Thứ tư, 21/12/2022, 14h27

Tiết dạy không có trong thời khóa biểu


Cô Lê Th
 Tuyết Nhung đang giúp hc sinh hc tp

Cô Lê Thị Tuyết Nhung hiện công tác tại Trường Tiểu học An Phú 2 (huyện Củ Chi, TP.HCM). Năm học 2022-2023, cô được lãnh đạo trường phân công chủ nhiệm lớp 1/1 có sĩ số 30 học sinh, dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với bộ sách Chân trời sáng tạo. Năm học mới diễn ra hơn tháng cô Nhung đã thấy “choáng” vì xuất hiện “trăm điều khó” cho cô lẫn trò mà khi đi tập huấn chương trình nội dung sách giáo khoa mới, cô chưa lường ra được. Cô Nhung cho biết: “Tôi nhận thấy chương trình mới có vẻ nặng hơn chương trình năm 2000. Bây giờ yêu cầu học sinh học kiến thức nhiều, môn tiếng Việt khi học hết tuần 13 thì các em đã phải viết chữ cỡ nhỡ; trong khi đó, chương trình năm 2000 phải sang đầu học kỳ II (tuần 18) mới yêu cầu học sinh viết chữ cỡ nhỡ...”. Thấy học sinh lớp mình chủ nhiệm vài em có biểu hiện “đuối”, không “bơi” theo kịp bạn bè nên ngay buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô Nhung đã trao đổi với phụ huynh về ý định tổ chức phụ đạo cho những em học yếu vào cuối giờ để giúp các em nhớ lại kiến thức, củng cố bài mới. Từ đó giúp các em đọc thông, viết thạo bài học theo phân phối chương trình quy định. Được sự đồng ý của phụ huynh, hàng ngày, sau giờ học buổi sáng (lúc 10 giờ 20), cô Nhung giữ những em có sức học yếu ở lại phụ đạo thêm 30 phút để các em nắm chắc bài vừa học… Hiện tại, cô Nhung vẫn duy trì đều đặn hoạt động dạy phụ đạo cho những học sinh yếu. Hôm tôi ghé thăm lớp là lúc cô chuẩn bị ôn lại tiết tiếng Việt mới vừa dạy lúc sáng. Cô Nhung nói vui: “Tôi dạy tiết phụ đạo này hoàn toàn không có trong thiết kế bài dạy và thời khóa biểu nhà trường nên rất thoải mái, không bị áp lực nào; không gò bó dạy theo trình tự thiết kế bài dạy hay phương pháp dạy nào cho hiệu quả, thời gian quy định dạy phải bao nhiêu phút… Đặc biệt, tôi có điều kiện “kè sát” từng em, dạy chừng nào các em đọc được chữ, phát âm đúng mới thôi; có em khi viết chữ, tôi phải cầm tay, chỉ khi nào tự các em viết được mới được nghỉ”.

Công việc phụ đạo cho học sinh yếu khoảng 1 tiết (35 phút) mỗi ngày sau giờ học chính khóa mà cô Nhung làm, tôi nghĩ trước hết cô là giáo viên có lương tâm nghề nghiệp, yêu nghề mến trẻ; luôn quan tâm đến sự tiến bộ của học sinh hàng ngày. Điều đặc biệt là cô dạy phụ đạo với tinh thần tự nguyện, không than khổ cực với gia đình, với đồng nghiệp, và cô cũng không toan tính lợi ích cá nhân hay lấy mô hình tiết dạy không có trong thời khóa biểu của mình để làm thành tích trong đánh giá thi đua cuối năm học.

Trn Văn Tám