Thứ năm, 15/4/2021, 12h32

TP.HCM phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã nhấn mạnh điều này tại buổi gặp gỡ các cơ quan đại diện nước ngoài tại TP.HCM, do UBND TP.HCM tổ chức chiều 14-4.


Các lãnh đạo TP.HCM trao đổi với các cơ quan đại diện nước ngoài tại TP.HCM

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, lãnh đạo TP các thời kỳ đều khẳng định sự phát triển TP luôn có sự đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng quốc tế.

Nói về quan điểm phát triển TP.HCM, người đứng đầu Thành ủy nhấn mạnh, phát triển kinh tế TP sẽ luôn gắn với môi trường, dứt khoát không đánh đổi môi trường. TP.HCM luôn là TP vì cả nước, luôn khát vọng là đầu tàu kinh tế của cả nước với những đề án riêng đã có.

TP buộc phải đưa ra yêu cầu mục tiêu, nhiệm vụ tương đối cao đi cùng là kích hoạt người dân thực hiện khát vọng đưa đất nước đi lên hùng mạnh qua các cuộc thi đua toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. TP tin thế hệ trẻ hôm nay có thể làm được. TP.HCM cũng tin rằng với sự ủng hộ, đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ của bạn bè quốc quốc tế, TP sẽ hoàn thành sứ mệnh, trọng trách và mong muốn.

Tại buổi gặp gỡ, các cơ quan đại diện nước ngoài tại TP.HCM đã đặt ra nhiều vấn đề quan tâm đến lãnh đạo TP.HCM trên các lĩnh vực môi trường, khoa học công nghệ, du lịch, các đề án phát triển TP,… cũng như yêu cầu TP thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Theo UBND TP.HCM, đối ngoại được xem là một trụ cột quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, với phương châm “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam.

Có hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đến đầu tư tại TP.HCM. Năm 2020, TP đã đưa ra nhiều sáng kiến mới để thúc đẩy quan hệ với các đối tác nước ngoài, từ đó định hướng và tạo cơ chế đưa các hoạt động hợp tác quốc tế đi vào chiều sâu, như Đề án thúc đẩy quan hệ với các địa phương trọng điểm phục vụ mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của TP.HCM giai đoạn 2020-2025, Tổ công tác Đối ngoại và Hợp tác quốc tế TP.HCM... TP cũng đang nghiên cứu xây dựng Đề án đưa TP.HCM trở thành TP quốc tế với mong muốn xây dựng một “thương hiệu riêng” của TP.HCM với nội hàm là một TP đáng sống, phát triển năng động, thân thiện, an toàn với người dân và cộng đồng quốc tế. 

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, chia sẻ, TP chủ động duy trì quan hệ hợp tác với các nước, các địa phương nước ngoài thông qua việc tổ chức thường xuyên và định kỳ các buổi làm việc, buổi họp trực tuyến, đối thoại với các đối tác. Năm 2021, TP sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp xúc trực tuyến với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống dịch, trao đổi về các định hướng hợp tác quốc tế hậu Covid-19, từ đó thúc đẩy và đưa các hoạt động hợp tác quốc tế của TP đi vào chiều sâu, thiết thực.

TP.HCM xác định chủ đề năm 2021 là: “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư” với mục tiêu tổng quát là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid- 19 và triển khai có hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh.

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, cho rằng chính quyền TP.HCM đã đề ra các kế hoạch và đề án để phát triển toàn diện, nổi bật là: xây dựng Đô thị thông minh, xây dựng Trung tâm Tài chính và phát triển TP.Thủ Đức. Những đề án này hướng đến việc cải thiện khả năng làm việc, chất lượng sống và mức độ bền vững của TP. Ông tin các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tìm thấy tại đây nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư lớn.

Theo đó, Đề án Đô thị Thông minh, TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung tâm của đô thị. Đề án xây dựng Trung tâm tài chính cho phép TP bắt nhịp với các xu hướng trong thời đại toàn cầu hóa toàn diện về đầu tư, thương mại, tài chính và công nghệ. Bên cạnh việc tận dụng nguồn lực nội tại, TP mong muốn tìm kiếm thêm các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài trong công tác đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ tài chính; tư vấn về khung pháp lý, quy định đối với sự phát triển của Trung tâm Tài chính; phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tài chính tại Khu Đô thị Thủ Thiêm; cũng như hỗ trợ kết nối TP với các trung tâm tài chính thế giới…

Ngoài ra, TP đặc biệt quan tâm phát triển TP.Thủ Đức - Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao khu vực phía Đông. Hiện nay năng suất lao động của khu công nghệ cao tại TP này gấp 16,6 lần cả nước và 6,6 lần của TP.HCM và sau 5-10 năm, TP.Thủ Đức có thể đóng góp 30% vào kinh tế TP, tương đương 6,6% GDP của Việt Nam. TP đang nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.Thủ Đức, với kỳ vọng sẽ xây dựng TP.Thủ Đức trở thành khu đô thị thương mại công nghệ cao, tương tự Thung lũng Sillicon của Mỹ.

“Chúng tôi hiểu rằng vẫn còn khoảng cách giữa khả năng hiện tại của TP và các mục tiêu phát triển của mình. Vì vậy, bên cạnh những nỗ lực và nguồn lực nội tại, TP mong muốn bạn bè và đối tác quốc tế cùng chung tay và đồng hành cùng TP để hoàn thành các mục tiêu đề ra”, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.

Nguyễn Trinh