Thứ hai, 28/11/2022, 14h39

TP.HCM đặt mục tiêu quảng cáo đóng góp khoảng 32.000 tỷ đồng

Thông tin này được ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nêu ra tại phiên họp giải trình hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn TP.HCM do Thường trực HĐND TP.HCM tổ chức sáng 28-11.


Quảng cáo được kỳ vọng đóng góp lớn cho GRDP thành phố nếu công tác quy hoạch, quản lý lĩnh vực này được làm tốt

Ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết quản lý quảng cáo chỉ là một vấn đề. Điều TP mong muốn với vị thế đầu tàu kinh tế cả nước, siêu đô thị hơn 10 triệu dân đang sinh sống thì quảng cáo luôn  có vai trò quan trọng. Chúng ta có thể gọi là công nghiệp quảng cáo, mở rộng hơn nữa theo chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước thì Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển văn hóa, trong đó quảng cáo là một thành tố của công nghiệp văn hóa.

“Đó là một trong những nội dung mà lãnh đạo TP qua nhiều nhiệm kỳ đã có chỉ đạo và hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao đang hoàn thiện đề án phát triển công nghiệp văn hóa này, trong đó nhánh phát triển công nghiệp quảng cáo là một trong những nội dung chúng tôi yêu cầu phải làm nhanh, hoàn thiện sớm”, ông Đức cho hay.

Theo ông  Đức, thực tế hiện nay có những vướng mắc về quy định pháp luật do sự chồng chéo, khác biệt giữa các quy định của các luật, các nghị định, thông tư giữa các chuyên ngành khác nhau. Đây là nguyên nhân khách quan, tuy nhiên đây không phải là lý do để chúng ta buông lỏng và bỏ qua những quản lý và nâng cao hiệu quả của ngành công nghiệp quảng cáo tại TP.HCM.

Liên quan đến quy mô quảng cáo, ông Đức cho biết năm 2010, TP ghi nhận có 2.771 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, nhưng đến 2020 thì số lượng này tăng lên 6.084 doanh nghiệp, đóng góp khoảng 1,8% vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Đây là con số khá đáng kể.

Trong đề án phát triển ngành quảng cáo, TP đặt mục tiêu đến năm 2025, quảng cáo đóng góp vào GRDP phải đạt 2,6%, tức khoảng 32.000 tỷ đồng. Đến năm 2030 phải đạt khoảng 3,2% GRDP.

“Đây là tính toán TP.HCM đặt ra khá thách thức. Tuy nhiên, với quan điểm của TP liên quan đến công nghiệp quảng cáo phải phát triển toàn diện, trong đó liên quan đến quảng cáo trên mạng internet và các nền tảng khác phải ngày càng chiếm tỷ trọng cao hơn. Phải tập trung khai thác tối đa để làm sao công nghiệp quảng cáo đóng đúng vai trò đối với một siêu đô thị tập trung phát triển dịch vụ như TP.HCM”, ông Đức nói.

Về cơ quan đầu mối, ông Đức cho biết hiện nay TP.HCM có 2 cơ quan đầu mối trong lĩnh vực quảng cáo. Quảng cáo truyền thống là Sở Văn hóa và Thể thao, quảng cáo trên các nền tảng internet và viễn thông là Sở Thông tin và Truyền thông. Trong quy chế hoạt động của hai đơn vị này đã có quy định rõ.

Sắp tới, TP.HCM cũng đã yêu cầu trong năm 2022, Sở Văn hóa và Thể thao phải trình được đề án phát triển và quy hoạch quảng cáo để có thể xem xét, phấn đấu thông qua trong nửa đầu năm 2023. Đồng thời, xây dựng quy chế phối hợp trong việc quản lý hoạt động quảng cáo cũng là một nội dung công việc TP.HCM đã giao Sở Văn hóa và Thể thao làm đầu mối. Việc này TP cũng sẽ phấn đấu ban hành trong nửa đầu năm 2023 để có hành lang pháp lý.

Khi làm vấn đề này, có thể có một số nội dung UBND TP.HCM phải bàn, trình xin ý kiến và có sự quyết định của HĐND TP.HCM vì có những vấn đề hiện nay vẫn đang có những khoảng trống về quy định. Ví dụ, hiện nay có khoảng 10.000 bảng quảng cáo trong các siêu thị, chung cư, địa điểm trong nhà… thì hầu như không có quy định cụ thể mà đặt vấn đề các đơn vị phải tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, phần lớn quảng cáo này đều được tận dụng nền tảng công nghệ mới, do vậy nguy cơ mất an toàn an ninh thông tin cũng rất đáng quan ngại.

Bên cạnh đó, TP.HCM cũng sẽ có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội để có thể điều chỉnh, cập nhật, giảm thiểu các chồng chéo, mâu thuẫn trong quy định và phủ kín hơn trong hành lang pháp lý hoạt động quảng cáo.

Về nguồn lực, ông Đức cho biết, liên quan nguồn nhân lực đảm bảo hoạt động quản lý thì việc tập huấn kỹ năng, ứng dụng công nghệ được đặt ra hàng đầu để làm sao phát huy năng lực quản lý, làm cho công tác quảng cáo thực hiện nằm trong khuôn khổ quy định, minh bạch, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian xem xét cấp phép.

Liên quan đến nguồn nhân lực phục vụ cho các công ty, đơn vị làm quảng cáo cũng được quan tâm. TP.HCM sẽ làm việc với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo chuyên ngành quảng cáo để có một chính sách phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho việc phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có nhân lực phát triển quảng cáo.

“Quan điểm của TP.HCM chủ yếu tập trung tạo điều kiện, cơ chế, hành lang pháp lý và quản lý cho hoạt động quảng cáo diễn ra minh bạch và khai thác tối đa tiềm năng. GRDP mang lại cho TP.HCM từ quảng cáo chủ yếu do năng lực của các doanh nghiệp như vậy nguồn lực xã hội là quan trọng nhất. Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ tập trung đầu tư các hạ tầng kỹ thuật để phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý, khai thác, kiểm tra, kiểm soát hoạt động quảng cáo”, ông Đức nói.

Liên quan đến quy định làm sao cho vừa đảm bảo cho văn minh đô thị, vừa khai thác tốt để phát huy hiệu quả quảng cáo, ông Đức cho biết đây là những nội dung trong đề án phát triển quảng cáo TP.HCM sẽ phải làm từng việc cụ thể. Khi xây dựng quy hoạch quảng phải làm sao xác định rõ đặc thù từng địa phương, từng vị trí, từng loại hình quảng cáo để đảm bảo chặt chẽ các quy định về an toàn, mỹ quan đô thị… “Với những nội dung trên TP.HCM sẽ tập trung thực hiện trong thời gian sắp tới để công nghiệp quảng cáo đóng vai trò quan trọng với một đô thị như TP.HCM, để tập trung phát triển TP.HCM theo hướng hiện đại”, ông Đức cho biết thêm.

N.Trinh