Thứ sáu, 15/1/2021, 10h49

Tuyển sinh 2021: ĐH Ngoại thương bắt đầu mở hệ thống đăng ký xét tuyển riêng

Sử dụng 5 phương thức tuyển sinh, dành 50% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển riêng là những thông tin cơ bản về tuyển sinh 2021 của trường ĐH Ngoại thương.

Tuyển sinh 2021: ĐH Ngoại thương bắt đầu mở hệ thống đăng ký xét tuyển riêng

Bà Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương cho biết, hiện nay trường chưa phê duyệt Đề án tuyển sinh năm 2021. Tuy nhiên, về chủ trương, nhà trường cơ bản sẽ vẫn giữ 5 phương thức tuyển sinh của năm 2020 bao gồm:

Phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập THPT dành cho thí sinh tham gia thi học sinh giỏi quốc gia, đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và hệ chuyên của trường THPT chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa Chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; Xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ Ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi THPT và Xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và quy định riêng của trường.

Năm 2020, Trường ĐH Ngoại thương dành khoảng 50% chỉ tiêu cho xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và 50% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển riêng của trường.

Năm nay, bà Hương cho hay tỷ lệ này dự kiến vẫn giữ như năm 2020 hoặc nếu có chỉ điều chỉnh chênh lệch không đáng kể. 

Mặt khác, năm 2020, trường ĐH Ngoại thương dự định phối hợp cùng ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Tuy nhiên, sau đó, kỳ thi này không được tổ chức. Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội đã chính thức công bố sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực và lấy kết quả của kỳ thi này để xét tuyển như một phương thức tuyển sinh nữa của ĐH.

Về phía ĐH Ngoại thương, bà Phạm Thu Hương cho hay trường ĐH Ngoại thương đánh giá cao và luôn sẵn sàng phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội trong các kỳ thi đánh giá năng lực dành cho học sinh phổ thông.

"Căn cứ trên các tiêu chí lựa chọn thí sinh cho các ngành và chương trình đào tạo của nhà trường cũng như cấu trúc đề thi của kỳ thi, khi có đầy đủ thông tin chúng tôi sẽ nghiên cứu một cách thận trọng về sự phù hợp, thời gian và cách sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực cho xét tuyển để đảm bảo lựa chọn được thí sinh phù hợp cũng như thí sinh có sự chuẩn bị về kiến thức và tâm lý", bà Phạm Thu Hương nói.

Đồng thời thông tin trường ĐH Ngoại thương có nhiều phương thức xét tuyển và bắt đầu mở hệ thống dành cho đăng ký xét tuyển riêng dự kiến vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Thí sinh có thể tham gia xét tuyển ở cả 5 phương thức nếu đáp ứng điều kiện xét tuyển. Do đó, cơ hội tham gia xét tuyển là tương đối lớn.

Theo kinh nghiệm tư vấn trong năm 2020, nhiều  thí sinh xét tuyển theo kết quả thi THPT thường lo lắng vì phương thức xét tuyển này được thực hiện sau cùng. Nhưng bà Hương khẳng định việc tổ chức phương thức xét tuyển riêng không ảnh hưởng nhiều tới xét tuyển theo kết quả thi THPT và nhà trường luôn thực hiện cam kết về chỉ tiêu xét tuyển đã công bố.

Hiện nay, về cơ bản các trường ĐH vẫn duy trì tỷ lệ xét tuyển theo kết quả thi THPT ở mức cao. Do đó,  thí sinh tham gia phương thức xét tuyển này cũng không cần quá lo lắng về cơ hội của mình, quan trọng vẫn là phải bình tĩnh, tự tin và chuẩn bị thật tốt cho kỳ thi.

Trong nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT đã cho áp dụng cơ chế đăng ký nguyện vọng không giới hạn và việc xét tuyển ở các nguyên vọng không phụ thuộc vào thứ tự sắp xếp của nguyện vọng.

Do đó, việc đăng ký nguyện vọng vào Ngoại thương không làm hạn chế khả năng trúng tuyển vào các trường ĐH khác. 

Theo bà Hương, giữa các ngành của trường ĐH Ngoại thương điểm chuẩn chênh lệch nhau chỉ 0,1 – 0,5 điểm.  Điểm xét tuyển vào các ngành của nhà trường tương đối đồng đều qua các năm và duy trì ở mức cao.

Bà Hương cũng thông tin thêm năm 2021, lần đầu tiên trường tuyển sinh cho chương trình Luật Kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp hay chương trình Tiếng Anh thương mại thực hiện trên nền tảng PBL (project-based learning).

Theo Nghiêm Huê/TPO