Thứ năm, 4/2/2016, 16h27

Triết lý tam không

Tác giả bài viết bên bộ sưu tập tượng khỉ ba không 
Hình tượng khỉ tam không: Khỉ che hai mắt, khỉ bịt hai tai và khỉ bịt miệng, từ lâu đã trở thành vật phẩm trưng bày thưởng ngoạn, nói lên sự ứng xử khôn ngoan của người biết giữ lễ. Đây là một phương châm xử thế của người xưa: Không nhìn những việc gì xấu, không nghe những lời xấu, không nói những điều xấu “See no evil, hear no evil, Speak no evil”. Nhưng trên hết nó còn ẩn tàng triết lý thâm diệu của văn hóa phương Đông: Nhắc nhở chúng ta tìm về bản chất của tâm để ứng xử với đời..
Nguồn gốc hình tượng “Khỉ tam không”
Theo nhiều tài liệu thì bộ tượng “Khỉ tam không” (KTK) này có nguồn gốc từ Ấn Độ vài ngàn năm trước.Nguyên là bức tượng thần Vajrakilaya, vị thần có sáu tay, mỗi đôi tay dùng để bịt hai mắt, hai tai và hai miệng. Có ý khuyên răn người ta “không nhìn bậy, không nghe bậy, và không nói bậy”. Sau đó, vào khoảng thế kỷ VIII, đời nhà Đường, một thiền sư người Nhậtđến Trung Hoa và đã mang theo tư tưởng này về Nhật.Tại Nikko (cách Tokyo chừng 140 cây số về hướng Bắc), ở đền Toshogu hiện nay còn lưu giữ một bức điêu khắc cổ là ba con khỉ với ba tênlà Mizaru, Kikazaru và Iwazaru. Từ “zaru” gần giống âm với “saru” - nghĩa là con khỉ, nên người ta khắc hình ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng với vẻ mặt ngộ nghĩnh để biểu thị cho triết lý sống này. Bức tượng gỗ này của nghệ nhân Hidari Jingoro nổi tiếng từ thế kỷ XVII. Theo đó, con che mắt tên là Mizaru - nghĩa là “tôi không nhìn thấy điều xấu”, con bịt tai là Kikazaru - “tôi không nghe những điều xấu” và con bịt miệng là Iwazaru - “tôi không nói điều xấu”.
Triết lý sống này cũng có điểm tương đồng với tư tưởng của Khổng Tử. Sách Luận Ngữ cho biết rằng khi Nhan Uyên hỏi về đức nhân và những điều gì cần phải làm, Khổng Tử đáp: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động”- nghĩa là “không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy”. 
Ở góc nhìn khác, nhiều người còn diễn đạt triết lý “Tam không” theo cách khác: “Có người thấy và nói ra nhưng họ không bao giờ nghe theo những gì người khác nói; có người không bao giờ thấy bất cứ gì, nhưng họ nghe người khác và nói ra; có người nghe và thấy nhiều việc nhưng họ không bao giờ nói ra hết”. 
Tính minh triết từ hình tượng KTK
Không phải ngẫu nhiên, người xưa đã chọn con khỉ để làm biểu tượng cho triết lý “Tam không”. Bởi lẽ, hình ảnh KTK nhắc nhở về tầm quan trọng của “tâm viên, ý mã”. Theo đó, loài vượn khỉ vốn hay lăng xăng, nhảy nhót, chuyền leo, không chịu ngồi yên. Cái tâm con người cũng lao xao, ưa tơ tưởng chuyện này, hay nhớ nhung chuyện nọ. Người xưa ví tâm người như loài khỉ, vượn nên gọi là tâm viên (con vượn lòng). “Bạn” của tâm viên là ý mã (ngựa ý). Tâm ý theo nhau, tâm chạy rong, ý cũng chạy rong. Giữ chặt cho tâm ý ở trên, tập trung tư tưởng vào một chỗ, là chuyện không dễ - “Tâm viên bất định, ý mã nan truy” (vượn lòng nhảy nhót không yên, ngựa ý rong ruổi theo liền khó thay) là vậy. Do sự liên quan ẩn dụ khỉ và ngựa nên mới bày ra chuyện “Hầu vương” (vua khỉ) lên trời giữ chức bật mã ôn, trông coi, quản lý đàn ngựa, như gửi gắm ý tứ của việc quản tâm và ý trong truyện Tây Du ký của tác giả Ngô Thừa Ân. Vì vậy, có lẽ ý nghĩa cao cấp nhất của bộ KTK này là:“Bịt mắt để dùng tâm mà nhìn, bịt tai để dùng tâm mà nghe, bịt miệng để dùng tâm mà nói. Khi tâm ở trạng thái “tịnh”, không bị quấy rầy bởi những điều xấu, thì từ tâm mới phát sinh những điều “thiện”, dùng cái tâm thiện, tâm đẹp để hành động.
