Thứ năm, 28/5/2020, 20h08

Trường THCS gặp khó trong khâu phân luồng

Thời điểm này, hầu hết các trường THCS tại TP.HCM đã tổ chức họp phụ huynh khối 9 để tư vấn về đăng ký nguyện vọng vào lớp 10 các trường THPT công lập cho học sinh cuối cấp. Với nhiều điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm nay cộng với ảnh hưởng của dịch Covid- 19 khiến việc học bị gián đoạn, các giáo viên chủ nhiệm lưu ý rằng, phụ huynh phải thật sự thận trọng khi đăng ký nguyện vọng cho con em mình.

Họp phụ huynh khối 9 Trường THCS Nguyễn Du

Tranh thủ cả bí thư, tổ trưởng dân phố đến… tư vấn phân luồng cho học sinh

Năm học này, Trường THCS Nguyễn Huệ (Q.4) có 305 học sinh khối 9. Để công tác tư vấn nguyện vọng, phân luồng học sinh đạt hiệu quả cao, thầy Tân Trung Nghĩa (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, Q.4) cho biết, chính bản thân thầy sẽ đảm nhận nhiệm vụ hướng nghiệp thường xuyên cho học sinh khối 9 trong hàng tháng. “Một tháng sẽ có 2 tiết hướng nghiệp cho khối 9. Tôi sẽ không hướng nghiệp đại trà mà sẽ theo từng đối tượng lớp, sử dụng sơ đồ tư duy để các em dễ dàng nhận biết được các hướng đi sau THCS”.

Năm ngoái, con số phân luồng học sinh khối 9 tự nguyện rẽ sang học nghề trước kỳ thi TS 10 của trường đạt 25/288 học sinh (tương đương 8,7%). “Để không gây nhiễu cho học sinh, việc phân luồng học sinh sang trường nghề nhà trường cũng không tiến hành đại trà mà chỉ chọn các trường nghề phù hợp với đối tượng học sinh mình. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, giáo viên chủ nhiệm đã phải nắm tình hình, theo sát năng lực học tập của học sinh để tương tác với các em về vấn đề này trong các tiết sinh hoạt chủ nhiệm, ngoài giờ lên lớp”.

Tuy nhiên, theo thầy Nghĩa, khó khăn nhất trong công tác phân luồng học sinh lại đến từ chính phụ huynh, nhận thức của phụ huynh vẫn còn “coi nặng” kỳ thi tuyển sinh 10 khi năng lực của con em mình chưa tới. Nhiều phụ huynh coi kỳ thi tuyển sinh 10 là kỳ thi thử năng lực của các em, là cơ hội cho con em mình nhưng vô tình lại tạo thêm áp lực trong học tập cho các em. “Nhiều khi, bản thân tôi phải tranh thủ nhờ cả Bí thư phường, tổ trưởng dân phố đến tận nhà để tư vấn cho phụ huynh hiểu. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác tư vấn cho phụ huynh càng phải sát sao hơn, làm sao để phụ huynh hiểu điều gì mới là tốt nhất cho các em. Việc chọn trường, đăng ký nguyện vọng cho các em không chỉ căn cứ vào năng lực học tập, phụ huynh cần phải tính toán đến các yếu tố về tâm lý, áp lực kỳ thi để chọn trường phù hợp”, thầy Nghĩa lưu ý.

Trong khi đó, 20% lại là con số phân luồng học sinh khối 9 rẽ sang học nghề trước kỳ thi tuyển sinh 10 của Trường THCS Lý Tự Trọng (Q.Gò Vấp). Con số này chưa được như kỳ vọng nhưng theo thầy Dương Hữu Đức (Hiệu trưởng nhà trường), để đạt được lại không phải là “điều đơn giản”. “Giáo viên chủ nhiệm sẽ ngồi lại với giáo viên các bộ môn Văn, Toán, Tiếng Anh để có cái nhìn tổng thể vể năng lực học tập của từng học sinh. Từ kết quả này, kết hợp với quá trình học tập suốt những năm THCS của các em, giáo viên chủ nhiệm sẽ phân loại đối tượng học sinh để có phương pháp tư vấn hiệu quả. Với những đối tượng học sinh yếu, kém, trong các buổi chiều các em được tìm hiểu về các trường nghề”.

