Thứ bảy, 23/1/2021, 22h37

Tuyển sinh 10 tại TP.HCM không phải là một cuộc đua

Làm rõ các trường hợp được ưu tiên xét tuyển và cách thức đặt nguyện vọng thi Tuyển sinh 10… là những thông tin hữu ích được các chuyên gia đưa ra trong Chương trình Tư vấn “Tuyển sinh hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần thứ 6 năm học 2020-2021 mới đây tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11) và THCS Đoàn Kết (Q.6).


Học sinh Trường THCS Đoàn Kết (Q.6) đặt câu hỏi cho ban tư vấn

Chương trình do Báo Giáo Dục TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phân luồng học sinh sau THCS tại TP.HCM, đồng thời cung cấp các thông tin sớm nhất, chính xác nhất đến thí sinh, nhà trường về kỳ thi TS 10 năm 2021.

Thí sinh nào được ưu tiên xét tuyển thi TS 10?

Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT TP.HCM chưa chính thức công bố những quy định về chế độ cộng điểm ưu tiên sẽ áp dụng trong kỳ thi tuyển sinh 10 (TS 10) năm học 2021-2022. Tuy nhiên, căn cứ theo các quy định các năm trước thì chế độ ưu tiên xét tuyển với hình thức cộng điểm cho thí sinh đăng ký dự thi theo các trường hợp sau: Cộng 2 điểm cho thí sinh là: Con liệt sĩ, con thương binh mất sức lao động 81% trở lên, con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động 81% trở lên”; Cộng 1,5 điểm cho học sinh là con của Anh hùng lực lượng vũ trang, con của Anh hùng lao động; con thương binh mất sức lao động dưới 81%, con của người được cấp “Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh mà người được cấp Giấy chứng nhận người hưởng chính sách như thương binh bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%”; Cộng 1 điểm học sinh có cha hoặc mẹ là người dân tộc thiểu số, học sinh người dân tộc thiểu số. Chế độ cộng điểm ưu tiên không áp dụng khi thí sinh đăng ký dự thi vào lớp chuyên.


Đông đảo phụ huynh, học sinh Trường THCS Đoàn Kết (Q.6) tham dự chương trình tư vấn

Về chế độ ưu tiên trong kỳ thi Tuyển sinh 10 tại TP.HCM, nhiều học sinh khối 9 nêu thắc mắc “vì sao lại cần có các chính sách cộng điểm ưu tiên cho các đối tượng trên”, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa (Chuyên viên phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho hay, các chính sách được Nhà nước và TP đưa ra thể hiện tính nhân văn đồng thời khuyến khích động viên, tạo cơ hội được học tập cho các đối tượng yếu thế trong xã hội.

TS. Vũ Thiện Toàn (chuyên gia tâm lý) khẳng định, công bằng không có nghĩa là cào bằng. Các chính sách ưu tiên thể hiện sự công bằng, nhân văn trong xã hội. “Khi các em có ưu thế, các em cần tận dụng ưu thế đó, không nên so bì với bạn bè. Thay vì so bì, hãy cố gắng học tập thật tốt, ngay từ bây giờ hãy xây dựng cho mình một kế hoạch học tập thật tốt, khoa học ở cả 3 môn, môn nào yếu thì dành nhiều thời gian hơn, để thực hiện mục tiêu của mình”.

Kỳ thi TS 10 không phải là một cuộc đua

Cũng theo TS. Vũ Thiện Toàn, kỳ thi TS 10 không phải là một cuộc đua mà là một sự phù hợp. Vì thế, kỳ thi không bắt buộc tất cả thí sinh khối 9 đều phải tham gia mà chỉ những học sinh nào nhận thấy mình phù hợp để học tiếp lên bậc THPT thì hãy tiếp tục.

“Có rất nhiều hướng rẽ khác nhau sau THCS, lớp 10 THPT công lập không phải là con đường duy nhất. Các em có thể lựa chọn học trường THPT dân lập, học GDTX, học Trung cấp, CĐ nghề. Miễn sao sự lựa chọn đó phù hợp với năng lực bản thân mình”.


Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11) tham gia chương trình tư vấn

Theo thống kê, tại Trường THCS Lê Quý Đôn (Q.11), mỗi năm tỷ lệ học sinh rẽ sang hướng học nghề, học GDTX chiếm từ 20-40 học sinh (khoảng 10% tổng số học sinh khối 9). Trong khi đó, tại Trường THCS Đoàn Kết (Q.6) con số này lên đến 20%. Tuy nhiên, lãnh đạo các nhà trường cho hay, phần nhiều trong số đó học sinh lại rớt tuyển sinh 10 rồi mới lựa chọn rẽ các hướng khác. “Phụ huynh vẫn quan niệm thi TS 10 là một cuộc đua, tuyển chọn học sinh nào giỏi hơn, xuất chúng hơn. Chính quan niệm này phần nào gây khó khăn cho giáo viên, nhà trường khi tư vấn phân luồng cũng như hướng dẫn các em chọn nguyện vọng trường phù hợp”, cô Kiều Thị Thuỳ Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.11) chia sẻ.

ThS. Hồ Thanh Nhân (Chuyên viên phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhận định, nếu ngay từ ban đầu học sinh cũng như phụ huynh nhìn nhận đúng về năng lực học tập để chọn những ngã rẽ phù hợp thì áp lực trong kỳ thi TS 10 sẽ không còn. “Việc chọn ngã rẽ phù hợp không chỉ ở chuyện học tiếp lên THPT hay là rẽ sang nghề, các hướng đi khác mà ngay cả nếu thi TS 10, các em cũng cần cân nhắc đặt nguyện vọng một cách phù hợp. Đừng bao giờ đặt các nguyện vọng là các trường có số điểm chuẩn ngang nhau, các nguyện vọng phải cách nhau mức điểm an toàn trong đó NV 1 bao giờ cũng cao hơn NV2, NV2 sẽ cao hơn NV3. Ngoài điểm số, nguyện vọng trường còn phải dựa vào điều kiện đi lại, môi trường học tập”, ThS. Nhân chia sẻ.

Bài, ảnh: Yến Hoa

TS10 1: 

TS10 2: 

TS10 3: