Thứ sáu, 17/9/2021, 17h52

TP.HCM “phủ sóng” chương trình Máy tính học đường

“Máy tính học đường” hướng tới mục tiêu hỗ trợ mỗi học sinh, giáo viên tại TP.HCM 1 máy tính kèm theo bộ học liệu, phần mềm bản quyền, ứng dụng học tập, bài giảng E- Learning, đường truyền internet tốc độ cao, được thiết kế dành riêng cho học sinh thành phố, phù hợp với tình hình dạy và học của thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19.


Học sinh thành phố có cơ hội được tiếp cận với “Máy tính học đường”, phục vụ học trực tuyến

Với “Máy tính học đường”, ngân hàng sẽ hỗ trợ cho vay trả góp lãi suất thấp trong thời gian từ 12-24 tháng. Trong đó, UBND TP.HCM sẽ hỗ trợ trả tiền lãi, phụ huynh, học sinh chỉ phải trả chi phí gốc.

Sáng 17-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội thảo trực tuyến công bố Chương trình “Máy tính học đường”. Chương trình do Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện, với sự đồng hành của Trung tâm STEAMZONE, Trung tâm Phần mềm Quang Trung, Tập đoàn VNPT, Intel, Microsolf, Saigonbank.

Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết,

“Máy tính học đường” là một trong 3 nội dung được Sở GD-ĐT TP xin chủ trương của UBND TP, trong nỗ lực chăm lo, hỗ trợ cho học sinh khó khăn trên địa bàn thành phố có điều kiện học tập trên internet, đảm bảo tất cả học sinh thành phố đều có cơ hội học tập bình đẳng như nhau, đặc biệt là trong điều kiện dịch COVID-19.

Chương trình cung cấp những thiết bị máy tính bảng, laptop được tích hợp sẵn phần mềm, đường truyền internet, học liệu số và được thiết kế dành riêng cho học sinh thành phố, phù hợp với tình hình dạy và học của thành phố trong bối cảnh dịch COVID-19.

Đối tượng mà chương trình hướng tới là giáo viên, học sinh toàn thành phố. Khi phụ huynh học sinh, giáo viên có nhu cầu, ngân hàng sẽ hỗ trợ cho vay trả góp từ 12-24 tháng với lãi suất thấp trong đó UBND TP sẽ hỗ trợ trả phần lãi suất vay ngân hàng, phụ huynh học sinh chỉ trả gốc.

TP.HCM là một trong những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19. Năm học 2021-2022, giáo dục thành phố đứng trước nhiều thách thức khi phải dạy và học bằng hình thức trực tuyến, xác định hết HKI. Học sinh thành phố bước vào năm học mới nhiều khó khăn, thiệt thòi.

Thống kê ban đầu, toàn thành phố có hơn 75 ngàn học sinh không có điều kiện về trang thiết bị, đường truyền học trực tuyến. Sau một thời gian hỗ trợ, chung tay từ phía nhà trường, mạnh thường quân, hiện nay số học sinh khó khăn khi tiếp cận học trực tuyến còn khoảng hơn 40 ngàn em trên toàn thành phố.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, dù đã kéo giảm được hơn 35 ngàn em song thực tế vẫn còn một bộ phận rất lớn học sinh khó khăn, không có điều kiện về thiết bị, đường truyền để tiếp cận với học trực tuyến trong năm học mới.

Không chỉ hỗ trợ về trang thiết bị học tập trực tuyến, trong hội thảo, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP đề nghị lãnh đạo các phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường triển khai tinh thần đến các giáo viên, nắm ngay tình hình học sinh mồ côi cha mẹ, mồ côi cả cha lẫn mẹ do dịch COVID-19, học sinh khó khăn không có đủ điều kiện tiếp tục học tập. Thống kê trước mắt khoảng 30% học sinh khó khăn nhất của trường, ghi rõ hoàn cảnh gia đình để các nhà hảo tâm hỗ trợ kịp thời, “mong muốn của Sở là các học sinh khó khăn nhất sẽ được hỗ trợ đầu tiên”.

“Làm sao, tất cả học sinh đều nhận được sự quan tâm của xã hội, tránh sự bỏ sót, trùng lắp. Bên cạnh chuyên môn thì việc chăm sóc cho các em lúc này còn quan trọng hơn nhiều. Các em có cái ăn, cái mặc, có chỗ ở, có người quan tâm săn sóc về tinh thần thì mới có đủ điều kiện về tâm lý, sức khoẻ, các điều kiện để học tập”, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.


Chương trình “Máy tính học đường” được công bố sáng 17-9

Thông tin thêm, ông Hà Duy Bình, Giám đốc Trung tâm STEAMZONE cho biết, “Máy tính học đường” được thiết kế theo tiêu chuẩn dành riêng cho giáo dục, hạn chế va đập, bụi, rơi, nước..., được cài đặt thêm chức năng chống trộm, các phầm mềm học tập, thí nghiệm, khoa học, chương trình tiếng Anh...

Mục tiêu chương trình hướng tới trang bị mỗi học sinh, giáo viên thành phố 1 máy tính tiếp cận học trực tuyến với mức giá hợp lý, để không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong dịch COVID-19. Song song đó, chương trình nhằm nâng cao năng lực CNTT, chuyển đổi số giáo dục, thúc đẩy trường học internet, đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, phát triển giáo dục STEM, thư viện số, xây dựng trường học thông minh, lớp học thông minh...

Dự kiến, trong tháng 9 này, “Máy tính học đường” sẽ cung cấp đến phụ huynh học sinh khoảng 8.000 máy. Tổng số máy sẽ được nhập và cung cấp lên đến khoảng 44.000 máy.

Yến Hoa