Thứ tư, 9/9/2020, 09h58

Trào lưu nghe nhạc analog

Sau đĩa than, những năm gần đây, người chơi âm thanh analog còn chuộng cả băng cối, cassette, trong khi các ca sĩ cũng đang đầu tư trở lại vào lĩnh vực này.
Đĩa than Tâm 9 bán hết đợt phát hành đầu tiên 2.000 bản và vẫn đang bán chạy trên thị trường
Đĩa than Tâm 9 bán hết đợt phát hành đầu tiên 2.000 bản và vẫn đang bán chạy trên thị trường
Không nhất thiết phải nhiều tiền
“Gần đây, số lượng người chơi đĩa than đã tăng lên nhiều, người ta còn chơi cả băng cối nữa. Đĩa than thành một dạng chơi phổ thông hơn, còn băng cối vẫn còn ít vì việc chơi phức tạp hơn chút. Người chơi thích đĩa than vì âm thanh mộc, còn băng cối không gian âm nhạc rộng hơn, tiếng dày hơn. Tôi nghĩ số lượng người chơi đĩa than và băng cối sẽ còn tiếp tục nhiều hơn”, ông Nguyễn Mạnh Thắng, một audiophile (người chơi âm thanh) lâu năm và có tiếng tại Hà Nội, nhận định.
Theo ông Thắng, những người trở lại với hình thức nghe nhạc analog (nhạc ghi trên đĩa than, băng từ) có thể tạm chia thành 2 hướng chơi chính. “Một là những người đã có tuổi muốn nghe lại những bản nhạc in thu trước năm 1975, họ thường mua lại các đầu máy nghe từ thời kỳ đó để nghe lại. Hai là những người trẻ hơn, họ thường mua máy móc hiện đại hơn và nghe nhạc mới”, ông Thắng nói.
Lướt qua các chợ bán đĩa than, băng cối trên mạng, có thể thấy thị trường này khá phong phú và đa dạng, từ nhạc trong nước đến nước ngoài với nhiều thời kỳ được bán với giá từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. “Chỉ cần vài triệu là có thể mua được đầu máy nghe đĩa than, hoặc băng cối. Không phải nhiều tiền mới chơi được nhạc analog”, ông Thắng nhìn nhận.
Trào lưu nghe nhạc analog1
Đĩa than Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm tái bản vẫn “cháy” hàng. ẢNH: NHÀ SẢN XUẤT CUNG CẤP
Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc Audio Space (một công ty sản xuất và phát hành băng đĩa nhạc có tiếng tại Việt Nam), ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam cũng không ngoại lệ khi hòa vào xu hướng trên thế giới - trở về với nguồn âm analog của những thời kỳ đầu, khi loài người phát minh ra các hình thức lưu trữ âm thanh và âm nhạc. Ông cho biết ở Việt Nam người yêu nhạc đã biết đến và sử dụng những bản ghi âm analog từ thời Pháp thuộc dưới dạng đĩa đá, rồi đĩa nhựa loại nhỏ (thường gọi là đĩa 45 vòng/phút), các bản ghi âm thương mại dưới dạng băng cối cũng đã xuất hiện và trở nên thông dụng từ những năm 1960 - 1975 và sau đó là băng cassette đã trở nên rất phổ biến cho tới khoảng năm 2000 mới bắt đầu suy giảm.
Nhiều lựa chọn cho người yêu nhạc
Nói đến thú chơi âm thanh thời gian gần đây, ông Thiện cho rằng cần phải nhắc lại vài cột mốc nhỏ nhưng đáng lưu ý vì đây là những điểm đánh dấu sự trở lại của 3 định dạng âm thanh analog ở Việt Nam sau năm 2000: đĩa than (LP) Tóc ngắn Acoustic - Một ngày, do ca sĩ Mỹ Linh sản xuất và phát hành cuối năm 2011; băng cassette Tiếng hát Hà Vân 2, Audio Space sản xuất và phát hành năm 2017; băng cối của ca sĩ Tuấn Anh - Hương tình cũ, Audio Space sản xuất và phát hành 2019. Bên cạnh đó, có rất nhiều chương trình dưới dạng đĩa than, băng từ đã và đang xuất hiện giúp thị trường trở nên phong phú, giúp người yêu nhạc analog có nhiều lựa chọn hơn.
Trào lưu nghe nhạc analog2
Băng cối Hương tình cũ của ca sĩ Tuấn Anh
Xuất phát từ nhu cầu của người nghe, thông thường để một chương trình âm nhạc tiếp cận tốt tới mọi phân khúc khách hàng thì nhà sản xuất sẽ cố gắng đưa ra đầy đủ định dạng: LP, băng cối, băng cassette, CD và nhạc online. Tuy nhiên, ông Thiện nhìn nhận, các định dạng analog vẫn được ưu tiên hơn về thời điểm và thứ tự phát hành.
Theo ông Lâm “Thời Đại” - người sáng lập Hãng đĩa Thời Đại (đơn vị mới trong lĩnh vực sản xuất, phát hành, phân phối băng đĩa nhạc), thị trường băng đĩa ở mỗi giai đoạn đều có những khó khăn khác nhau, giai đoạn "vàng" những năm 2000 thì đối diện với nạn băng đĩa lậu, giai đoạn này thì vấn đề nhạc số và tư duy chạy theo hit bề nổi đến từ quan điểm những người làm nghề. Ông nhận xét: “Có những ca sĩ đi hát gần như chục năm nhưng khi nhìn lại “gia tài âm nhạc” chẳng có gì trừ vài cái file nhạc số, như thế thật đáng buồn. Album analog như đĩa than hay băng cối vẫn sẽ là đích đến cho các nghệ sĩ, bởi bao nhiêu sáng tạo đều thể hiện ở đó. Một album phòng thu hoàn chỉnh, có thể với định dạng khác nhau, mới là điều khiến người ta tự hào chứ không phải những single nhạc số”.
“Thưởng thức âm nhạc trên đĩa than hay băng cối đều là những trải nghiệm âm nhạc thực sự. Để có được điều này, ngoài yêu cầu về đầu tư máy móc, thiết bị và nguồn âm thì cần phải có thời gian tĩnh lặng tối thiểu mới có thể cảm nhận được vẻ đẹp của âm nhạc đi cùng năm tháng, đi cùng những vòng quay của băng từ hay đĩa than”, ông Thiện nói và cho biết thêm: “Sở dĩ thị trường ngách này vẫn phát triển ổn định vì người chơi phát hiện rằng băng cối và đĩa than tiệm cận nhất với âm nhạc nguyên bản khi so sánh với các hình thức lưu trữ vật lý khác như CD hay nhạc số”.
Theo thông tin từ Audio Space, các nhóm sản phẩm băng từ chủ đạo (bao gồm băng cối, băng cassette) vẫn đạt mức tiêu thụ tốt thuộc về các album của ca sĩ: Tuấn Anh, Thúy Hà, Hà Vân và Hải Quỳnh. Bên cạnh đó, các LP của Gia Định Audio sản xuất: Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm, Ngàn thu áo tím, Một thời đã xa, Chuyện hẹn hò (Hương Lan và Thái Châu)... hay Thanh Hà - Tình vẫn còn xanh (vừa phát hành tháng 8 qua) cũng luôn là những tựa bán chạy nhất. Hãng đĩa Thời Đại cho biết, Tâm 9 của Mỹ Tâm (MT Entertainment phát hành), Lệ Quyên - Khúc tình xưa 1 (Viết Tân phát hành) hay Nguyên Hà - Điều vô lý thứ nhất, Hoàng Thùy Linh - Hoàng (Hãng đĩa Thời Đại)... là những chương trình được bán rất chạy trên thị trường đĩa than.
Cùng với việc tiếp tục sản xuất Tiếng hát Hà Vân 3 (dưới nhiều định dạng), hiện Audio Space đang in thử nghiệm với số lượng hạn chế của các ca sĩ khác như Phạm Thu Hà, Phương Anh và Xuân Hảo; hay sắp tới có 2 đĩa than của Lê Cát Trọng Lý (album đầu tay cùng tên) và Thanh Lam - Nơi gặp gỡ tình yêu tuy chưa phát hành nhưng số lượng đặt mua trước lên đến khoảng 300 bản mỗi chương trình.

Theo Nguyên Vân - Ngọc An/TNO