhân viên thư viện
Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP.HCM, thực trạng thư viện trường học hiện nay còn yếu cả về số lượng, chất lượng. Cơ sở vật chất của nhiều thư viện trường học còn thiếu thốn, nghèo nàn. Đa số các trường sử dụng phòng họp làm thư viện, nhiều thư viện chỉ có một phòng, vừa làm kho sách, vừa làm phòng đọc cho giáo viên, học sinh. Hầu hết các thư viện còn hoạt động theo lối thủ công, truyền thống, việc thực hiện máy tính còn hạn chế, không phát huy được hiệu quả cao.
Vài năm trở lại đây, nhằm đưa sách đến gần với học sinh, khuyến khích và xây dựng văn hóa đọc trong nhà trường, các tiết học thư viện đã được nhiều trường thực hiện, lồng ghép trong một số bộ môn, tạo điều kiện cho học sinh tìm hiểu sách. Hoạt động đọc sách cũng được xây dựng đa dạng thông qua nhiều sân chơi về sách. Không gian đọc sách cũng được tận dụng “mở rộng”, bước ra ngoài khuôn khổ thư viện… 
Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.3 chia sẻ rằng: “Dù đã có sự đổi mới thế nhưng nhân viên thư viện vẫn còn quản lý thư viện rất thủ công, chủ yếu là quản lý sách, quản lý học sinh mượn sách bằng sổ sách, giấy tờ. Trong khi đó, đòi hỏi của thư viện tiên tiến, hiện đại lại cần nhất là yếu tố con người, nhân sự mà trước hết đó là nhân viên thư viện. Vì vậy, để có thể thực hiện dự án thư viện tiên tiến, hiện đại trong trường học thì chính tại các nhà trường, đội ngũ nhân viên thư viện phải được đầu tư quan tâm hơn theo hướng… tiên tiến, hiện đại”. 
Có diện tích khá khiêm tốn, thư viện của Trường THCS Nguyễn Du (Q.1) dù được đầu tư về cơ sở vật chất, các đầu sách liên tục được làm mới cùng nhiều hoạt động sinh hoạt về sách được diễn ra song cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng nhà trường) thừa nhận, hoạt động của thư viện vẫn chưa thực sự hiệu quả. “Điều mong mỏi nhất của nhà trường hiện nay không phải là có một thư viện hoành tráng mà là làm sao tổ chức được thật nhiều hoạt động về sách đến học sinh để nhân lên tình yêu sách trong các em. Chỉ khi học sinh yêu thích sách, ham mê đọc sách thì thư viện hoạt động mới hiệu quả”.
Là một trong 17 đơn vị trường THPT được lựa chọn triển khai dự án đầu tư xây dựng hệ thống thư viện tiên tiến, hiện đại trong giai đoạn đầu tiên, thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) lại thẳng thắn thừa nhận thực trạng nhân viên thư viện nhà trường hiện nay vẫn còn yếu kém, làm việc còn thủ công, không khoa học, chưa đáp ứng được đòi hỏi cơ bản, tối thiểu của môi trường tiên tiến, hiện đại. “Môi trường tiên tiến, hiện đại, xây dựng trường học thông minh nhưng nhân viên thư viện còn hoạt động theo kiểu bàn giấy. Do đó, để thư viện tiên tiến hiện đại phát huy hiệu quả khi đưa vào nhà trường thì nhân viên thư viện phải được đầu tư, nâng cao trình độ chuyên môn để có thể tiệm cận được với việc quản lý thư viện thông minh, và nhất là tổ chức các hoạt động, tư vấn về sách cho học sinh, giáo viên…”.
Nếu không “nâng chuẩn” nhân viên thư viện trường học để phù hợp với môi trường thư viện thì theo thầy Phú, thư viện tiên tiến, hiện đại cũng sẽ hoạt động không hiệu quả, theo kiểu “bình mới, rượu cũ”. 
Tiên tiến, hiện đại theo nguồn lực của nhà trường
Theo dự án thư viện tiên tiến hiện đại, đơn vị nhà trường được UBND TP.HCM cấp hoàn toàn kinh phí dựa trên nguồn vốn Chương trình kích cầu đầu tư. Có nghĩa là chỉ cần nhà trường có nhu cầu xây dựng thư viện tiên tiến, hiện đại thì sẽ được trang bị từ cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, thiết bị, phần mềm… 
Được giải quyết vấn đề về vốn, thế nhưng các đơn vị nhà trường còn rất nhiều băn khoăn, dè dặt để đưa ra quyết định “mang” thư viện tiên tiến, hiện đại về cơ sở mình, ngoài yếu tố về trình độ của nhân viên thư viện.
“Đội ngũ giáo viên là một vấn đề. Giáo viên hiện nay chưa đủ năng lực để kết nối một cách hiệu quả nguồn lực của thư viện tiên tiến, hiện đại vào trong bài giảng của mình. Việc sử dụng CNTT hiện vẫn chưa đồng đều ở các giáo viên”, cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du) bày tỏ. Một điều băn khoăn nữa, theo cô Trang là văn hóa đọc trong học sinh hiện nay vẫn chưa thực sự được nhân rộng, nhiều học sinh vẫn chưa thiết tha với việc đọc sách. “Như vậy, tính hiệu quả của thư viện tiên tiến, hiện đại khi đưa vào nhà trường cần phải được tính toán dựa trên chính nguồn lực của từng nhà trường, không so sánh đơn vị này với đơn vị khác”.
Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, nếu dựa trên nguồn lực của mỗi nhà trường về đội ngũ giáo viên, học sinh thì sẽ không có một thư viện nào được gọi là thư viện mẫu. Bởi, ở đơn vị này, với trình độ học sinh như thế, thư viện tiên tiến hiện đại được coi là hoạt động hiệu quả nhưng khi bê “nguyên xi” áp dụng qua đơn vị trường học khác thì nguyên mẫu đó sẽ không còn phù hợp, nếu không muốn nói là “khập khiễng”. 
“Ví dụ, ở Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, học sinh có khả năng ngoại ngữ tốt, nhận thức cao thì những “nguồn lực” trong thư viện tiên tiến hiện đại như sách, trang thiết bị, phần mềm được sử dụng triệt để trong học tập, tìm kiếm tư liệu. Nhưng nếu đưa trang thiết bị, phần mềm đó vào thư viện của một trường học ở đơn vị trường học khác thì tính hiệu quả sẽ không còn cao, trái lại sẽ gây lãng phí”.
Theo thầy Phú, việc xây dựng thư viện tiên tiến, hiện đại trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết đối với mỗi nhà trường. Nhưng để hiệu quả thì việc xây dựng cần phải có lộ trình, được tính toán kỹ lưỡng dựa trên chính nguồn lực của từng nhà trường. Có như thế, việc đầu tư mới không lãng phí, mới đạt hiệu quả cao. “Quan trọng nhất vẫn là đưa học sinh đến với thư viện, xây dựng được văn hóa đọc thực chất trong từng đơn vị, để học sinh yêu sách, chủ động tìm đến sách, chủ động nghiên cứu, tìm kiếm tư liệu. Khi đã có nền tảng đó, việc đưa thư viện tiên tiến, hiện đại vào nhà trường sẽ tạo thêm hứng thú cho học sinh…”.
Bài, ảnh: Yến Hoa