Thứ tư, 16/6/2021, 15h11

TPHCM kiến nghị Chính phủ 6 giải pháp cứu ngành du lịch

Sở Du lịch TPHCM vừa có đề xuất với Chính phủ và UBND nhiều giải pháp cần thực hiện ngay để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn do COVID-19.

Theo Sở Du lịch TPHCM, dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) du lịch nhưng với những vướng mắc hiện nay, các DN rất khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ. Chẳng hạn như về bảo hiểm xã hội, tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp của ngân hàng rất khó khăn...  Bản chất hoạt động của những DN dịch vụ này là thu hộ, chi hộ, thường không có tài sản thế chấp và không chứng minh được phương án kinh doanh khả thi nên các DN lữ hành thường được các ngân hàng xếp vào nhóm đối tượng nguy cơ rủi ro cao…

Sở Du lịch TPHCM  kiến nghị Trung ương, 6 nhóm nội dung cần thực xem xét thực hiện mới có thể hỗ trợ được DN. Cụ thể, Bộ Tài chính cần xem xét giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5% trong năm 2021 để giúp giảm giá thành sản phẩm và các gói dịch vụ du lịch, kích cầu du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về nhu cầu vốn lưu động,

Xem xét kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch trong năm 2021. Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, đề xuất Chính phủ cho phép DN lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ... trong thời hạn 2 năm để giúp tạo dòng tiền vào cho DN duy trì hoạt động và có nguồn tiền làm vốn lưu động.

DN chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được đề xuất thêm nhiều hỗ trợ, ưu tiên để khắc phục khó khăn. Ảnh: Quốc Thái
DN chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được đề xuất thêm nhiều hỗ trợ, ưu tiên để khắc phục khó khăn. Ảnh: Quốc Thái
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xem xét cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các DN và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 mà không tính lãi phạt chậm nộp; đồng thời xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ bằng 60% lên đến 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện…

Sở Du lịch cũng kiến nghị Thành phố xem xét trình Hội đồng nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách Thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh TPHCM thực hiện hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp (không cần tài sản thế chấp) với lãi suất vay 0% cho DN du lịch (không phân biệt doanh nghiệp du lịch lớn, nhỏ) gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để trả lương cho người lao động. 

Hiện Thành phố hiện có 5.002 DN du lịch đang hoạt động với khoảng 31.500 lao động. Với gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động, nếu tính bình quân 4,42 triệu đồng/lao động (tính theo lương tối thiểu vùng 1), tổng số tiền dự kiến hỗ trợ trong 3 tháng khoảng hơn 208 tỷ đồng.

Sở cũng kiến nghị cần có cơ chế, chính sách đào tạo với đối tượng cụ thể tham gia trong các cơ quan, tổ chức... du lịch của thành phố; ưu tiên tiêm vắc xin phòng dịch COVID-19 cho lực lượng lao động trong ngành du lịch. Thúc đẩy nâng tỷ lệ tiêm phòng cho nhân dân trên địa bàn Thành phố để sớm mở cửa ngành du lịch.

Trong báo cáo mới nhất trình UBND TPHCM của Sở Du lịch TPHCM, hiện thành phố có 10/50 DN (lữ hành, cơ sở lưu trú) được hỗ trợ giảm lãi suất cho vay; 10 DN đang được xem xét cơ cấu lại nợ gốc, ân hạn nợ gốc, hoãn thanh toán lãi, giảm lãi và tái cấp hạn mức (chờ doanh nghiệp bổ sung phương án trả nợ).

Đồng thời, có 1.250 trong số gần 5.000 cơ sở lưu trú du lịch được hỗ trợ giảm giá bán điện đợt 1 và đợt 2; 72 công ty lữ hành và 1.635 hướng dẫn viên được hưởng chính sách giảm phí, lệ phí....

Ngoài ra, có 75 DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch với 1.832 người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; có 199 lao động tự do trong lĩnh vực du lịch được hỗ trợ.

Theo Quốc Thái/PNO