Thứ tư, 22/9/2021, 09h22

Triển lãm trực tuyến - hướng đi tất yếu, hiệu quả

Triển lãm trực tuyến đang là xu hướng của thế giới bởi khả năng tiếp cận công chúng rộng rãi. Tại Việt Nam, để triển lãm trực tuyến phủ sóng toàn quốc, cần có một lộ trình ứng dụng hợp lý, có chuẩn mực và định hướng phù hợp

Hội Mỹ thuật TP HCM đã khai mạc triển lãm trực tuyến, chủ đề "Sắc màu bình yên" với sự góp mặt của 63 nghệ sĩ là các họa sĩ, nhà điêu khắc cùng 103 tác phẩm tranh, tượng đặc sắc. Rất đông người xem đã vào truy cập để xem triển lãm tại nhà từ 20-9 trong một không gian mỹ thuật được thiết kế sinh động.

Giải pháp tình thế

Trước đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã tổ chức thành công việc đưa khách tham quan online các bảo vật bằng công nghệ 3D. Đáng chú ý là từ không gian này, tinh thần yêu nước, say mê tìm hiểu văn hóa và di sản của thế hệ trẻ đã được lan tỏa.

Trong giãn cách xã hội khó tập trung đông người xem, một số bảo tàng đã chuyển từ hoạt động trực tiếp sang triển lãm trực tuyến. Ban đầu chỉ là giải pháp tình thế, chưa thực sự hấp dẫn người xem nhưng qua một vài chuyên đề đã cho thấy đây là xu hướng tất yếu.

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong triển lãm trực tuyến với nhiều nội dung phong phú như "Chùm tác phẩm nghệ thuật tạo hình đặc sắc về đề tài kháng chiến chống Mỹ"; "Mạch nối" nhân dịp kỷ niệm lần thứ 55 ngày thành lập bảo tàng (24-6-2021); "Con đường độc lập" nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam với triển lãm trực tuyến "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại"; Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội với trưng bày trực tuyến "Gió lành Đoan Dương", "Trung thu sum vầy"; Bảo tàng Hồ Chí Minh đang thực hiện trưng bày chuyên đề "Người đi tìm hình của nước" trên website và các trang mạng xã hội của bảo tàng, phục vụ nhu cầu tham quan tìm hiểu văn hóa, lịch sử của công chúng khi phải thực hiện giãn cách xã hội…

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Ý tại Hà Nội vừa giới thiệu hai triển lãm ảnh online "Italian Routes - Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu" và "Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới", giúp công chúng có cơ hội chiêm ngưỡng nét đặc trưng của thiên nhiên và phong cảnh tuyệt đẹp của Ý và Việt Nam ngay tại nhà.

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng vừa phát động chương trình triển lãm ảnh online với chủ đề "Những khoảnh khắc từ trái tim". Cùng với đó là triển lãm trực tuyến do các trung tâm nghệ thuật tổ chức như Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), Viện Goethe Hà Nội, các nhóm họa sĩ trên mạng Facebook...

Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã ra mắt tour trực tuyến 3D, được tích hợp trên website của bảo tàng (vnfam.vn) sau một thời gian thử nghiệm. Công chúng đã dễ dàng trải nghiệm không gian bảo tàng như thật, chiêm ngưỡng nhiều tác phẩm quý, lắng nghe thuyết minh sinh động... thông qua công nghệ 3D. Hơn 100 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu trong ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA cũng được liên kết với trưng bày trực tuyến 3D tour, được gắn biểu tượng nổi bật giúp du khách dễ dàng tiếp cận.

Để tham quan trực tuyến, người xem có thể click vào đường link https://3d.vnfam.vn/vi (bản tiếng Việt) hoặc https://3d.vnfam.vn/en (bản tiếng Anh) và thực hiện theo chỉ dẫn. Ảnh: vnfam.vn

Cần lộ trình chuẩn

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên sáng lập "Không gian sáng tạo Heritage Space", các triển lãm online muốn thoát khỏi giải pháp tình thế, phải kết nối cảm xúc của công chúng. GS-TS Trần Quang Hải (Pháp) nêu ý kiến: "Ở Pháp, công nghệ này đã đưa vào sử dụng rất lâu, họ có hệ thống và lộ trình phát triển rất cao. Hệ thống phần mềm tương tác giữa bảo tàng và công chúng, qua đó hệ thống hóa việc giáo dục phổ cập cho các cấp học sinh, để ngay từ cấp 1, cấp 2 đã khái quát và thao tác thành thạo với triển lãm trực tuyến. Ở ta, qua đại dịch, hãy biến xu hướng tất yếu này thành cơ hội, nghiên cứu và chuẩn hóa một lộ trình để triển lãm trực tuyến không còn là giải pháp tình thế mà là điều kiện để vừa quảng bá di sản, mỹ thuật, vừa nâng cao ý thức bảo vệ cội nguồn văn hóa".

Tour trực tuyến 3D của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là một mô hình sinh động về triển lãm trực tuyến đáng để các đơn vị học tập. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã xây dựng video với hình ảnh và câu chuyện sinh động, giới thiệu 2 bảo vật quốc gia: Tượng Phật bà Quan Âm và tác phẩm tranh sơn mài "Bình phong" của danh họa Nguyễn Gia Trí, giúp người xem tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp và cảm nhận giá trị lịch sử, nghệ thuật của những kiệt tác này.

Theo các nhà chuyên môn, để thực hiện được triển lãm online quy mô, hấp dẫn như vậy, đòi hỏi các nhà tổ chức phải đầu tư lớn về kỹ thuật và nội dung. Đó là hướng đi không thể khác nếu muốn triển lãm trực tuyến, quảng bá tác phẩm mỹ thuật mạnh mẽ trong thời đại số.

Ông Nguyễn Đức Tăng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, chia sẻ trưng bày ảo với hiệu ứng của công nghệ VR360 đã tạo cho các video giới thiệu về một số bảo vật quốc gia, có độ phân giải cao. Thông qua công nghệ này, bảo tàng đã làm rất tốt nhiệm vụ giới thiệu, quảng bá và tạo cảm hứng về giá trị văn hóa - nghệ thuật của sưu tập hiện vật đối với công chúng. 

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng hiện nay đa số triển lãm trực tuyến chỉ dừng ở việc đưa ảnh lên mạng, thậm chí là những bức ảnh có dung lượng không cao, mờ nhạt qua phần giới thiệu chưa tạo được sự tương tác với người xem, chưa có sự đồng bộ trong thiết kế sáng tạo để triển lãm trực tuyến đạt chất lượng cao. Triển lãm trực tuyến là xu hướng của thế giới, do vậy chúng ta cần sớm tìm cách thích nghi, có chuẩn mực và định hướng phù hợp.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO