Thứ tư, 5/10/2022, 10h34

Trường đại học: Đạt diện tích xây dựng 5 hecta mới được hoạt động đào tạo

Trường ĐH phải có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu 5 hecta mới đủ điều kiện hoạt động đào tạo. Đây không phải quy định mới, chỉ giữ nguyên quy định hiện hành nhưng chuyển từ điều kiện thành lập trường thành điều kiện để trường được hoạt động đào tạo.


Một giờ học của sinh viên trong cơ sở hiện đại của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Quy định này là một trong những nội dung đề xuất tại dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến đóng góp nhằm thay thế Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định số 135/2018/NĐ-CP.

Đạt diện tích xây dựng tối thiểu 5 hecta

Theo đó, trong điều kiện trường ĐH hoạt động đào tạo, dự thảo bổ sung quy định “Có diện tích đất xây dựng trường tại trụ sở chính tối thiểu là 5 hecta” để phù hợp với quy định tại Điều 23 Luật Giáo dục ĐH và Điều 49 Luật Giáo dục. Đây không phải quy định mới mà giữ nguyên quy định hiện hành nhưng chuyển từ điều kiện thành lập trường thành điều kiện để trường được hoạt động đào tạo.

Bên cạnh đó, điều kiện để trường ĐH hoạt động đào tạo theo dự thảo này, trường ĐH còn phải có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập trường ĐH của Thủ tướng Chính phủ; có cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng yêu cầu hoạt động đối với ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo, quy mô dự kiến tuyển sinh theo quy định của Bộ GD-ĐT. Địa điểm xây dựng trường ĐH phải bảo đảm về môi trường giáo dục, an toàn cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên theo nội dung tại dự án thành lập trường đã cam kết. Đồng thời, còn phải có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập đối với các ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo đáp ứng chuẩn chương trình đào tạo theo quy định của Bộ GD-ĐT. Có đội ngũ giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu của ngành, lĩnh vực dự kiến đào tạo cũng như quy mô dự kiến tuyển sinh. Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của cơ sở giáo dục ĐH theo đúng cam kết trong đề án thành lập trường…

Phát triển ĐH thành ĐH quốc gia ra sao?

Theo quy định của Luật Giáo dục ĐH, ĐH quốc gia là “trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển”. Với vị trí và chức năng quan trọng như vậy, việc thành lập và bảo đảm hoạt động cho ĐH quốc gia cần rất nhiều nguồn lực từ Nhà nước.

Vì vậy, dự thảo Nghị định quy định việc phát triển ĐH thành ĐH quốc gia phải có chủ trương của cơ quan có thẩm quyền (phương án 1) hoặc chủ trương của Chính phủ (phương án 2). Đồng thời, việc phát triển ĐH thành ĐH quốc gia phải bảo đảm “phù hợp với quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH và sư phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”; “Tại thời điểm xây dựng đề án phát triển thành ĐH quốc gia, phải được công nhận là ĐH định hướng nghiên cứu”.

Về điều kiện thành lập trường ĐH, dự thảo Nghị định bổ sung điều kiện có “xác nhận về quyền sử dụng đất” để phù hợp với Luật Giáo dục ĐH. Đồng thời, bỏ điều kiện về diện tích đất để xây dựng trường (chuyển thành điều kiện cho phép trường được hoạt động đào tạo – như đã nói trên) để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 22 Luật Giáo dục ĐH, khoản 1 Điều 49 Luật Giáo dục…; bỏ điều kiện “đạt bình quân tối thiểu 25 mét vuông/sinh viên tại thời điểm phân hiệu có quy mô đào tạo ổn định sau 10 năm phát triển” vì khó đánh giá; bỏ quy định “đối với trường ĐH tư thục, khuyến khích thành lập trường hoạt động không vì lợi nhuận” vì đây không phải là điều kiện cho phép thành lập.

Bổ sung thêm 2 trường hợp bị đình chỉ hoạt động

Về đình chỉ hoạt động đào tạo của trường ĐH, phân hiệu của trường ĐH, so với quy định hiện hành, dự thảo Nghị định đã bổ sung thêm 2 trường hợp bị đình chỉ hoạt động như sau: “Không công khai các điều kiện bảo đảm tổ chức hoạt động đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực sau khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo” và “Không triển khai hoạt động đào tạo sau thời hạn 2 năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động đào tạo”. Quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của trường ĐH trong bảo đảm chất lượng đào tạo. Về sáp nhập, chia, tách, giải thể trường ĐH, phân hiệu của trường ĐH, dự thảo Nghị định cơ bản giữ nguyên quy định hiện hành.

Việt Ngân