Thứ bảy, 16/10/2021, 11h43

TP.HCM lấy ý kiến chuyên gia cho phục hồi và phát triển kinh tế

Sáng 16-10, UBND TP.HCM tổ chức trực tuyến Hội thảo khoa học “chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2022-2025”. 

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TTBC)
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, cho biết TP chưa bao giờ gặp khó khăn như hiện nay. Kinh tế - xã hội chịu sự tác động rất nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mặc dù dịch bệnh đã cơ bản kiểm soát nhưng vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi TP phải nỗ lực nhiều hơn để kiểm soát hoàn toàn. Vừa phòng chống dịch, vừa phải tính toán lộ trình, kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội là việc rất khó đối với TP nhưng rất quan trọng.
Ông cho rằng, chúng ta cần đánh giá, nhận diện xu hướng diễn biến, tác động tích cực, tiêu cực của dịch Covid-19 đối với kinh tế thế giới, cả nước, đặc biệt  là TP.HCM, qua đó đó xây dựng kế hoạch sát hơn. Tính toán làm sao để giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của TP đối với kinh tế cả nước và giữ vững vị trí của TP trong mối tương quan với các nước trong khu vực và thế giới. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI đã xác định mục tiêu, chỉ tiêu, đề án thành phần công phu để giữ vững vị thế TP. Trước tác động của đại dịch đòi hỏi chúng ta phải làm thế nào để vẫn có thể tiếp tục thực hiện mục tiêu và phấn đấu cao nhất để đạt mục tiêu này. 
“Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận có chất lượng về y tế, kinh tế, xã hội, nhà ở từ các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các trường đại học gửi về. Đây là nguồn tài liệu quý giá, bước đầu để TP làm dữ liệu đưa vào chương trình phục hồi và phát triển TP”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, muốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP, trước mắt phải xác định sống chung an toàn với Covid-19. Muốn sống chung an toàn phải đạt miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm vắc xin. Một số chuyên gia khác nhấn mạnh TP phải triển khai ngay các chính sách phục hồi kinh tế, trong đó có ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. 
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Luật - Đại học Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận tình trạng hiện nay nếu kéo dài sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế. Tổn thất do đại dịch xảy ra ở khu vực cá nhân, doanh nghiệp, nhà nước. Trong đó, cá nhân mất việc làm, không có thu nhập. Từ tháng 5, lao động có đóng bảo hiểm xã hội nghỉ không lương tiếp tục gia tăng. Lũy kế đến cuối tháng 9 có hơn 1 triệu lao động nghỉ không lương, chiếm hơn 41% lao động đóng bảo hiểm xã hội. Thực trạng này ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phục hồi kinh tế vì người lao động là người trực tiếp lao động sản xuất, làm ra sản phẩm.
Tương tự, doanh nghiệp kiệt quệ tài chính. Giãn cách khiến doanh nghiệp giảm công suất hoạt động, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, nguyên liệu thiếu hụt, tăng chi phí sản xuất để tuân thủ 5K… Các tổn thất đẩy doanh nghiệp vào tình trạng thiếu hụt dòng tiền, suy giảm khả năng trả lãi vay và nợ vay đúng hạn, tiềm tàng nguy cơ mất thanh khoản. 
Trên cơ sở đánh giá các tổn thất về kinh tế, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, các chính sách hỗ trợ chậm ban hành sẽ gây tổn thất không kém dịch Covid-19, trong khi phát triển kinh tế phải dựa trên tình hình mới. Nếu quan tâm vượt qua thách thức với hệ thống chính sách riêng thì tốc độ phục hồi sẽ nhanh và ổn định. 
“Hiện nay chưa có chính sách tổng thể hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp và doanh nghiệp chưa nhận được thụ hưởng. Trong thiết kế dự thảo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội TP ít có chính sách hỗ trợ; doanh nghiệp đang thiếu dòng tiền vào nhưng dự thảo chủ yếu ngăn dòng tiền ra”, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh nói.

Các đại biểu tham dự hội thảo (Ảnh: TTBC)
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch - Thành viên Tổ tư vấn Chính phủ cũng cho rằng, TP là nơi chịu tác động tiêu cực lớn nhất của đại dịch và có thời gian chịu biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, lâu nhất nên chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp phải cao hơn mức chung cả nước; đặc biệt về thời gian và đối tượng được giảm, miễn thuế, khoanh nợ, giãn nợ tín dụng, giảm lãi xuất vay… “Đây là nội dung TP cần nghiên cứu để xin Chính phủ”.
Theo TS. Trần Du Lịch, hỗ trợ tài chính tín dụng cho doanh nghiệp và gói hỗ trợ an sinh xã hội là nhóm giải pháp cần đến ngân sách. Đối với các chính sách vĩ mô do Chính phủ ban hành theo tinh thần Nghị quyết số 30 của Quốc hội, TP cần phối hợp với các cơ quan hữu quan như Ngân hàng Nhà nước, Cục thuế… để triển khai nhanh nhất đến đúng đối tượng.
Dựa theo nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học, thì tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2021 ở tất cả các ngành trên địa bàn TP.HCM đạt 5,46%, tăng gấp 3 lần so với 6 tháng đầu năm 2020. GRDP 6 tháng đầu năm đạt 680.328 tỷ đồng, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhưng làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đã nhanh chóng gây nên sự sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, sốc tiêu cực xảy ra ở cả tổng cung lẫn tổng cầu. 
Tháng 7-2021, xảy ra tổn thương nghiêm trọng nhất ở ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ, chiếm lần lượt khoảng 25% và 62% GRDP của TP.HCM. Từ tháng 8-2021, doanh số thương mại dịch vụ chỉ còn 35.500 tỷ đồng, chưa bằng 30% doanh thu hàng tháng trong điều kiện bình thường. Ngành công nghiệp giảm sâu 22,4% so với tháng 7, nghiêm trọng nhất là sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính, dệt, sản xuất da. Tương tự xuất nhập khẩu giảm mạnh. 
Tín hiệu tích cực xuất hiện trong tháng 9-2021 khi mức độ suy giảm đã chậm lại ở tất cả các ngành, không còn ngành nào giảm sâu dưới 6% so với tháng 8. Tuy nhiên, về tổng thể, quy mô nền kinh tế đang vận hành ở tháng 9 chưa đạt 50% so với trạng thái bình thường ở thời điểm cùng kỳ 2020.
N.Trinh