Thứ năm, 23/9/2021, 09h28

Tiêm chủng không đồng đều đe dọa phục hồi kinh tế toàn cầu

Các tổ chức kinh tế, tài chính lớn trên thế giới cảnh báo, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và khu vực ở trong trạng thái bấp bênh, không ổn định cho tới khi việc tiêm vaccine COVID-19 được triển khai đồng bộ trên toàn thế giới. 
OECD hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay, cảnh báo phục hồi bấp bênh.
OECD hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm 21.9 cảnh báo về sự phục hồi kinh tế toàn cầu "không đồng đều" khi hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 của thế giới và của Mỹ trong khi nâng triển vọng với Châu Âu. 
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết, nền kinh tế thế giới đã phục hồi trở lại trong năm nay nhờ các biện pháp kích thích, việc triển khai vaccine COVID-19 hiệu quả cũng như việc nối lại nhiều hoạt động kinh tế.
“Sự phục hồi vẫn rất không đồng đều, với các kết quả khác biệt đáng chú ý giữa các quốc gia” - OECD nêu trong báo cáo về triển vọng kinh tế trước mắt. 
GDP toàn cầu đã vượt qua mức trước đại dịch sau khi COVID-19 gây ra suy thoái vào năm ngoái. Sản lượng toàn cầu dự kiến tăng 5,7% trong năm nay, giảm 0,1 điểm so với dự báo trước đó của OECD vào tháng 5. Tuy vậy, triển vọng cho năm 2022 được cải thiện hơn với mức tăng trưởng dự kiến ​​là 4,5%, tăng 0,1 điểm.
Báo cáo lưu ý: “Cách biệt về sản lượng và việc làm vẫn còn ở nhiều quốc gia, đặc biệt là những thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, nơi tỉ lệ tiêm chủng thấp”.
OECD cũng đã hạ triển vọng tăng trưởng của Mỹ từ 6,9 xuống 6,0% trong năm nay. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ trong khi đó dự báo tăng trưởng của nền kinh tế hàng đầu thế giới trong năm nay là 6,7%.
Tuy nhiên, dự báo của OECD cho khu vực đồng tiền chung Châu Âu được nâng 1 điểm lên 5,3% dù triển vọng với từng thành viên trong khối có khác biệt, với mức tăng trưởng cao hơn được dự báo đạt được ở Pháp, Italia và Tây Ban Nha. 
Dự báo của OECD về Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, không đổi ở mức 8,5%. 
OEDC lưu ý, tác động của biến thể Delta "cho tới thời điểm hiện tại là tương đối nhẹ" ở những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng cao, nhưng đã làm giảm động lực ở những nơi khác và gây thêm sức ép lên chuỗi cung ứng và chi phí toàn cầu.
Dự báo về Châu Á của ADB
Một ngày sau OECD, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 cho các nước đang phát triển ở Châu Á do tỉ lệ tiêm chủng chậm, lây nhiễm tăng và tình trạng phong tỏa làm tê liệt nhiều hoạt động. 
ADB cảnh báo về những "vết sẹo lâu dài" từ đại dịch COVID-19 khi thiếu vaccine cản trở nỗ lực tiêm chủng ở hầu khắp khu vực, từ quần đảo Cook ở Thái Bình Dương cho tới Kazakhstan ở Trung Á. Tình hình có nguy cơ xấu đi hơn khi có những bằng chứng về khả năng bảo vệ của vaccine đang yếu đi đòi hỏi cần phải tiêm nhắc lại, ADB cảnh báo ngày 22.9. 
Theo ADB, việc triển khai vaccine chậm và sự xuất hiện của các biến thể mở là một trong những rủi ro lớn nhất với triển vọng tăng trưởng của khu vực trong năm nay và có thể gây ra những hệ quả thiệt hại về lâu dài. 
Dù nền kinh tế khu vực dự kiến tăng trưởng trong năm nay và năm sau, đã có phân cấp trong phục hồi của khu vực vào nửa đầu năm 2021 do biến thể Delta siêu lây nhiễm lây lan ở một số nước. Tại 2/3 các nền kinh tế Châu Á đang phát triển, tỉ lệ dân số đã tiêm chủng đầy đủ là 30% hoặc thấp hơn, ADB lưu ý. 
“Tăng trưởng có xu hướng mạnh hơn ở những nền kinh tế đã đạt được nhiều tiến bộ nhất trong kiểm soát đại dịch" - báo cáo chỉ ra.  Đông Á, nơi có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất trong khu vực và các chính phủ nhanh chóng ngăn chặn dịch bùng phát, được dự báo tăng trưởng 7,6% trong năm nay, tăng so với dự báo trước đó là 7,4%.
Dự báo của ADB đã hạ thấp tăng trưởng với khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, nơi các quốc gia phải vật lộn để có đủ vaccine tiêm chủng cho người dân trong khi đối phó với đợt lây nhiễm mới. Khu vực Đông Nam Á, nơi có những nước chịu tác động mạnh của COVID-19 như Indonesia, Philippines, dự kiến tăng trưởng 3,1% trong năm nay, giảm so với dự báo trước đó là 4,4%. ADB dự báo tăng trưởng ở Thái Bình Dương giảm 0,6% từ mức dự báo tăng trưởng 1,4% đưa ra hồi tháng 4 năm nay.
HÀ LIÊN (theo laodong)