Thứ hai, 13/1/2020, 10h12

TP.Cần Thơ: Quyết tâm thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018

3 năm liên tiếp, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ là đơn vị duy nhất trong 5 TP trực thuộc Trung ương vinh dự nhận Cờ thi đua tiêu biểu xuất sắc, dẫn đầu phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học” của Bộ GD-ĐT. Tương ứng, bộ mặt GD-ĐT của TP ngày càng khởi sắc ở hầu khắp lĩnh vực.

Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Lê Quang Mạnh khen thưởng những học sinh đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2018-2019

Bên thềm xuân mới, bà Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) đã dành cho phóng viên Báo Giáo dục TP.HCM cuộc trao đổi về những thành quả nổi bật của ngành. Bà Thắm cho biết: Sau 2 năm triển khai phát triển quy hoạch ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Sở GD-ĐT xác định được một số vấn đề bất cập chưa phù hợp thực tế trong danh mục mạng lưới quy hoạch. Từ đó kết hợp các quận/huyện tham mưu UBND TP điều chỉnh, cập nhật mạng lưới trường lớp phù hợp với yêu cầu và tình hình phát triển GD-ĐT của địa bàn. Đặc biệt chú ý đến việc phát triển dân số, nhất là tăng dân số cơ học ở các đô thị, quận trung tâm… Qua đó từng bước giải quyết vấn đề, nâng tỷ lệ học 2 buổi/ngày đối với tiểu học và nâng tỷ lệ bán trú với mầm non; giải quyết giảm tải trên lớp học cho các cấp học phổ thông để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia hàng năm đều đạt chỉ tiêu được giao. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn TP có 316/455 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 83 trường so với năm 2017…

+ PV: Mặt bằng giáo dục THPT và sau THPT của TP.Cần Thơ cao hơn rất nhiều so với các tỉnh ĐBSCL, trong đó giáo dục sau THPT gần như đứng đầu toàn quốc: tỷ lệ sinh viên, học sinh đang theo học một cấp giáo dục sau THPT chiếm 78,6%, chỉ sau TP.Đà Nẵng với 79%. Bà đánh giá như thế nào về thành quả này?

Bà Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) phát biểu chỉ đạo tại một lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý

- Bà Trần Hồng Thắm: Năm học 2019-2020, toàn TP có 36 trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học (trong đó có cấp THPT); toàn TP có 6 trường ĐH, 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) gồm: 10 trường CĐ, 14 trường TC, 9 trung tâm GDNN-GDTX và 43 cơ sở dạy nghề của doanh nghiệp. Số lượng học sinh hiện đang theo học tại các trường THPT trên địa bàn là 31.383 em, gần 75.000 sinh viên đang theo học tại các trường ĐH. Hàng năm hơn 20.000 học sinh, học viên trúng tuyển vào các trường CĐ, TC và đăng ký theo học nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn TP. Đạt được những kết quả đó, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã phối hợp tốt với Sở LĐ-TB&XH, các sở/ngành của TP trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trên địa bàn. Người dân, người học dễ dàng tiếp cận các thông tin về tuyển sinh, ngành nghề đào tạo thông qua các kênh truyền thông, báo đài, website của các sở/ngành… Công tác tư vấn, phân luồng học sinh sau THPT được chú trọng và thực hiện có hiệu quả, người học dần nhận thức được bên cạnh con đường học ĐH vẫn còn nhiều hình thức học khác thuận lợi, dễ tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp nên số lượng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT theo học TC, CĐ hoặc học nghề ngày càng tăng lên. Đặc biệt, việc đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới phương pháp giảng dạy, liên kết với các trường trong và ngoài nước trong công tác giảng dạy, đào tạo liên thông, nâng cao trình độ cho học sinh, sinh viên từ TC, CĐ lên ĐH được các đơn vị thực hiện hiệu quả, giúp người học tiết kiệm thời gian học tập, kinh phí, có nhiều cơ hội học tập nâng cao, có thể vừa làm vừa học để nâng cao trình độ. Các cơ sở tư vấn du học hoạt động đúng quy định, hiệu quả góp phần tạo cơ hội cho nhiều học sinh sau tốt nghiệp THPT được học tập các trình độ cao hơn tại các nước phát triển. Đây cũng là nguồn lao động có trình độ có thể phục vụ sự phát triển của TP trong tương lai. Ngoài ra, tôi cho rằng: Việc gắn kết tốt giữa các cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần đảm bảo đầu ra, giúp người học có cơ hội việc làm ngay sau khi tốt nghiệp cũng tạo động lực lớn trong thu hút người học tham gia học tập.

