Thứ bảy, 18/3/2023, 10h49

Triển vọng hồi phục thị trường chứng khoán

Nhà đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ chuyển biến tốt hơn trước xu hướng giảm lãi suất và tín hiệu tích cực về trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản...
Trong bối cảnh chứng khoán toàn cầu tuần qua chao đảo vì những khó khăn tài chính của các ngân hàng Mỹ, châu Âu, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được cho là đã chống chọi khá tốt. Các chuyên gia nhận định thị trường Việt Nam đang có những tín hiệu tích cực trong trung hạn khi lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và lãi suất huy động ở các NH thương mại đang giảm nhanh.
Động lực từ làn sóng hạ lãi suất
Ngày 17-3, ghi nhận của PV, lãi suất huy động tiếp tục giảm ở nhiều NH thương mại. NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) áp dụng biểu lãi suất huy động trực tuyến mới giảm khá mạnh về dưới 9%/năm. Mức lãi cao nhất tại NH này đang là 8,9%/năm khi khách gửi tiền online kỳ hạn 12 tháng.
NH TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đồng loạt giảm một loạt lãi suất huy động với mức giảm cao nhất lên tới 2,1 điểm % ở các kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất tiết kiệm tại quầy cho khoản tiền dưới 10 tỉ đồng và kỳ hạn từ 9 tháng trở lên giảm từ 8,7% còn 8,2%/năm; kỳ hạn từ 15-36 tháng giảm còn 7,1%/năm. Khi gửi tiết kiệm online, khách hàng được cộng thêm 0,1 điểm % lãi suất so với gửi tại quầy. Đây là lần điều chỉnh giảm mạnh lãi suất của VPBank kể từ cuối năm ngoái đến nay.
Triển vọng hồi phục thị trường chứng khoán - Ảnh 1.
Với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế, nhà đầu tư đã yên tâm hơn khi đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi đạt đỉnh vào cuối tháng 1-2023 và bắt đầu giảm từ giữa tháng 2 vừa qua. Hiện lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng của các NH thương mại cổ phần là 7,5% và 7,8%, giảm lần lượt 0,38 điểm % và 0,41 điểm % so với cuối tháng 1. Lãi suất của 4 NH thương mại nhà nước giảm 0,2 điểm %. Động thái giảm lãi suất huy động diễn ra mạnh mẽ hơn sau khi NHNN giảm lãi suất điều hành từ ngày 15-3.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc phân tích VNDirect, nhận định đây là lần đầu tiên NHNN điều chỉnh thực hiện giảm lãi suất điều hành trong 2 năm gần đây, cho thấy nỗ lực của Chính phủ trong việc ổn định mặt bằng của lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư công. Đây là tín hiệu tốt cho TTCK.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhận định động thái hạ lãi suất điều hành là giải pháp giúp các NH thương mại có thể hạ lãi suất huy động. Từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế. Với động thái này, nhà điều hành đang phát đi một tín hiệu rằng nền kinh tế tương đối ổn định, thị trường tài chính tiền tệ có chiều hướng tốt trong thời gian tới. Dự kiến đến cuối tháng 4, mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm 1,5 -2 điểm %.
Tín hiệu khả quan cho chứng khoán
Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh lãi suất giảm, TTCK sẽ được hưởng lợi. Trong quá khứ, những lần NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành thường đem lại tín hiệu tích cực cho TTCK. Bằng chứng là phiên giao dịch ngày 15-3 khi NHNN công bố giảm lãi suất điều hành, chỉ số VN-Index đã tăng mạnh 22 điểm tương đương 2,12%. Còn tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã hồi phục tới 3,6% sau một năm lao dốc trước đó.
Chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch nhận định thông tin giảm lãi suất sẽ lan tỏa tích cực tới chứng khoán, bởi khi lãi suất giảm sẽ kích hoạt tâm lý lạc quan của nhà đầu tư và thu hút dòng tiền chảy vào chứng khoán.
TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chỉ ra thêm một điểm sáng của TTCK, đó chính là "lực đỡ" của các nhà đầu tư nước ngoài. Lũy kế 2 tháng đầu năm, khối ngoại đã mua ròng khoảng 3.900 tỉ đồng (trên 160 triệu USD).
Đặc biệt, hơn 1 tuần trở lại đây, khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, nhà đầu tư nước ngoài vẫn không ngần ngại đổ tiền vào TTCK Việt Nam. Tính từ ngày 7-3 đến nay, riêng sàn HoSE, khối này đã mua ròng tới hơn 3.176 tỉ đồng.
Mới đây, Fubon FTSE Vietnam ETF đã được Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài chính Đài Loan - Trung Quốc thông qua đợt huy động vốn bổ sung lần thứ 5 với số vốn 5 tỉ TWD tương đương 160 triệu USD (khoảng 3.768 tỉ đồng). Quỹ này dự kiến rót thêm khoảng 4.000 tỉ đồng để mua cổ phiếu Việt Nam từ tuần tới. Fubon FTSE Vietnam ETF hiện là quỹ ETF lớn thứ 2 trên thị trường Việt Nam với tài sản tới 16.900 tỉ đồng.
Nhiều chuyên gia chứng khoán đánh giá động thái liên tục rót vốn vào TTCK Việt Nam của khối ngoại cho thấy tiềm năng thị trường Việt Nam trong trung hạn, nhất là trong bối cảnh kinh tế vĩ mô đang có nhiều tích cực, Chính phủ có nhiều giải pháp quyết liệt để giải quyết các khó khăn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản.
Trước những tín hiệu tích cực của nền kinh tế và động thái quyết liệt của Chính phủ, các nhà đầu tư chứng khoán đã yên tâm hơn khi nắm giữ cổ phiếu và bắt đầu giải ngân trở lại cổ phiếu một số ngành như ngân hàng, thép, đầu tư công, chứng khoán, dầu khí, thậm chí cả cổ phiếu bất động sản dù biết rằng ngành này vẫn còn khó khăn trong ngắn hạn. Chị Hoàng Hà (ngụ quận 3, TP HCM) cho biết dù đang "gồng lỗ" cổ phiếu suốt 2 năm qua nhưng gần đây đã bỏ thêm tiền vào cổ phiếu dầu khí và chứng khoán để trung bình giá vì đánh giá thị trường đã bớt rủi ro hơn trước rất nhiều. "Có thể cổ phiếu chưa tăng giá ngay nhưng nhìn bức tranh của thị trường trong trung hạn là tích cực khi lãi suất đi xuống nên tôi bắt đầu mua gom cổ phiếu cho tầm nhìn trung hạn" - chị Hoàng Hà kể.
Nhiều nhà đầu tư khác cũng có tâm lý như chị Hà khi nhận định lãi suất huy động đang giảm nhanh và không còn để hết tiền gửi tiết kiệm như trước mà bắt đầu rút ra một phần chuyển sang mua cổ phiếu. 
Phiên giao dịch ngày 17-3, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.045,14 điểm giảm 2,26 điểm (-0,22%) so với phiên trước; HNX-Index tăng nhẹ 0,28 điểm lên 204,47 điểm và UpCoM cũng tăng 0,41 điểm lên 76,43 điểm. Thanh khoản trên sàn HoSE ở mức khá khi vượt 10.200 tỉ đồng.
 
THÁI PHƯƠNG (theo NLĐ)