Thứ tư, 27/10/2021, 10h34

Trung Quốc và câu chuyện hồi hương cổ vật

Hơn 10 triệu món cổ vật Trung Quốc đã bị thất lạc đến Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á kể từ cuộc Chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất năm 1840.
Nhiều món cổ vật của Trung Quốc đang lưu lạc ở nhiều nơi trên thế giới.
Hoàn cầu Thời báo dẫn số liệu thống kê của Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc cho biết, sau chiến tranh, có tới hàng triệu món cổ vật của Trung Quốc đã bị thất lạc và đưa đến nhiều quốc gia và nằm trong các bộ sưu tập khác nhau trên thế giới. Để tìm lại và đưa chúng về với quê hương, chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian.
Năm 2018, một món đồ cổ bằng đồng của Trung Quốc đã được bán đấu giá tại Anh với mức giá lên tới hơn 582.000 USD. Trước thông tin này và sự bức xúc của công chúng, Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu nhà đấu giá tôn trọng quyền và văn hóa của người dân Trung Quốc, đồng thời hủy bỏ cuộc đấu giá và các hoạt động quảng bá liên quan.
Có nhiều cách khác nhau để đưa các cổ vật bị thất lạc ở nước ngoài trở về quê hương như các công ước của UNESCO, các thỏa thuận song phương giữa các quốc gia và các cuộc đàm phán ngoại giao... Tuy nhiên, những nỗ lực chính lại phụ thuộc phần lớn vào việc mua bán thương mại.
Bên cạnh nỗ lực của chính phủ, người dân Trung Quốc ở khắp nơi trên thế giới cũng ý thức về việc hồi hương cổ vật. Không chỉ tham gia các cuộc đấu giá lớn và nổi tiếng, nhiều người dân tập trung tìm mua cổ vật ở các chợ đồ cổ và tặng lại cho các bảo tàng ở quê hương.
Một trong những món cổ vật Trung Quốc đang lưu lạc trên thế giới.
Zhao Sihong - tác giả của cuốn sách về những người Trung Quốc nhập cư vào Mỹ và cũng là tổng thư ký của Hiệp hội các nhà sưu tập người Mỹ gốc Hoa - là một nhà sưu tập có kinh nghiệm về các cổ vật bị thất lạc của Trung Quốc cho biết: Trong 12 năm qua, Zhao và nhóm của cô đã thu thập hơn 5.000 hiện vật, thường là bằng tiền túi, sau đó quyên góp cho các bảo tàng hoặc thư viện ở Trung Quốc, chẳng hạn như Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc và Bảo tàng Chiến tranh Nhân dân Trung Quốc kháng chiến chống Nhật xâm lược.
"Có rất nhiều cổ vật và hiện vật đã bị cướp khỏi Trung Quốc. Việc bán và mua chúng tại các cuộc đấu giá nước ngoài chỉ như khuyến khích các thế lực nước ngoài tiếp tục" - Zhao chia sẻ. "Chính phủ các nước nên chú trọng hơn đến việc tìm lại những cổ vật bị đánh cắp như vậy và trả lại cho Trung Quốc. Những nỗ lực cơ bản như của chúng tôi chỉ có thể đóng một vai trò hỗ trợ trong việc khôi phục những món đồ bị mất thông qua các kênh của người sưu tập".
Một số chuyên gia cảnh báo, cuộc săn lùng quốc tế để hồi hương các cổ vật đã mất của Trung Quốc trên thực tế có thể giúp các nhà đấu giá nước ngoài tăng giá đấu thầu các món đồ của họ.
Liu Zheng, một thành viên của Học viện Di tích Văn hóa Trung Quốc, nói với Hoàn cầu Thời báo: “Một nhà đấu giá nước ngoài quảng cáo một món cổ vật có thể đang cố gắng thao túng lòng yêu nước của người dân Trung Quốc, điều này sẽ khiến giá đấu tăng lên”.
Cục Di sản Văn hóa Trung Quốc cho biết không khuyến khích các cơ quan hoặc cá nhân Trung Quốc đấu giá các cổ vật đang được bán đấu giá tại các nhà đấu giá nước ngoài.
Huo Zhengxin, Phó trưởng Khoa Luật Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc, chia sẻ với báo giới rằng cách tốt nhất để lấy lại các cổ vật đã mất vẫn là thông qua chính phủ.
"Luật Di tích Văn hóa của Trung Quốc quy định rằng những hiện vật đó thuộc về quốc gia. Vì vậy, quốc gia và chính phủ là cơ quan duy nhất có nghĩa vụ truy xuất cổ vật. Những nỗ lực từ cơ sở chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, để thể hiện nhu cầu của người dân Trung Quốc".
Hiện nay, Việt Nam cũng có nhiều món cổ vật thất lạc trên thế giới, ví dụ như chiếc mũ quan triều Nguyễn đang được đấu giá ở Tây Ban Nha.
ANH VŨ (theo laodong)