+ Bà có thể chia sẻ một số kinh nghiệm mà ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ đã thực hiện để đạt những thành quả trên?

- Một trong những yếu tố quan trọng nhất để ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ hoàn thành các chủ trương, mục tiêu đề ra là phải được sự quan tâm, hỗ trợ và đồng thuận của toàn xã hội; sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục của TP. Các cấp quản lý trong ngành phải tích cực đề xuất với cấp thẩm quyền những vấn đề có tính bền vững, lâu dài cho phát triển giáo dục; phải bám sát thực tiễn, bám sát cơ sở và lắng nghe phản ánh những khó khăn, yếu kém; phải có ý thức phát hiện và nhân rộng mô hình tốt, giải quyết kịp thời, dứt điểm những vướng mắc, phát sinh. Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát cần thực hiện tốt, góp phần giữ vững và duy trì nền nếp, kỷ cương của ngành. Công tác khen thưởng phải kịp thời, công bằng, đúng quy định tạo động lực phấn đấu cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, thúc đẩy các hoạt động giáo dục đạt hiệu quả.

+ Thưa bà, bên cạnh những thành công, đâu là những vấn đề khiến bà còn trăn trở?

- (Sau một chút suy nghĩ): Qua thống kê, TP còn thiếu gần 400 phòng học phục vụ cho lớp 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học. Do vậy Sở GD-ĐT rất mong UBND quận/huyện tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục, đáp ứng các điều kiện để đến cuối năm 2024 đảm bảo cho cấp tiểu học mỗi lớp/1 phòng học, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày và đủ các thiết bị dạy học tối thiểu cho tất cả các cấp học. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên còn nhận thức chưa thực sự đầy đủ về nhiệm vụ thực hiện đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, và xây dựng nguồn nhân lực cho sự phát triển của TP.Cần Thơ ở hiện tại cũng như trong tương lai.

+ Bà có thể cho biết mục tiêu cơ bản mà ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ đang tập trung thực hiện?

- Toàn ngành đã và đang tập trung chuẩn bị chu đáo các điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021. Phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu do TP giao năm 2020. Tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, kết nối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP; hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ và đạt chuẩn. Đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế, vận dụng có chọn lọc, sáng tạo kinh nghiệm các mô hình giáo dục tiên tiến và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo yêu cầu đổi mới. Nhiệm vụ nâng chất việc dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh - chìa khóa để hội nhập quốc tế thành công, cũng sẽ được ngành đặc biệt quan tâm với nhiều giải pháp quyết liệt, phù hợp.

Đoàn học sinh tiểu học TP.Cần Thơ đoạt giải trong Cuộc thi Wecode và Robothon quốc tế năm 2019, diễn ra tại Quảng Châu (Trung Quốc)

+ Nhân dịp đầu xuân, bà muốn chia sẻ điều gì với đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong toàn ngành?

- Chúng tôi rất mong toàn ngành đoàn kết một lòng, quyết tâm, nỗ lực cố gắng hơn nữa để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018. Mỗi cán bộ quản lý sẽ là một tấm gương sáng trong thực thi công vụ; mỗi thầy cô giáo sẽ là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; mỗi em học sinh đều có ý thức phấn đấu trở thành “trò giỏi, con ngoan”.

Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, thay mặt lãnh đạo Sở GD-ĐT, kính chúc thầy cô giáo, các em học sinh cùng gia đình luôn mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.

Đan Phượng (thực hiện)