Thứ ba, 24/3/2020, 14h48

Tuyển sinh đại học 2020 vẫn có thể gói gọn trong năm

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, dù chịu ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tuyển sinh của các trường vẫn có thể “gói gọn” trong năm 2020.\Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học năm 2019 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển đại học năm 2019. Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Chiều 23.3, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho biết do dịch bệnh, kế hoạch thi, tuyển sinh, tổ chức dạy và học của khối giáo dục ĐH cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khối ĐH được quyền tự chủ rất lớn nên việc tuyển sinh cũng như hoạt động của các trường sẽ không bị xáo trộn nhiều do dịch Covid-19.
Thời điểm kết thúc tuyển sinh vẫn là 31.12
Bà Phụng cho biết việc lùi thời gian tổ chức thi THPT quốc gia (đến ngày 8.8) làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020 của các cơ sở giáo dục ĐH. Như vậy, lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, tuyển thẳng, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển… và các mốc thời gian khác quy định cho xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia dự kiến cũng sẽ phải lùi lại tương đương với thời gian lùi lịch thi. Tuy nhiên, thời điểm kết thúc tuyển sinh của năm 2020 dự kiến vẫn như các năm trước là 31.12.
Trường hợp nào được công nhận kết quả trực tuyến, từ xa ?
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết Bộ GD-ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn về việc đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến để các trường thống nhất thực hiện, đảm bảo chất lượng đào tạo trên cơ sở yêu cầu của chương trình đào tạo và điều kiện từng trường.
Để công nhận kết quả tích lũy các học phần dạy học trực tuyến trong đào tạo chính quy, Bộ tiếp tục hướng dẫn các trường chỉ tổ chức đánh giá kết thúc học phần khi đã thực hiện đầy đủ khối lượng học tập của học phần. Nếu trường nào chưa thực hiện được đầy đủ khối lượng học tập qua công cụ dạy học trực tuyến thì khi quay trở lại học tập trung, cơ sở đào tạo phải tổ chức học bù những nội dung chưa thể triển khai qua các công cụ dạy học trực tuyến (thí nghiệm, thực hành… nếu có) để đánh giá học phần, công nhận kết quả học tập tích lũy theo quy định, đảm bảo chất lượng của chương trình đào tạo.
Việc công nhận kết quả tích lũy các học phần dạy học trực tuyến trong đào tạo chính quy chỉ được thực hiện khi nhà trường quản lý được hệ thống đào tạo trực tuyến, người học có đủ học liệu theo yêu cầu của chương trình đào tạo. Đồng thời, nhà trường tổ chức và quản lý được quá trình tổ chức dạy - học, tương tác đồng bộ giữa giảng viên, sinh viên, cán bộ quản lý… đảm bảo chuẩn đầu ra của từng học phần.
Theo bà Phụng, các cơ sở giáo dục ĐH có quyền tuyển sinh nhiều đợt trong năm với kế hoạch tự xây dựng. Bộ chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh đợt 1 năm 2020, áp dụng với các trường xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia. Căn cứ vào kết quả tuyển được và thời gian còn lại, các trường chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch tuyển sinh phù hợp, kết thúc trong năm 2020. Đối với trường không xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia thì việc tuyển sinh càng chủ động và linh hoạt hơn.
Các năm trước, kế hoạch tuyển sinh của phần lớn các trường bắt đầu cuối tháng 7 đến hết năm. Vì vậy, năm 2020, nếu tuyển sinh từ cuối tháng 8 đến hết tháng 12 cũng không ảnh hưởng đến kế hoạch và kết quả tuyển sinh của các trường ĐH.
Tận dụng thời gian dự phòng của năm 2021 để đào tạo
Với hoạt động đào tạo, việc nghỉ học chống dịch kéo dài như hiện nay cũng không quá đáng ngại với các trường ĐH, do luật Giáo dục ĐH đã cho các trường có quyền tự chủ trong việc xây dựng, thực hiện, điều chỉnh kế hoạch giảng dạy trong kỳ học, năm học, khóa học…
Trong quỹ thời gian hằng năm, các trường có khoảng 2 - 3 tuần dự phòng/kỳ học tùy theo từng trường và có khoảng 5 - 6 tuần nghỉ hè. Với quỹ thời gian này, kèm phương thức đào tạo theo tín chỉ, các trường chỉ cần điều chỉnh lịch học để tháng 8 có đủ lực lượng tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Việc kết thúc kỳ học, năm học các trường sẽ điều chỉnh theo điều kiện thực tế và yêu cầu của chương trình đào tạo. Nếu tình hình dịch bệnh còn nan giải thì có thể tận dụng cả thời gian dự phòng của năm 2021.
Ngoài việc lên kế hoạch tuyển  sinh năm 2020, hiện nay, trong hệ thống đã có 84 cơ sở  đã và đang tổ chức học tập trung; hơn 70 cơ sở dạy, học trực tuyến… và những trường còn lại đang tích cực chuẩn bị điều kiện để sớm triển khai kế hoạch dạy học trực tuyến, từ xa hoặc luân phiên kết hợp giữa đào tạo trực tuyến (lý thuyết) với học tập trung (thực hành, thí nghiệm) để đảm bảo chương trình và giảm lượng học tập trung…

Theo Quý Hiên/TNO