Thứ năm, 15/9/2022, 15h10

Trường tiểu học tại TP.HCM: Thực hiện biệt phái giáo viên tiếng Anh, tin học

Với trường tiểu học không tổ chức dạy học 2 buổi/ngày các khối theo Chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay trường có thể tổ chức dạy trực tuyến một số nội dung phù hợp. Với việc giảng dạy tiếng Anh, tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu địa phương xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến - học tập trực tiếp qua lớp học ảo - một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp học ở những vị trí địa lý khác nhau.


Trường tiểu học dạy 1 buổi/ ngày có thể tổ chức dạy học trực tuyến một số nội dung với các khối lớp học Chương trình GDPT 2018

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2022-2023.

Theo đó, sở yêu cầu, với các khối 1, 2, 3 thực hiện Chương trình GDPT 2018, phấn đấu đảm bảo tỉ lệ 1 phòng học/lớp, cơ sở vật chất, sĩ số học sinh/lớp theo quy định; có đủ thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định; phấn đấu đảm bảo tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên để dạy đủ các môn học và hoạt động giáo dục theo quy định.

Với trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết, mỗi tiết 35 phút; tối thiểu 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần. Thời khóa biểu cần sắp xếp khoa học, đảm bảo tỉ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày và tuần học phù hợp với tâm sinh lý học sinh tiểu học.

Với trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, trên cơ sở dạy học đúng, đủ nội dung và thời lượng các môn học bắt buộc theo quy định, trường chủ động xác định nội dung, lựa chọn hình thức tổ chức, phân bổ thời lượng phù hợp cho môn học tự chọn, hoạt động củng cố và hoạt động giáo dục khác. Xây dựng, sắp xếp các nội dung chương trình theo các chủ đề học tập, tích hợp liên môn; sử dụng kho học liệu điện tử; xác định các nội dung có thể tổ chức dạy học trực tuyến; dạy học bên ngoài không gian lớp học.

Đối với khối 4, 5, sở yêu cầu thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học một cách hợp lý, phù hợp với đối tượng học sinh, từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Sở GD-ĐT nêu rõ, việc tổ chức hoạt động sau giờ học chính thức theo nhu cầu, sở thích của học sinh, trên cơ sở thống nhất, tự nguyện của phụ huynh, học sinh, có thể dưới hình thức câu lạc bộ hoặc sử dụng cơ sở vật chất của nhà trường thư viện, sân chơi, bãi tập, nhà đa năng… để học sinh vui chơi, giải trí, rèn luyện năng khiếu. Riêng việc tổ chức bán trú cần linh hoạt, có thể bao gồm các hoạt động: ăn trưa, ngủ trưa, vui chơi, giải trí… góp phần rèn luyện học sinh kỹ năng sống, đạo đức, tính kỷ luật, tự phục vụ... Sở khuyến khích các trường tiểu học trên địa bàn thành phố dạy tin học theo chuẩn quốc tế.

Với việc giảng dạy tiếng Anh, tin học bắt buộc cho học sinh lớp 3, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu địa phương xây dựng mô hình dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến - học tập trực tiếp qua lớp học ảo - một giáo viên tại một thời điểm có thể dạy cho nhiều hơn một lớp học ở những vị trí địa lý khác nhau. Đồng thời yêu cầu tập huấn, hướng dẫn giáo viên để thực hiện phương án dạy học linh hoạt tại các trường, điểm trường không thể bố trí giáo viên dạy học trực tiếp môn tiếng Anh, môn tin học. Xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng hiệu quả các phòng học bộ môn theo hình thức liên trường, liên cấp học đối với các tiết học thực hành.


Địa phương thực hiện biệt phái giáo viên để đủ giáo viên giảng dạy

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng yêu cầu các quận, huyện thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt, hợp lý, hiệu quả, bảo đảm 100% trường tiểu học trên thành phố tổ chức dạy học được môn tiếng Anh, tin học theo quy định. Trong điều kiện thiếu giáo viên, thực hiện điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái, điều động giáo viên tiếng Anh, tin học cấp THCS tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học. Song song có phương án hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho giáo viên được điều động, biệt phái dạy liên trường, liên cấp học phù hợp với thực tế của địa phương và bảo đảm đúng quy định.

Đối với các cơ sở giáo dục gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên, Sở GD-ĐT TP.HCM đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện môn học linh hoạt, phù hợp, sắp xếp thời khóa biểu khoa học để thực hiện phương án giáo viên dạy liên trường, dạy tại nhiều điểm trường. Xây dựng phương án dạy học trực tiếp kết hợp với trực tuyến khi đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị, đường truyền và có giáo viên trợ giảng, phụ trách lớp học tại các điểm cầu. Tham mưu các cấp quản lý thực hiện phương án phối hợp để tổ chức dạy học tiếng Anh, tin học bảo đảm thực hiện chương trình môn học.

Trong trường hợp chưa thể bố trí đủ giáo viên theo định mức, trường cần có các giải pháp hợp đồng theo Nghị quyết số 102/NQ-CP của Chính phủ. Song song có giải pháp để đảm bảo đội ngũ giáo viên tiếng Anh, tin học dạy tiểu học lớp 4 từ năm học 2023-2024.

Đỗ Yến