Thứ hai, 1/3/2021, 09h58

Tổng thống Duterte ngừng hợp tác nếu Mỹ đặt vũ khí hạt nhân tại Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đe dọa sẽ chấm dứt ngay Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ nếu phát hiện Mỹ lưu trữ vũ khí hạt nhân tại Philippines.
Tổng thống Duterte nói rằng Mỹ cất trữ vũ khí ở khắp nơi tại Philippines và đe dọa sẽ trục xuất lính Mỹ nếu phát hiện vũ khí hạt nhân /// Reuters
Tổng thống Duterte nói rằng Mỹ cất trữ vũ khí ở khắp nơi tại Philippines và đe dọa sẽ trục xuất lính Mỹ nếu phát hiện vũ khí hạt nhân. REUTERS
Trong cuộc họp tại Hạ viện ngày 1.3, các nghị sĩ Philippines lưu ý về việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới, cho phép hải cảnh nước này sử dụng vũ lực đối với các tàu nước ngoài.
Tổng thống Duterte gạt bỏ lo ngại và cho rằng việc Mỹ muốn thành lập căn cứ quân sự tại Philippines mới là điều gây nguy cơ, theo tờ The Philippine Star.
“Tôi đã tuyên bố rằng chúng ta sẽ tuân theo chính sách đối ngoại, theo đó tôi sẽ không cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ được lưu trữ tại Philippines. Tôi không cho phép điều đó không phải vì nó gây phản đối từ Trung Quốc, mà vì hiến pháp Philippines cấm vũ khí hạt nhân hiện diện tại nước ta”, ông Duterte nói.
Theo Tổng thống Duterte, Philippines không cần vũ khí hạt nhân để chiến đấu chống các nước khác vì Philippines không có và cũng không muốn có.
Tổng thống Duterte cảnh báo chiến tranh sẽ bắt đầu tại Biển Đông nếu nổ ra xung đột liên quan đến Mỹ. “Nước đầu tiên bị đánh là Philippines vì căn cứ của Mỹ ở đây, vũ khí của họ được cất giữ ở khắp nơi tại Philippines. Có lẽ các vị không biết, những kho vũ khí có ở khắp nơi”, nhà lãnh đạo cho hay.
Theo Tổng thống Duterte, ông không thể ngăn cản Mỹ làm điều đó do Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA) vẫn còn hiệu lực, nhưng ông cảnh báo nếu có thông tin xác thực về việc Mỹ lưu trữ vũ khí hạt nhân tại Philippines, ông sẽ ngay lập tức chấm dứt VFA và yêu cầu Mỹ rời đi.
VFA được Mỹ và Philippines ký vào năm 1998, cho phép binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo. Mỹ xem VFA cần thiết cho việc điều các lực lượng đến Philippines nhằm củng cố Hiệp ước phòng thủ chung mà hai nước đã ký vào năm 1951.
Bất chấp đe dọa của Tổng thống Duterte, giới nghị sĩ Philippines vẫn ủng hộ duy trì VFA, đặc biệt là khi tình hình đã đổi khác vì Mỹ có chính quyền mới. Hạ nghị sĩ Eric Pinela nêu ý kiến: “Có một đồng minh như Mỹ, giống như anh cả của chúng ta, là điều rất quan trọng. Chủ yếu vì chúng ta cần có sự phản ứng thích hợp đối với những gì Trung Quốc đang làm trong lãnh hải của chúng ta, chưa nhắc đến luật hải cảnh mới của họ”.
Theo Vi Trân/TNO