Cách được Trường THCS Lý Tự Trọng lựa chọn trong việc tư vấn đó là “đánh mạnh” vào tư vấn cho học sinh, theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”. “Thông thường, việc tư vấn cho phụ huynh về phân luồng ít đạt hiệu quả. Phụ huynh luôn có quan điểm con em mình giỏi, con em mình có thể thử sức với trường này, trường kia trong khi chính giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn là người hiểu năng lực của các em nhất. Việc nói cho các em hiểu về năng lực của mình, biết những trường nào, hướng đi nào phù hợp với các em thì chính các em sẽ thuyết phục lại phụ huynh, điều này sẽ dễ dàng hơn”.

Tính toán đến ảnh hưởng của dịch đến quá trình học

Mùa tuyển sinh 10 năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc học gián đoạn trong thời gian dài. Trước khi chính thức bước vào HKII thì ròng rã trong suốt hơn 4 tháng, học sinh được làm quen với học trực tuyến. Phương pháp này, dù ít dù nhiều cũng tác động đến kết quả học tập của học sinh cuối cấp.

“Việc học trực tuyến của trường trong thời gian nghỉ chỉ đạt được tỷ lệ 70%. Khi đi học trở lại, nhà trường bố trí sắp xếp học sinh yếu kém để học phụ đạo. Nhiều học sinh gần như quên rất nhiều kiến thức, nhiều em sức học giảm sút hẳn, nhất là trong bộ môn Toán, Tiếng Anh. Vì thế, giáo viên phải lên kế hoạch chi tiết để đảm bảo vừa hoàn tất chương trình học, vừa lấp hổng kiến thức cho học sinh, vừa ôn tuyển sinh 10 theo đối tượng”, đại diện Trường THCS Lý Tự Trọng chia sẻ. Vì lý do đó, đại diện nhà trường cho rằng, phụ huynh cần quan sát, cân nhắc vào những ảnh hưởng của dịch đến năng lực học tập của con em mình để chọn lựa môi trường học tập phù hợp.

Cũng do dịch bệnh, năm học này là năm đầu tiên học sinh khối 9 được làm bài thi HKII ở 3 bộ môn Văn, Toán, Tiếng Anh do trường THCS ra đề. Cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1) nhận định, kiến thức trong đề sẽ không quá đánh đố, không làm khó học sinh mà chỉ nhằm mục đích hoàn thành chương trình cho các em. “Phụ huynh, học sinh không nên căn cứ vào kết quả HKII để chọn lựa đăng ký nguyện vọng, đừng thấy kết quả điểm của con cao mà đăng ký nguyện vọng vào những trường tốp trên. Kết quả đó không phản ánh được đúng thực lực học của các em để “tranh tài” trong tuyển sinh 10”.

Theo cô Trang, phụ huynh cần quan sát cả quá trình học của con trong cả năm lớp 9 cũng như trong suốt bậc THCS. Kỳ thi tuyển sinh 10 là kỳ thi phân hóa cao với kiến thức ở các mức độ khác nhau do vậy phụ huynh, học sinh cũng không nên mang tâm lý rằng vì lý do dịch bệnh mà đề sẽ dễ. “Thời điểm này, học sinh nên đầu tư vào việc học hiệu quả, khoa học, tập trung nắm các kiến thức cơ bản, lấp những kiến thức hổng, hụt. Dành nhiều thời gian hơn cho bộ môn Văn bởi đây là bộ môn dễ lấy điểm hơn so với 2 môn Toán, Tiếng Anh. Đặc biệt, không nên chạy đua học thêm nếm quá nhiều sẽ khiến kiến thức bị loãng, tạo thêm áp lực cho chính bản thân, dẫn đến chất lượng học không hiệu quả”, cô Trang khuyến cáo.

Bài, ảnh: Yến Hoa