Thứ tư, 14/4/2021, 19h30

Trường ĐH tổ chức đêm nhạc “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn”

Hai mươi năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “trở về với cát bụi”, bao thế hệ nghệ sĩ, ca sĩ, bao lớp khán giả vẫn tìm đến nhạc Trịnh, không ngừng lan tỏa và khơi dậy tình yêu đối với âm nhạc của ông.


Một tiết mục trong đêm nhạc “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn”

Tưởng nhớ cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn, Trường ĐH Văn Lang cùng gia đình cố nhạc sĩ tổ chức đêm nhạc “20 năm nhớ Trịnh Công Sơn” với chủ đề “Những sớm mai Việt Nam”. Đây là sự kiện được tổ chức thường niên kể từ khi Trường ĐH Văn Lang khánh thành hội trường mang tên ông.

Đêm nhạc quy tụ những ca sĩ, nghệ sĩ tên tuổi như: Đức Tuấn, Lân Nhã, Tấn Sơn, Kyo York, Hoàng Trang, Nguyễn Đông, Hải Yến, Hà Vi, Saxophonist Trần Mạnh Tuấn và con gái An Trần…

TS. Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Văn Lang) chia sẻ, hơn một năm trôi qua kể từ ngày hội trường lớn Trường ĐH Văn Lang vinh dự được mang tên cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nơi này đã thật sự trở thành không gian của những người yêu nhạc Trịnh. Tại đêm nhạc, tất cả lại một lần nữa được hòa mình trong tư tưởng nhân văn, tinh hoa nhạc Trịnh và cùng nhớ về một người nhạc sĩ tài hoa của dân tộc.

Cũng theo TS. Nguyễn Cao Trí, cốt lõi của Văn Lang là một tổ chức giáo dục - đào tạo nên việc giữ gìn, kế thừa và phát huy di sản Trịnh Công Sơn lại càng hết sức ý nghĩa, quan trọng. Là những người làm giáo dục, chúng tôi tiếp cận di sản Trịnh Công Sơn không chỉ về những giá trị văn hóa, tinh thần, thường thức nghệ thuật mà còn cả những tư tưởng giáo dục đã được cố nhạc sĩ đúc kết, truyền tải và tôn vinh từ “bao nhiêu năm làm kiếp con người”.

Ông Trí cho rằng, người đời thường nhớ đến Trịnh Công Sơn như một nghệ sĩ tài hoa, ít ai biết rằng ông đã từng là một thầy giáo. Khi nghe lại một số tác phẩm viết về quãng đời đi học, chúng ta nhận ra tư tưởng lớn mà Trịnh Công Sơn muốn gửi đến thế hệ trẻ lứa tuổi học sinh – sinh viên là thông điệp: “Hãy sống có ý nghĩa”, “​Sống làm thế nào cho tròn đầy sự có mặt và chết cho ngập tràn cõi hư không”.

“Chúng tôi quan niệm giáo dục phải ươm dưỡng được các giá trị nhân văn, bồi đắp lòng trắc ẩn với đồng loại và tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc trong mỗi con người. Đây cũng là những giá trị tốt đẹp mà nhạc Trịnh muốn lan tỏa. Đưa nhạc Trịnh vào không gian học đường không chỉ dừng ở việc đặt tên cho hội trường hay tổ chức những đêm nhạc mà chúng tôi đang nỗ lực truyền tải tinh thần nhân văn và các giá trị giáo dục trong di sản Trịnh Công Sơn đến thế hệ sinh viên; góp phần giúp thế hệ trẻ biết cách yêu, cách sống, cách ứng xử với thiên nhiên, với sự sống và cái chết, biết yêu quê hương đất nước… để làm giàu đẹp vốn văn hóa của mỗi con người”- Ông Trí nhấn mạnh.

Được biết trước đó, tháng 9-2019, Trường ĐH Văn Lang và gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tổ chức đêm nhạc “Nối vòng tay lớn”, ra mắt hội trường Trịnh Công Sơn. Hằng năm, những sự kiện âm nhạc tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được tổ chức tại hội trường này; tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận và tìm hiểu các loại hình văn hóa nghệ thuật cũng như nối dài và lan tỏa tình yêu nhạc Trịnh ở người trẻ.

Mê Tâm