Tư tưởng này đã được danh nhân Mahatma Gandhi (1869-1948) áp dụng làm với triết thuyết vĩ đại “bất bạo động” trong công cuộc đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ. Lúc nào ông cũng mang theo bên mình hình tượng bộ KTK như lời nhắc nhở vậy. Theo đó, ý nghĩa của bộ KTK ở chỗ là nhấn mạnh bản chất của tâm. Tâm là cái bao trùm, là cái chất của vạn pháp, là cái vô hình ẩn giấu ở đằng sau mọi vật. Khi tâm con người mở rộng, bao chứa được tâm của vạn pháp, khi đó đạt đến tâm Phật, là giác ngộ, là giải thoát. Phật tại tâm là vậy, phải tìm Phật ngay chính tại tâm mình. 
Hình tượng KTK
Ở Việt Nam, Phật hoàng Trần Nhân Tông cũng diễn đạt tư tưởng đó trongCư trần lạc đạo: “Phật ở trong nhà/ Chẳng phải tìm xa/ Nhân khuẩy bổn nên ta tìm Phật/ Đến mới hay chính Phật là ta” -  Tức hãy quay đầu lại, hướng vào nội tâm, trở về với cái trí tuệ sáng suốt của mình. 
Mặt khác, “Không” (mượn biểu tượng tam không của ba chú khỉ) theo Phật giáo nói chung và Thiền tông nói riêng, không có nghĩa là không có gì cả. “Không” ở đây là trạng thái vừa hữu vừa vô, vừa không hữu vừa không vô, vừa không tồn tại vừa không không tồn tại, vừa không có mặt (không hiện hữu) vừa không vắng mặt (hiện hữu) vừa không có vừa không không có. Nghĩa là ở trạng thái không có đối lập, không có mâu thuẫn, không gắn liền với ai, với cái gì, trạng tháivô sở trụ “Sắc bất thị không, không bất thị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc”.  Tâm không bám trụ vào chỗ nào thì tâm mới hiển hiện được, mới thực sự là tâm của ta - tâm giải thoát. Đây mới chính làhạnh phúc viên mãncủa con người. Do đó, giải thoát là một trạng tháitâm không, nó như một tấm gương trong đó chứa đựng mọi thứ nhưng không giữ lại một thứ gì cả (vật chất cũng như hiện tượng), nghĩa là có mọi thứ nhưng không chấp gì cả, tức trạng thái bất nhị nguyên. Không phải ngẫu nhiên, tác giả Ngô Thừa Ân lại chọn khỉ làm họ“Tôn” và đặt là Ngộ Không. Tức là ngộ được cái khoang chân thật (chân không) rồi chuyển hóa làm Tôn Hành Giả để đi đến cõi Phật. 
Vì vậy, hình ảnh bộ KTK, không có nghĩa đơn thuần là không nghe, không thấy, không nói mà hình ảnh đó gợi cho chúng ta là một “pháp môn” giúp chúng ta tìm về một trạng thái làm chủ của tâm, tìm về bản lai diện mục, một cách để nhìn lại chính mình. 
Đây là kinh nghiệm mà người xưa đã chắt góp nên bài học cho hậu thế. Ngày nay, có rất nhiều phiên bản khác nhau về tượng “Tam không” này, người ta sử dụng những hình ảnh khác thay vì ba chú khỉ, có thể là hình ảnh ba ông Phật Di Lặc, hình ảnh ba chú tiểu, hình ảnh ba nhân vật hoạt hình, búp bê… vừa ngô nghê, hóm hỉnh nhưng lại chứa rất nhiều triết lý, tư tưởng triết học. Ngày xuân, bên ly trà chén rượu, nhân năm Thân, ngồi ngắm nhìn bộ KTK trong những ngày đầu năm mới, chắc hẳn giúp ta gợi mở nhiều điều tốt đẹp, hướng đến cái chân tâm và thiện mỹ.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín