Thứ năm, 8/10/2020, 14h04

Trau dồi năng lực nghề nghiệp từ ghế trường THPT

“Các cơ hội sau tốt nghiệp THPT là rất lớn. Thế nhưng, chọn ngành học nào, bậc học nào lại tùy thuộc vào khả năng, tư duy, năng lực của từng người. Trước hết, các em cần xác định nghề mình mong muốn theo học, rồi đến ngành, bậc học, sau cùng mới chọn trường học”.


Các em học sinh Trường THPT Tam Phú đang trao đổi thông tin với chuyên gia tư vấn tại chương trình

Chia sẻ này được TS. Nguyễn Thanh Tùng (Viện trưởng Viện Quản trị Tri thức, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM) gửi gắm đến học sinh Trường THPT Tam Phú (Q.Thủ Đức) trong chương trình tư vấn hướng nghiệp “Cùng bạn chọn nghề cho tương lai” lần thứ 13 năm học 2020-2021 diễn ra mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, ĐHQG TP.HCM, Trung tâm Phát triển Giáo dục và Đào tạo phía Nam (Bộ GD-ĐT) tổ chức, với sự đồng hành của Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) và Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH).

Vun bồi phẩm chất để phát triển năng lực

Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, để có thể chọn được ngành nghề trong năng lực, khả năng của mình, điều quan trọng nhất là người học cần hiểu được chính mình. Đó là hiểu được mình có năng lực, sở trường gì, sở đoản gì; hiểu được mình thuộc loại tính cách nào bởi mỗi loại tính cách sẽ có thiên hướng ngành nghề khác nhau. “Trong xã hội có 2 xu hướng tính cách thường xuất hiện là xu hướng xã hội và xu hướng thiên về khoa học kỹ thuật. Trong đó, xu hướng xã hội là những người thích tương tác với con người. Những người thuộc xu hướng này thì nên hướng mình vào những công việc mang tính tương tác với con người. Trong khi đó, xu hướng thiên về khoa học kỹ thuật lại phù hợp với phân tích chi tiết, tính toán, năng lực tương tác khoa học. Xu hướng này thích hợp với các ngành nghề liên quan đến khoa học kỹ thuật công nghệ”, TS. Tùng phân tích. Theo TS. Tùng, ngành nghề khoa học xã hội hiện xã hội đang có nhu cầu rất lớn nhưng khi chọn lựa người học phải hết sức cẩn trọng, đừng vì chạy theo “vẻ bề ngoài” hay chọn ngành nghề vì quan điểm ngành hot, nghề hot, trường hot… “Muốn biết mình phù hợp năng lực nào, người học lại phải biết mình yêu thích cái gì. Song điều quan trọng là rèn được phẩm chất của nghề. Phải thường xuyên vun bồi phẩm chất của bản thân thông qua các hoạt động học tập, rèn luyện ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, qua cách ứng xử với bạn bè, thầy cô, gia đình, xã hội. Bằng cách này sẽ giúp các em từng bước hiểu hơn về năng lực của mình, thích ứng với đòi hỏi của doanh nghiệp, của xã hội…”, TS. Tùng nhấn mạnh.

Mỗi ngành nghề đều đòi hỏi tố chất riêng

Chia sẻ về các hướng đi sau tốt nghiệp THPT, ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG TP.HCM) cho hay, trong xu hướng hội nhập phát triển hiện nay, người học có rất nhiều lựa chọn sau tốt nghiệp THPT, trong đó học ĐH chỉ là một ngã rẽ. “Sau tốt nghiệp THPT, người học có thể chọn học sơ cấp nghề trong một thời gian ngắn khoảng vài tháng và tham gia thị trường lao động. Người học cũng có thể lựa chọn học TC nghề hay CĐ nghề - đây là những bậc học mà thị trường lao động Việt Nam đang rất cần. Trong khi đó, bậc ĐH lại có rất nhiều sự lựa chọn từ công lập, tư thục, quốc tế, chương trình đại trà, chương trình chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế với đa dạng các ngành đào tạo”, ThS. Nam cho biết. Dù có rất nhiều hướng đi, song ThS. Nam nhìn nhận, lựa chọn bất cứ hướng đi nào thì cũng đòi hỏi người học phải có chuyên môn sâu, có năng lực, sự sáng tạo để có thể thích ứng với tính cạnh tranh ngành nghề hiện nay. “Trong xu hướng hội nhập phát triển hiện nay, cơ hội của các em ở tất cả các ngành nghề đều rất lớn. Tính cạnh tranh ở đây không chỉ với lao động trong nước mà còn là cạnh tranh với lao động nước ngoài tham gia thị trường lao động tại Việt Nam, với lợi thế về ngoại ngữ. Để có thể cạnh tranh, thích ứng, người học phải thực sự nỗ lực, tạo ra sự khác biệt, tạo ra giá trị nghề nghiệp cho riêng mình”, ThS. Nam lưu ý. 

Giải đáp những thắc mắc của học sinh về các ngành nghề đào tạo hiện nay, ThS. Nam nhấn mạnh, mỗi ngành nghề sẽ có những yêu cầu, đòi hỏi riêng về tố chất, năng lực. Do vậy, khi xác định lựa chọn, người học nên tìm hiểu thật kỹ về ngành học qua nhiều kênh tham khảo. Ví dụ, như ngành báo chí truyền thông là ngành học đang rất hot hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích hợp với ngành học này. Bởi ngành này đòi hỏi người học rất nhiều tố chất như khả năng giao tiếp tốt, sự nhanh nhạy, khéo léo… Đặc biệt, ngành học này hàng năm tại nhiều trường có điểm chuẩn cao, vì vậy các em phải hết sức cân nhắc.

Trước băn khoăn của học sinh về ngành quan hệ công chúng, ThS. Võ Minh Tiến (đại diện UEF) thông tin, đây là ngành học cầu nối giữa doanh nghiệp với xã hội, đưa những thông điệp của doanh nghiệp đến gần hơn với người tiêu dùng, với xã hội… Cơ hội việc làm của ngành học này là cực kỳ rộng lớn, nhất là trước bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay. Song, ngành này đòi hỏi người học phải có khả năng quan sát, sự nhạy bén, thậm chí là đi trước một bước, thích hợp với những ai có thế mạnh về các môn xã hội, có ngoại ngữ là một thế mạnh.

Trong khi đó, giải đáp thắc mắc của học sinh về ngành quản trị kinh doanh, ThS. Lý Quốc Huy (Phó ban Tuyển sinh HUTECH) cho hay, ngành này sẽ trang bị cho người học các kiến thức về kinh tế vĩ mô, kinh tế vi mô cho đến việc lập kế hoạch, tính toán cơ cấu nhân sự của một doanh nghiệp… “Ngành quản trị kinh doanh là ngành học bao quát, khi ra trường người học có thể làm việc ở rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Hàng năm, cùng với khối ngành kinh tế, đây là ngành học có số lượng sinh viên theo học đông nhất. Tuy nhiên, ngành này thích hợp với những người có khả năng tư duy, nhạy bén, sự năng động, nhất là đòi hỏi khả năng ngoai ngữ tốt...”, ThS. Huy chia sẻ.

Bài, ảnh: Yến Hoa