Thứ bảy, 14/1/2023, 09h49

Trò giỏi hơn thầy, một hiện tượng của giáo dục hiện đại

Với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại, cộng với sự thông minh, năng động của tuổi trẻ, đã làm xuất hiện một hiện tượng đáng chú ý là ngày càng có nhiều học sinh phổ thông có kiến thức... vượt trội so với thầy cô.


Học sinh Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP.Vinh, Nghệ An) trong một hoạt động ngoại khóa (nh minh ha)

Thủ khoa đại học không đi học thêm

Trong kỳ thi đại học năm 2013, em Trần Xuân Bách (học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) đạt 29,5 điểm (toán: 10, sinh học: 10, hóa học: 9,5 điểm), là một trong 8 thủ khoa của Trường Đại học Y Hà Nội danh giá. Cô Kiều Thị Hồng Xoan (giáo viên môn vật lý, chủ nhiệm lớp 12A1) trao đổi: “Bách rất thông minh, có ý chí tự học, vươn lên đạt đỉnh cao trong học tập. Tính Bách rất bộc trực, có điều gì không hiểu, không rõ hay em cho là chưa đúng thì trao đổi ngay với các thầy cô. Em là một học sinh đáng quý, cũng là hiếm gặp trong cuộc đời làm nghề giáo của tôi”. Bên cạnh học các môn văn hóa rất giỏi, đạt nhiều danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia, Bách còn đam mê làm từ thiện, hùng biện bằng tiếng Anh rất tốt, nấu ăn giỏi… Thầy Nguyễn Đình Thám (Phó Hiệu trưởng nhà trường) thẳng thắn: “Bách là một học sinh rất giỏi, giỏi toàn diện, không chỉ trong học văn hóa mà còn hoạt động tập thể, xã hội. Em là một tấm gương tự học, thành đạt nhờ tự học. Nói thật, thầy cô ở trường chúng tôi không thể “kể công” đã kèm cặp, bồi dưỡng đối với học sinh này”. Theo một số giáo viên kể lại, Bách không học thêm với thầy cô nào, tất cả kiến thức em có được chỉ học ở các giờ chính khóa và tự học. Không ít trường hợp, các thầy cô tỏ ra lúng túng đối với các câu hỏi “khó” của học sinh này. Hiện nay, Bách đã trở thành một bác sĩ thành đạt tại Hungary.

Trường hợp như em Trần Xuân Bách không còn là cá biệt. Một giáo viên ở Nghệ An cho biết có lần ra đề thi THPT quốc gia, các giáo viên làm đề thi thử để xem học sinh làm ra sao, kết quả có giáo viên chỉ đạt 6,5 điểm, trong khi đây là những giáo viên xuất sắc nhất cả nước. Cũng đề thi đó, rất nhiều học sinh làm được 9-10 điểm. Trong các lớp học bậc phổ thông ở khắp nơi, đặc biệt là các khu vực đô thị, xuất hiện ngày càng nhiều học sinh thông minh, có kiến thức vượt trội về nhiều mặt, đặc biệt về tin học và ngoại ngữ. Báo chí thông tin cách đây nhiều năm có một số chuyên gia nước ngoài vào khảo sát trình độ tiếng Anh của giáo viên, trong khi giáo viên nghe chưa rõ thì nhiều học sinh đã tiếp thu tốt và trả lời lưu loát. Nhiều bài toán khó giáo viên còn lúng túng hoặc đưa ra đáp án chậm nhưng nhiều học sinh giải rất nhanh. Về kiến thức, hiểu biết xã hội, thời sự, nhiều học sinh tỏ ra am hiểu, sâu sắc hơn cả giáo viên. Đặc biệt, về tư duy logic và cách biện luận, lý lẽ, nhiều học sinh tiểu học đã tỏ ra rất sắc sảo, chắc chắn. Nhiều em học sinh phổ thông đã quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu và tỏ ra am hiểu đối với các triết lý sống, những nền văn hóa Đông Tây kim cổ...

Sự xuất sắc vượt trội của hc sinh thời nay

Thời phong kiến, khoảng cách về tri thức giữa thầy và trò là vời vợi. Người xưa phân chia thứ bậc “Quân - sư - phụ”, người thầy đứng sau vua và trên người cha. Trong nền giáo dục phong kiến, thầy chính là đạo lý, kiến thức, phương pháp giảng dạy chủ yếu thuyết giảng một chiều. Tuy nhiên, hiện tượng trò giỏi, vượt trội hơn thầy giỏi cũng đã xuất hiện, tuy không nhiều. Có hiện tượng khá thú vị là đối với học sinh giỏi, thầy này dạy “hết chữ” thì giới thiệu môn đồ đến một thầy khác giỏi hơn. Thời giáo dục Pháp thuộc và giai đoạn đầu của nền giáo dục Việt Nam sau 1945, do điều kiện thông tin chưa phát triển, hiện tượng trò giỏi hơn thầy chưa thực sự phổ biến.

