Thứ tư, 23/5/2012, 17h05

Tỏa sáng một nghệ danh: Bài 2: NSƯT Đỗ Đức Thịnh: Người luôn đi tìm cái mới

 

NSƯT Đức Thịnh (trái) và NSƯT Bảo Quốc trong vở kịch Cánh đồng gió

 

Đỗ Đức Thịnh là một trong những đạo diễn trẻ luôn đi tìm cái mới, bằng chứng là có một số vở đi vào đề tài “độc”, tưởng chừng “khó nuốt” nhưng lại được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Chính sự sáng tạo và táo bạo đã giúp Thịnh thăng hoa trong lĩnh vực nghệ thuật, liên tục đoạt được những giải thưởng danh giá, mới nhất là danh hiệu NSƯT do Nhà nước phong tặng.
NSND Hồng Vân khẳng định: “Những năm gần đây, Sân khấu Kịch Phú Nhuận thành công rực rỡ chính là nhờ có sự đóng góp của Đỗ Đức Thịnh với nhiều vở do anh dàn dựng tạo nên hiện tượng “sốt vé” như : Em và ngôi sao, Tứ hỷ lâm môn, Chuyện tình mùa thu, Thiên thần gõ cửa, Nhân danh công lý, Chiếc áo thiên nga, Con nhà nghèo… Danh hiệu NSƯT mà Thịnh vừa nhận được hoàn toàn xứng đáng với tài năng cũng như sự cống hiến của anh cho nghệ thuật”.
Đạo diễn trẻ “mát tay”…
Đức Thịnh bộc bạch: “Bản thân tôi khi chọn những đề tài khó để dàn dựng, mặc dù rất tự tin với chính mình nhưng tôi cũng khá hồi hộp về lượng khán giả đến với sân khấu. Nhưng thật bất ngờ, các vở diễn mang tính thử nghiệm như Thiên thần gõ cửa nói về câu chuyện tình lãng mạn yêu theo kiểu Hàn Quốc, Cánh đồng gió đề cao tình nghĩa con người với con người ở một vùng quê nghèo hay Kẻ quấy rối phê phán những “tay” giám đốc chuyên sàm sỡ nhân viên… Tất cả do tôi góp nhặt trong thực tế cuộc sống, chấp bút rồi dàn dựng được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Tôi nghĩ đơn thuần là mình có duyên với những cái mới chăng?”.
Đức Thịnh cũng là người thành công khi dàn dựng các vở theo kiểu “bình cũ rượu mới”. Anh bảo: “Thật ra, tôi cũng làm theo yêu cầu của khán giả và cũng để thử thách bản thân mình, xem khả năng của mình tới đâu. Với lại, tôi còn được sự hỗ trợ hết mình của NSND Hồng Vân. Chính chị Vân đã chắp cánh cho những ý tưởng táo bạo của tôi được bay cao, đến gần với khán giả. Trong “bình cũ”, tôi dàn dựng lại sao cho thật mới, gắn liền với tính thời sự và nhất là “đo ni đóng giày” cho từng diễn viên tham gia. Chính vì thế, nhiều vở từng được công diễn thành công khi tôi còn là sinh viên của trường sân khấu như Tiếng giày đêm, Ngôi nhà không có đàn ông, Nhân danh công lý… nay được dàn dựng lại vẫn đông đảo khán giả mua vé vào xem. Tôi nghĩ khán giả không chỉ đến xem nội dung mà họ còn xem cách làm, khả năng diễn xuất của những người trẻ”.
Tài năng và sự “mát tay” của Đức Thịnh không chỉ đưa tên tuổi của các diễn viên trẻ lên hàng “sao” hiện nay như Thanh Thúy, Thanh Vân, Huy Khánh, Mai Phương, Hòa Hiệp, Thanh Duy, Minh Luân… mà bản thân anh cũng bật sáng qua các giải thưởng: Diễn viên được yêu thích nhất Gala cười 2003; Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động 2006; hai huy chương vàng Liên hoan Sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006, 2008; đạo diễn trẻ xuất sắc trong Liên hoan Đạo diễn trẻ toàn quốc 2007.
“Chưa chiến thắng nên không có chuyện… ngủ quên”
Một điều thật bất ngờ khi được biết nghệ thuật không phải là sự lựa chọn của Đức Thịnh ngay từ nhỏ. “Thú thật hồi đó, tôi không hề nghĩ mình sẽ trở thành một diễn viên. Có lẽ do duyên nợ nên sau khi học hết lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, Cao Minh Đạt - bạn học cùng lớp với tôi thích thi vào Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TP.HCM nhưng vì không tự tin nên rủ rê tôi thi chung. Chúng tôi thi và đậu cùng lúc vào khóa 18 cùng khóa với Bảo Châu, Tuyết Thu, Nhật Lệ… Lúc mới tốt nghiệp trường sân khấu, tôi - Thái Hòa - Hữu Phúc thành lập nhóm hài “Cánh buồm đỏ” biểu diễn vòng quanh các tụ điểm, sân khấu thành phố. Nhóm chúng tôi đã đoạt giải thưởng Nhóm hài xuất sắc trong liên hoan “Sân khấu hài toàn thành 1998” với tiểu phẩm Phòng trọ ba người. Sau đó, tôi và Thái Hòa cùng đầu quân về Kịch Phú Nhuận và gắn bó cho đến bây giờ. Ở sân khấu này, tôi thường xuyên được giao các vai phản diện. Tuy nhiên, tôi không xem đó là sở trường của mình vì diễn viên thì phải thể hiện đa dạng được nhiều vai. Dù sao, tôi vẫn thích vào những vai chính kịch hơn”.
Với lòng ham học hỏi, Đức Thịnh quyết định đi học đạo diễn bởi suy nghĩ đơn giản là sẽ bổ sung kiến thức cho mình chứ không phải để “chỉ đạo” người khác. Anh vào học đạo diễn ở Trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh năm 2001, cùng khóa với Quốc Thuận, Thu Phương, Quý Khang, Ngọc Hùng… Bước đầu, anh đã thử sức ở công tác dàn dựng này qua nhiều kịch ngắn trong Một góc cười duyên, Cười thấy thương cũng như tự biên kịch và dàn dựng nhiều tiểu phẩm cho nhóm hài của mình biểu diễn được khán giả yêu mến. Sau đó, NSND Hồng Vân đã tin tưởng giao cho anh dàn dựng vở kịch dài đầu tay Sâm đắng sâm ngọt ở Sân khấu Phú Nhuận, đây cũng là vở tốt nghiệp thủ khoa khóa đạo diễn của anh. “Từ thành công của vở này đã tạo cho tôi động lực để tiếp tục cho ra đời nhiều vở khác được khán giả đón nhận. Hiện, dù làm nhiều nhưng tôi chưa bao giờ dễ dãi với bản thân mình, làm nghệ thuật mà dễ dãi cũng như “ngủ quên” trong chiến thắng là tự đào hố chôn mình. Tôi luôn tự nhủ với lòng là mình chưa chiến thắng nên sẽ không có chuyện ngủ quên…” - Đức Thịnh tâm sự như thế!
Hiện tại, Đức Thịnh có một mái ấm gia đình rất hạnh phúc cùng nữ diễn viên xinh đẹp Thanh Thúy, đồng thời là Giám đốc Công ty Nghệ thuật Cánh đồng gió. Chuyên mục An ninh và đời sống do Đức Thịnh thực hiện phát sóng trên HTV hàng tuần được khán giả rất yêu thích.
Bài, ảnh: Hạnh Đỗ
“Trong vai trò là diễn viên và bây giờ là đạo diễn, tôi luôn tự tin vào bản thân mình. Chính điều này đã giúp cho tôi có một tính khí mạnh bạo, dám nghĩ dám làm, đột phá nhiều sáng tạo, sẵn sàng đối diện với sự thành công hay thất bại của chính mình” - Đức Thịnh khẳng định.
 
Bài cuối: NSND Ngọc Giàu: 50 năm một “thương hiệu”…