Thứ hai, 7/6/2021, 10h50

TPHCM: Người tiêm vắc xin COVID-19 phải theo dõi bảy ngày

 Trong đợt tiêm vắc xin ngừa COVID-19 lần này, TPHCM đã lên các phương án giám sát, xử trí các sự cố sau tiêm.

Theo giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, trong đợt 3 tiêm ngừa COVID-19, TPHCM được nhận 71.800 liều vắc xin. Tuy nhiên, do quy cách đóng gói của nhà sản xuất, số liều vắc xin thực tế có thể nhiều hơn khoảng 10%, sẽ được dùng cho tổ COVID-19 cộng đồng. 

Người tiêm vắc xin COVID-19 phải theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm
Người tiêm vắc xin COVID-19 phải theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm

TPHCM tổ chức tiêm mũi một từ ngày 3/6 đến 10/6. Tổ chức tiêm mũi hai từ ngày 10/6 đến 10/7 (toàn bộ người đã được tiêm mũi một trong các đợt trước (nếu đủ điều kiện), bảo đảm đúng khoảng cách sau tám tuần kể từ khi tiêm mũi một). Hoàn thành tiêm vét trước ngày 15/8 theo yêu cầu của Bộ Y tế. 

Ngoài việc tiếp tục thực hiện theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm, nhân viên các điểm tiêm chủng phải hướng dẫn gia đình hoặc người tiêm chủng tiếp tục theo dõi ít nhất bảy ngày sau tiêm, cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm liên hệ khi cần.

Các đơn vị có người được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 phải phân công nhân sự phụ trách việc giám sát sự cố bất lợi sau tiêm, hướng dẫn người được tiêm chủng tự theo dõi sức khỏe trong bảy ngày sau tiêm và thông báo hằng ngày cho đơn vị về tình trạng sức khỏe bản thân; báo cáo hằng ngày về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, Sở Y tế khi có tai biến nặng; tổng hợp báo cáo kết quả giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố.

Các điểm tiêm tại trung tâm y tế, trạm y tế phải có phương án phối hợp bệnh viện gần nhất để đảm bảo xử trí cấp cứu cho các trường hợp sự cố sau tiêm trong buổi tiêm chủng. Tất cả các điểm tiêm chủng yêu cầu phải có đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu. Những nơi này phải thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19 để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời. 

Các trường hợp được tiêm đợt 3: 
- Nhóm người làm việc tại cơ sở y tế: tiếp tục tiêm vắc xin cho các cơ sở y tế công lập, ngoài công lập.

- Nhóm người làm việc trực tiếp tham gia tổ chức cách ly: tiếp tục tiêm vắc xin cho nhân viên, người làm việc tại khách sạn trực tiếp tham gia tổ chức cách ly; nhân viên, người làm việc tại các khu cách ly mới triển khai của thành phố.

- Nhóm sinh viên của các trường y tình nguyện hỗ trợ ngành y tế.

- Nhóm người cung cấp dịch vụ thiết yếu: ưu tiên tiêm vắc xin cho nhóm nhân viên làm việc tại sân bay (người trực tiếp tiếp xúc với tổ bay, hành khách, hàng hóa, máy bay quốc tế, nhân viên phục vụ, làm việc trong các cửa hàng tại nhà ga); nhóm người làm việc tại cảng biển (người trực tiếp tiếp xúc với thuyền viên, hàng hóa, tàu thuyền.

- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp (thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn).
- Nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền đang điều trị nội trú trên 65 tuổi (bệnh thận mạn tính, đái tháo đường...).

Theo Hiếu Nguyễn/PNO