Thứ bảy, 19/6/2021, 12h39

TP.HCM khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 lớn nhất từ trước tới nay

Sáng 19-6, khoảng 500 nhân viên một công ty tại Khu công nghệ cao TP.HCM được tiêm vắc xin Covid-19, khởi động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP HCM, cũng là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử Việt Nam.


Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham gia lễ khởi động chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 sáng 19-6

Tham dự lễ khởi động, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết, từ ngày 27-4 đến nay, TP đã bước vào trận chiến thứ 4 với Covid-19 và ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm. Đây là “trận chiến” có diễn biến phức tạp nhất, khó lường nhất. Do có nhiều biến chủng lây bệnh với khả năng lây nhanh hơn, rộng hơn, mạnh hơn, nặng hơn, vì thế số lượng ca mắc nhiều và đã ảnh hưởng đến nhiều mặt của cuộc sống, từ sức khỏe, thói quen sinh hoạt, gây xáo trộn các hoạt động xã hội và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, TP.HCM triển khai 836.000 liều vắc xin của AstraZeneca. Đây là phần vắc xin trong số 966.320 liều do Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam, được phân bổ phần lớn cho TP.HCM tiêm các nhóm ưu tiên diện rộng, trong bối cảnh số ca Covid-19 cộng đồng ở TP tăng nhanh liên tục từ ngày 18-5.

“Số vắc xin phân bổ đợt này chỉ đáp ứng được một phần trong số nhu cầu trên 2,3 triệu người cần được ưu tiên tiêm, vì vậy TP cần triển khai tiêm cho các đối tượng theo đúng Nghị quyết số 21 của Chính phủ và các đối tượng nguy cơ cao như công nhân các khu chế xuất, công nghiệp, công nghệ cao; doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với Cục Y tế, Bộ Công an để hỗ trợ và tổ chức tiêm cho lực lượng công an trên địa bàn”, Phó Thủ tướng cho biết.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, thông điệp 5K phổ biến ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng chỉ có 5K là chưa đủ, để chuyển trạng thái phòng, chống dịch sang dự phòng tích cực, chủ động, chúng ta phải có một biện pháp căn bản, đó là vắc xin.


Nhân viên Khu công nghệ cao TP.HCM khám sàng lọc trước khi tiêm

“Tiêm vắc xin vẫn có nguy cơ nhiễm, nhưng nếu tiêm vắc xin thì sẽ nhiễm nhẹ hoặc không có triệu chứng và quan trọng là không bị nặng. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan, vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K, phải luôn ghi nhớ vắc xin + 5K. Chúng ta sẽ cùng nhau phát huy tinh thần chống dịch như chống giặc, quyết tâm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Tại lễ khởi động, ông Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của TP.HCM với tốc độ triển khai thần tốc trong 7 ngày, trước khi TP đánh giá lại tình hình dịch bệnh để có những quyết sách quan trọng tiếp theo.

TP.HCM sẽ tổ chức các điểm tiêm trong cộng đồng với số lượng 650 điểm tiêm/ngày, bao gồm điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế và các điểm tiêm lưu động. Để đảm bảo việc giãn cách trong quá trình tiêm chủng thì mỗi điểm tiêm chỉ thực hiện cho 200 người/ngày. Nếu thực hiện đúng tiến độ trong một ngày sẽ có 200.000 người được tiêm chủng và sẽ hoàn thành trước ngày 27-6-2021.

Theo đó, ngành y tế sẽ huy động tổng lực lượng của các cơ sở đã được công bố đủ điều kiện tiêm chủng hoặc công bố đủ điều kiện tiêm vắc xin phòng Covid-19 tham gia chiến dịch tiêm chủng. Các địa phương chịu trách nhiệm lựa chọn các địa điểm tổ chức tiêm chủng đảm bảo điều kiện đối với điểm tiêm chủng lưu động theo quy định.

350 bác sĩ, nhân viên y tế của VNVC tham gia chiến dịch tiêm chủng

Sáng cùng ngày (19-6), tại Sân vận động Quân khu 7 đã diễn ra Lễ xuất quân tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 thần tốc của TP.HCM của Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC (gọi tắt là VNVC - PV).

Trong số 13 đơn vị được lựa chọn tham gia chiến dịch tiêm chủng lần này, VNVC được Sở Y tế TP.HCM lựa chọn 100 đội trong tổng số 1.032 đội tiêm chủng. Và có 350 nhân viên y tế gồm 100 bác sĩ, 200 điều dưỡng và 50 nhân viên hỗ trợ của 10 trung tâm tiêm chủng VNVC trên địa bàn TP sẽ tham gia chiến dịch.

Nhằm đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo quy định, 13 giờ cùng ngày, toàn bộ lực lượng của VNVC tại TP.HCM sẽ tham gia buổi tập huấn công tác tiêm chủng trực tuyến do Sở Y tế TP.HCM tổ chức. Sau khi tập huấn, lực lượng nhân viên y tế VNVC sẽ tham gia vào đợt tổng tiêm chủng cho hàng triệu người dân của TP, dự kiến sẽ triển khai tiêm trong vòng 5 ngày từ thứ hai đến thứ sáu (21 đến 25-6-2021).

Theo VNVC, tất cả các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên tham gia tiêm chủng đều đáp ứng chỉ hành nghề, chứng chỉ an toàn tiêm chủng và đã được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. Đặc biệt đội ngũ được đào tạo thành thục quy trình an toàn tiêm chủng và trực tiếp tiến hành tiêm chủng vắc xin cho hàng triệu khách hàng tại các Trung tâm VNVC. Và phần lớn trong số này đã tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19 đợt 1 ngày 8-3-2021 tại TP.HCM nên rất có kinh nghiệm trong việc tiêm chủng vắc xin Covid-19.

Ông Hưng cho rằng, dù triển khai quyết liệt và thần tốc nhưng mục tiêu đặt lên hàng đầu là phải đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Do đó đối tượng được tiêm phải thực hiện sàng lọc đối tượng đầy đủ trước khi tiêm theo hướng dẫn. Khi tiêm chủng phải tổ chức giám sát, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng đúng quy định, không để xảy ra những sự cố đáng tiếc sau tiêm chủng.

Ngoài ra, trong chiều 19-6, hơn 5.000 nhân viên y tế thuộc 1.032 đội tiêm từ 547 đơn vị gồm bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám tư... sẽ tham gia tập huấn trực tuyến chuẩn bị cho chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 tại TP.HCM. Mỗi đội tiêm gồm ít nhất 5 nhân sự có trình độ chuyên môn, gồm một bác sĩ khám sàng lọc, hai nhân sự tiêm vắc xin, một bác sĩ và một điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm.

Nguyễn Trinh