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, và cũng do quy luật tiến hóa, thế hệ sau ngày càng vượt trội thế hệ trước, nên xuất hiện ngày càng nhiều học sinh thông minh xuất chúng, kiến thức về nhiều mặt rất xuất sắc, nhiều em có kiến thức không thua kém, thậm chí tỏ ra sắc sảo hơn so với giáo viên bộ môn. Xét toàn diện, giáo viên bộ môn chỉ giỏi về một môn, trong khi kiến thức nền, toàn diện của không ít học sinh vượt trội hơn, tư duy năng động hơn.

Nhiều giáo viên không biết ngoại ngữ, trong khi nhiều học sinh rất giỏi tiếng Anh, thậm chí biết nhiều ngoại ngữ. Sự năng động, nhanh nhạy, thông minh của nhiều học sinh cũng tỏ ra hơn hẳn không ít giáo viên. Nhiều em còn học phổ thông nhưng đã kinh doanh, dạy thêm... đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Cơ hội và thách thức cho đội ngũ nhà giáo

Hiện tượng nói trên ngày càng phổ biến, đặc biệt nhiều ở các trường chuyên, trường điểm ở đô thị, ở các lớp chọn... Vậy, nên nhìn nhận, đánh giá và ứng xử thế nào?

Trước hết, phải nói đây là hiện tượng rất đáng mừng. Nhà giáo chân chính bao giờ cũng mong có nhiều trò giỏi, giỏi hơn thầy càng tốt, và thực sự luôn khuyến khích trò tiến xa hơn thầy. Mừng vì có thế hệ trẻ ngày càng thông minh, xuất sắc, uyên bác, năng động. Hạnh phúc lớn nhất của nhà giáo là đi dạy gặp lớp giỏi. Học sinh thông minh thì hiểu chuyện, tự giác, tôn trọng giáo viên và mọi việc rất nhẹ nhàng, vui vẻ. Và ngược lại, không gì buồn hơn học sinh toàn yếu, kém. Càng nhiều học sinh thông minh, xuất sắc, tương lai đất nước càng xán lạn. Nhà nước cần có cơ chế, chính sách để nuôi dưỡng, phát triển những học sinh xuất sắc trở thành trụ cột của quốc gia trên các lĩnh vực.

Một nền giáo dục tiên tiến phải là nền giáo dục có ngày càng nhiều học sinh giỏi và giáo viên giỏi. Thầy xuất sắc, trò vượt trội, cả hai đều ngày càng cố gắng và đóng góp nhiều hơn cho giáo dục, cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, nói gì thì nói, thầy mà thua kém học sinh quá nhiều, cũng là điều rất đáng lo. Giáo dục quốc gia không thể hưng thịnh nếu không có đội ngũ đông đảo nhà giáo xuất sắc. Thầy, nghĩa là vượt trội và phải cố gắng vượt trội, mới xứng đáng với danh hiệu người thầy, “bậc thầy” mà xã hội tôn vinh, mới đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc dạy học. Do đó, việc xuất hiện một thế hệ học sinh ngày càng giỏi cũng là cơ hội và thách thức cho đội ngũ giáo viên. Giáo viên phải nỗ lực hàng ngày, để cùng với học sinh, ngày càng giỏi hơn. Giáo viên đứng yên là tụt hậu, tụt hậu là tự đào thải.

Thiết nghĩ, không cần phải hô hào thầy cô phải thương yêu, trách nhiệm với học sinh một cách chung chung, tất cả chuẩn lý tưởng của thầy cô gói gọn trong nội dung phải rất giỏi chuyên môn và dạy học sinh ngày càng giỏi hơn. Dạy giỏi là đạo đức, là văn minh. Thầy giỏi là tấm gương cho trò noi theo. Bởi vì, trong xã hội cạnh tranh gay gắt, ai không xuất sắc sẽ khó tồn tại.

Các nhà quản lý giáo dục cũng cần làm rõ có hay không xu hướng giáo viên an phận thủ thường, buông xuôi, đối phó, không chịu khó nỗ lực phấn đấu sau khi đã được tuyển dụng, nên kiến thức, kỹ năng ngày càng tụt hậu. Mặt khác, mức lương nhà giáo còn thấp, hiện tượng tiêu cực trong quản lý giáo dục vẫn tồn tại, nên không đủ sức hấp dẫn, thu hút những học sinh xuất sắc đi theo con đường trở thành nhà giáo.

Thiết nghĩ, một nền giáo dục tiên tiến phải là nền giáo dục có ngày càng nhiều học sinh giỏi và giáo viên giỏi. Thầy xuất sắc, trò vượt trội, cả hai đều ngày càng cố gắng và đóng góp nhiều hơn cho giáo dục, cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Bài, ảnh: Trn Quang Đại