Thứ sáu, 16/10/2020, 15h44

Tìm giải pháp bảo tồn chợ nổi Cái Răng

Đó là chủ đề của hội thảo do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VN-TT-DL) TP.Cần Thơ tổ chức ngày 15-10-2020, với sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành. UBND quận Cái Răng và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại khu vực miền Nam.


Ban chủ tọa Hội thảo

Năm 2016, “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” được Bộ VN-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Là sản phẩm du lịch đặc thù của TP.Cần Thơ, chợ nổi Cái Răng là một trong ít chợ nổi tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) còn duy trì các hoạt động mua bán nhộn nhịp, hàng ngày có 250-300 ghe tàu mua bán sỉ hàng nông sản, khoảng 30 ghe nhỏ mua bán trái cây, ẩm thực địa phương. Vào giờ cao điểm, quanh khu vực chợ có trên 200 lượt tàu du lịch đưa đón khách tới tham quan.


Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại hội thảo

Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ - cho rằng: “Chợ nổi Cái Răng (CNCR) có ý nghĩa sống còn đến sự phát triển du lịch của thành phố, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng. Trên 70% du khách đến Cần Thơ tham quan CNCR vì nơi đây chứa đựng tập quán sinh hoạt đặc trưng của người dân các địa phương vùng sông nước, tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của ĐBSCL”.

Tuy nhiên việc quản lý, khai thác và bảo tồn CNCR còn khá bất cập, ông Vương Công Khanh - Phó Chủ tịch UBND quận Cái Răng - nêu những hạn chế trong hoạt động của chợ nổi như: Nông sản các nơi sản xuất không thường xuyên nên thương hồ khó thu mua. Lực lượng làm công tác trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa phục vụ hoạt động chợ nổi trong điều kiện quân số, trang thiết bị, phương tiện còn thiếu nên công tác tuần tra kiểm soát còn hạn chế. Dù có thuê bao lấy rác, vớt rác nhưng nhiều người dân chưa có ý thức nên xả rác xuống sông, kết hợp rác từ nhiều nơi trôi đến theo dòng chảy nên chợ nổi luôn có rác trên sông, rác lắng đọng 2 bên bờ và dưới lòng sông. Hộ kinh doanh dạng bè dịch vụ tăng từ 1 bè lên 7 bè nên có sự cạnh tranh không lành mạnh, giành khách, chung chi cho tài công và hướng dẫn viên du lịch khiến giá dịch vụ tăng cao, chất lượng hàng hóa kém. Ý thức bảo tồn CNCR của một số hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người dân chưa cao, chỉ tập trung vào khai thác du lịch. Không có nguồn thu nên địa phương rất khó khăn trong đầu tư, duy trì các hoạt động bảo tồn chợ nổi.

Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển nhanh của giao thông đường bộ, công tác giải phóng mặt bằng xây dựng bờ kè bên sông đã ảnh hưởng đến qui mô và hoạt động của chợ nổi. Hoạt động thu hút đầu tư chưa hiệu quả, sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa phong phú, đa dạng nên khách du lịch đến chủ yếu chỉ tham quan, chụp ảnh.

Tại hội thảo, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhằm khắc phục những hạn chế và phát triển CNCR. Soạn giả Nhâm Hùng kiến nghị: “Công trình tuyến kè sông Cần Thơ, đoạn qua khu vực chợ nổi, phải thiết kế đặc thù, thuận tiện cho việc giao thương, giữ được không gian “trên bến, dưới thuyền”. Tạo điều kiện để việc vận chuyển, lên xuống hàng hóa dễ dàng kể cả đảm bảo mỹ quan, dành khu vực cho du khách đứng trên bờ ngắm cảnh. Điều hết sức quan trọng là quá trình thi công không làm gián đoạn hoạt động của chợ nổi. Vì nếu gặp trở ngại, thương hồ sẽ bỏ chợ”. Ông Nguyễn Khánh Tùng - Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.Cần Thơ - đề xuất: Cần bảo tồn và phát huy chợ nổi theo quan điểm “tôn trọng nguyên trạng”, giữ nguyên hiện trạng và can thiệp, sắp xếp, điều chỉnh lại một cách hợp lý và hiệu quả. Tạo điều kiện mua bán, sinh hoạt cho người dân thương hồ như: Xây dựng bến bãi neo đậu, hỗ trợ điện, nước, xây dựng nhà vệ sinh du lịch công cộng trên chợ phố, gần chợ nổi; Thông tin thị trường, phân luồng giao thông đảm bảo cho người dân mua bán và tránh được tai nạn giao thông. Địa phương cần thành lập Ban quản lý, điều hành chợ nổi để quản lý điều tiết lượng ghe xuồng, tuần tra chống trộm cướp vào ban đêm, khắc phục tình trạng chèo kéo, thách giá du khách. Phát triển sản phẩm du lịch gắn với đặc trưng vùng, miền; hình thành quầy lưu niệm gắn với làng nghề đặc trưng địa phương, phát triển hệ thống nhà hàng nổi trên sông để phục vụ nhu cầu ẩm thực của du khách. Đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân địa phương và thương hồ để họ chung tay bảo vệ môi trường sông nước. Tăng cường liên kết phát triển du lịch, trong đó cần hợp tác với các nước trong tiểu vùng sông Mekong để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và quảng bá, xúc tiến du lịch.


Một góc chợ nổi Cái Răng

Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ - ghi nhận đóng góp của các đại biểu và chỉ đạo các biện pháp khắc phục tồn tại, trong đó có việc: Tập huấn cho người dân tại chợ nổi kiến thức, kỹ năng làm du lịch. Thống kê những hộ tiểu thương sống trên CNCR, khảo sát về nhu cầu nước sạch, điện sinh hoạt, nhà vệ sinh và các điều kiện thiết yếu khác, từ đó đề xuất các ngành liên quan hỗ trợ họ điều kiện sinh sống tốt hơn. Xây dựng sản phẩm và dịch vụ du lịch gắn với đời sống thương hồ, tạo sinh kế cho người dân. Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng để thu hút khách đến chợ nổi và quận Cái Răng nhiều hơn: “Giao UBND quận Cái Răng phối hợp các sở, ngành rà soát, đánh giá các hạng mục công trình và đề xuất, đảm bảo tính khả thi, chú trọng đến qui hoạch, phát triển chung của quận. Có dự báo tầm nhìn dài hạn sự phát triển trong thời gian tới, trong đó xác định công việc nào Nhà nước làm, việc gì cần xã hội hóa, và đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư để có thể thu hút nhà đầu tư thực hiện các hạng mục công trình mời gọi đầu tư đã được phê duyệt để tham mưu UBND thành phố. Nhân đây chúng tôi xin nói thêm: Thành phố rất trân trọng và mời gọi, đón tiếp những nhà đầu tư đến tham gia dự án bảo tồn và phát triển chợ nổi.” - Ông Hiển nhấn mạnh.

Đan Phượng